Diễn biến thị trường tiền tệ tháng 12/2011 và nhận định xu hướng tới

hungviet

Founder
1. Thị trường thế giới
Một số diễn biến nổi bật của kinh tế thế giới trong tháng 12/2011
Kinh tế thế giới trong tháng qua có những dấu hiệu tích cực đan xen tiêu cực, nhưng tổng thể nguy cơ suy thoái kép của nền kinh tế thế giới càng trở nên hiện hữu. Dấu hiệu trì trệ xuất hiện ở hàng loạt các nền kinh tế phát triển như; Mỹ, Pháp, Đức, Ý và Anh; còn ở các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil tăng trưởng kinh tế bắt đầu giảm tốc, đây có thể coi như cái giá phải trả cho việc kiềm chế lạm phát. Trong bối cảnh đó 6 ngân hàng Trung ương lớn trên thế giới gồm: FED, ECB, BOC, BOE, BOJ, SNB đã phải phối hợp với nhau để giảm bớt tình trạng căng thẳng trên thị trường tài chính và giúp tăng cường hoạt động kinh tế toàn cầu.

Sau đây là diễn biến nổi bật của 2 nền kinh tế chủ chốt:
- Kinh tế Mỹ
Theo số liệu mới nhất vừa được công bố tình hình kinh tế Mỹ đã đón nhận một số thông tin tích cực như: chỉ số ISM hoạt động của các nhà máy đã tăng từ 50.8 điểm lên 52.7 điểm so với tháng trước, chi tiêu cho xây dựng tăng 0,8% lên 798,53 tỷ USD; tốc độ tăng trưởng kinh tế Mỹ tăng gấp đôi trong quý III lên 2%. Ngoài ra, số liệu về việc làm đã tạo niềm tin cho nền kinh tế: tỷ lệ thất nghiệp giảm về 8,6% từ mức 9% trước đó, thay đổi việc làm phi nông nghiệp cũng tăng lên 120 nghìn người từ mức 100 nghìn người. Đây là tháng thứ 2 liên tiếp yếu tố việc làm có chuyển biến tích cực từ đầu năm đến nay. Trong khi các nhà kinh tế vẫn dự báo về nguy cơ kinh tế Mỹ suy thoái vào năm tới, đặc biệt nếu các nhà hoạch định chính sách cho phép ngừng chương trình trợ cấp thất nghiệp đã được gia hạn và chương trình cắt giảm thuế thu nhập vào cuối năm nay.
- Kinh tế khu vực Châu Âu
Kinh tế khu vực châu Âu trở nên bế tắc hơn bao giờ hết, mặc dù ECB và các nước thành viên trong khối đã nỗ lực để có những biện pháp cần thiết như cắt giảm mức lãi suất xuống 1% vào ngày 8/12, đồng thời cung cấp các khoản vay thời hạn dài 3 năm, nới lỏng các quy định về tài sản thế chấp tạo điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng trong việc huy động vốn. Nhưng các biện pháp đối phó chưa cho thấy kết quả nào thực sự tích cực, kể cả các thảo luận mới nhất đưa ra tại Hội nghị Thượng đỉnh EU. Chính vì vậy, các tổ chức xếp hạng tín dụng hàng đầu có những bình luận nghi ngờ về hiệp ước EU mới đạt được; Fitch cho biết, hiệp ước EU nhằm ràng buộc ngân sách các quốc gia Châu Âu chặt chẽ hơn chỉ mang lại một sự khác biệt nhỏ. Do đó, Fitch dự đoán khu vực đồng Euro vẫn phải tiếp tục vật lộn với một cuộc suy thoái nghiêm trọng kéo dài, có thể hết năm 2012 hoặc lâu hơn nữa; Trong khi đó, tổ chức Moody cho biết, sẽ xem xét mức xếp hạng tín dụng của toàn bộ các quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu. Trước đó, Standar & Poor’s cũng có những cảnh báo khi cho rằng, hiệp ước EU vừa mới đạt được chưa đủ để chấm dứt cuộc khủng hoảng nợ công đã kéo dài hơn 2 năm.

Thị trường vàng
Giá vàng thế giới mở cửa tháng 12 là 1.747,93 USD/Ounce, giá cao nhất được ghi nhận tính đến ngày 15 là 1.762,97 USD/Ounce, giá thấp nhất là 1.522,55 USD/Ounce, giảm so với mức giá mở cửa là 240,42 USD/Ounce (tương đương với mức giảm 13,76% so với mức giá mở cửa). Trong khi đó giá vàng trong nước ngày 01/12 niêm yết quanh vùng 45,1 – 45,3 tr.đ/ lượng mua vào – bán ra, đến ngày 30/12 giá niêm yết phổ biến quanh mức 40,8 – 42,0 mua vào – bán ra. Trung bình giá vàng trong nước từ đầu tháng đến nay giảm 9,5% - 7,28% mua vào – bán ra thấp hơn rất nhiều so với mức giảm của thế giới, có thời điểm chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới là 3 tr.đ/lượng vào ngày (15/12).
Nguyên nhân chính của giá vàng giảm mạnh trong tháng là do sự mạnh lên của đồng USD trong mấy tháng cuối năm, thêm vào đó là quỹ SPDR Gold đã bán ra 44 tấn từ đầu tháng đến nay đưa lượng nắm giữ của quỹ này xuống 1.254,57 tấn

2. Thị trường Việt Nam
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 12/2011 tăng 0,53% so với tháng trước, tăng 18,13% so với tháng 12/2010. Bình quân 12 tháng tăng 18,58% so với bình quân cùng kỳ năm 2010.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI), chỉ số giá vàng và chỉ số giá đô la Mỹ
Chỉ số đô la Mỹ tháng 12 tăng 0,02% so với tháng trước, tăng 2,24% so với tháng 12/2010. Bình quân 12 tháng tăng 8,47%.
Chỉ số giá vàng tháng 12 giảm 0,97% so với tháng trước, tăng 24,09% so với tháng 12/2010. Bình quân 12 tháng tăng 39%, đã cho thấy độ nóng của thị trường vàng với mức giá tăng chóng mặt từ đầu năm đến nay.

Thị trường tiền tệ, ngoại hối

Kể từ khi Thông tư 30/2011/TT-NHNN được ban hành ngày 28/9/2011, quy định lãi suất tối đa với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng là 6%/năm và Nghị định 95/2011/NĐ-CP ban hành ngày 20/10/2011, mặc dù chưa đạt được những kết quả như mong muốn của người làm chính sách, nhưng về cơ bản đã phát huy được hiệu quả tích cực, lập lại trật tự thị trường tiền tệ. Thông qua các chính sách đó một số ngân hàng nhỏ đã bộc lộ những yếu kém trong quản trị của mình và đòi hỏi cơ quan quản lý cần phải có biện pháp can thiệp như việc tái cấu trúc hệ thống các ngân hàng yếu kém để cho “sức khỏe tài chính hệ thống ngân hàng được cải thiện hơn”, giảm thiểu rủi ro cho nền kinh tế. Vừa qua, việc hợp nhất 3 ngân hàng tại Tp.HCM là Đệ Nhất, Tín Nghĩa và SCB là bước đi khởi đầu của quá trình tái cơ cấu.
Tỷ giá thị trường ngoại hối: Các chính sách đưa ra đã từng bước phát huy được hiệu quả, góp phần ổn định tỷ giá bình quân liên ngân hàng thời gian dài ở mức 20.803 trong cả tháng 11, đến ngày 14/12 mới điều chỉnh tăng lên 20.813 rồi 20.828. Đối với tỷ giá ở thị trường chính thức và phi chính thức tính đến giữa tháng 12, tỷ giá ở thị trường phi chính thức giảm đáng kể so với cuối tháng 11, giao động phổ biến trong khoảng từ 21.150 đến 21.300; ở thị trường chính thức tỷ giá giao động phổ biến từ 21.005 đến 21.036.

Lãi suất liên ngân hàng: Tính đến giữa tháng 12 lãi suất liên ngân hàng không biến động so với cuối tháng 11, lãi suất VND qua đêm phổ biến từ 13-15%; 1 tuần 15%-17%; 2 tuần 16%-18%; 1 tháng 18%-19% cao hơn nhiều so với huy động từ dân cư (14%).
Lãi suất liên ngân hàng tăng cao, cũng một phần do tác động điều chỉnh của Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất tái cấp vốn từ 14% một năm lên 15%, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng từ 14% lên 16% mỗi năm, áp dụng từ ngày 10/10 cũng là một nhân tố đẩy lãi suất liên ngân hàng dâng cao.

http://www.vietinbank.vn/web/export/sites/default/vn/research/12/images/usd-eur.png

3. Nhận định diễn biến thị trường trong thời gian tới

- Tình hình thế giới
Nhận định diễn biến cặp tiền EUR/USD

Mở cửa đầu tháng 12 tỷ giá EUR/USD là 1,3445, giá cao nhất được ghi nhận trong tháng là 1,3550 và giá thấp nhất là 1,2857 giảm 4,37% so với mức giá mở cửa của tháng. Nhận định xu hướng trong thời gian tới: về mặt kỹ thuật trong dài hạn ở biểu đồ MN các chỉ báo xu hướng Stochastic và RSI tiếp tục giảm. Nhưng hiện nay chỉ báo xu hướng Stochastic và RSI ở các biểu đồ ngắn hạn, trung hạn và dài hạn đã nằm trong phạm vi bán quá mức, hiện nay ngưỡng hộ trợ mạnh là 1,2850. Nhận định: Cặp tỷ giá này có thể sẽ đảo chiều tăng về vùng 1,3500 trong thời gian tới; Ngược lại, cặp tỷ giá này sẽ giảm trở lại vùng 1,2500 (fibo expand 100%), nếu phá vỡ ngưỡng hỗ trợ 1,2850.
Vàng
Từ khi giá vàng thế giới phá vỡ ngưỡng hỗ trợ quan trọng 1.700 USD/Ounce, giá vàng lao dốc mạnh, có ngày giảm 78USD/Ounce (vào ngày 14/12). Về mặt kỹ thuật giá vàng vẫn đang trong kênh giảm giá, nhưng hiện nay giá vàng thế giới sắp chạm đến ngưỡng hỗ trợ quan trọng 1.530 USD/Ounce (đáy của ngày 25/9). Hiện nay các chỉ báo Stochastic và RSI đã cho thấy dấu hiệu đảo chiều, về kỹ thuật giá vàng tăng về vùng 1.660, trước khi giảm trở lại vùng 1.460.
Chỉ số đô la Mỹ (USD- Index)


Chỉ số USD-index mở cửa đầu tháng 12 là 78.32, giá cao nhất được ghi nhận tính đến ngày 15/12 là 80.85 và giá thấp nhất 77.96, tăng 3,57% so với giá mở cửa đầu tháng. Nhận định xu hướng tháng tới chỉ số này tiếp tục tăng, nhưng trong biên độ hẹp về vùng fibo thoái lui 61,8% và fibo mở rộng PE 100% (Biên độ giao động chủ yếu trong khoảng 79 đến 82.50 điểm).

- Tình hình trong nước
Diễn biến lạm phát vào những ngày còn lại của tháng 12 và đầu năm 2012 diễn biến phức tạp. Do yếu tố mùa vụ ở tháng cuối năm và đầu năm, thường nhu cầu lương thực và thực phẩm những ngày này tăng mạnh, tiền thưởng đổ dồn vào cuối năm cũng làm cho nhu cầu gia tăng mạnh mẽ. Những yếu tố gây sức ép chính lên lạm phát trong năm 2012 đó là: Bộ Tài chính đã có kế hoạch tăng giá điện khoảng 10-15%; tăng lương tối thiểu theo lộ trình; tỷ giá tiếp tục có xu hướng tăng là khó tránh khỏi.
Để nền kinh tế có hướng đi tốt trong những tháng đầu của năm 2012 cần phải có sự phối hợp đồng bộ của các ban ngành. Đối với lĩnh vực tài chính ngân hàng cần:
- Thứ nhất: Chính sách tiền tệ tiếp tục duy trì, nhất quán theo tinh thần Nghị quyết 11, Thông tư 30/2011/TT-NHNN và Nghị định 95/2011/NĐ-CP.
- Thứ hai: Tốc độ tăng cung tiền năm 2012 cần giữ ở mức hợp lý nhằm đảm bảo tốc độ tăng trưởng tín dụng từ 15 đến 17% như mục tiêu của NHNN đề ra.
- Thứ ba: Chính phủ, NHNN cần giám sát chặt chẽ các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu ở mức cao và đồng thời giám sát chặt chẽ các dự án là nguyên nhân của nợ xấu.
-------------------------------------
Tài liệu tham khảo
1.Theo AP, Reuters
2.Một số vấn đề nổi bật của kinh tế thế giới và Việt Nam tháng 11 và 11 tháng đầu năm 2011- Viện Khoa học xã hội Việt Nam
3.Tổng hợp thông tin từ các báo chí, trang thông tin điện từ của Chính phủ, NHNN,...

Phòng Kinh doanh tiền tệ - VietinBank
 

Tin tuyển dụng mới nhất

Thống kê MXH

Tổng số chủ đề
34,577
Số bình luận
528,088
Tổng số thành viên
351,504
Thành viên mới nhất
blacktonguemerc
Back
Bên trên