Yêu cầu của việc lập báo cáo kế toán tài chính ngân hàng

Yêu cầu của việc lập báo cáo kế toán – tài chính ngân hàng

Hệ thống báo cáo kế toán – tài chính được lập để phục vụ cho công tác quản lý hoạt động của từng đơn vị ngân hàng, của nội ngành ngân hàng và cũng là báo cáo chính thức gửi tới cơ quan quản lý nhà nước theo chế độ quy định như cơ quan thuế, Tổng cục Thống kê…. Vì vậy, hệ thống báo cáo kế toán – tài chính ngân hàng phải đáp ứng được các yêu cầu sau:

– Số liệu của các báo cáo kế toán – tài chính ngân hàng phải đầy đủ, trung thực, minh bạch và thống nhất.
Để các báo cáo kế toán – tài chính trở nên hữu ích, việc lập các báo cáo của đơn vị ngân hàng cũng như bất kỳ một pháp nhân tổ chức nào trong nền kinh tế cần quán triệt tất cả các nguyên tắc kế toán, trong đó có 4 nguyên tắc chủ đạo sau: Nguyên tắc so sánh và nhất quán; nguyên tắc trọng yếu; nguyên tắc thận trọng; nguyên tắc công bố đầy đủ.
– Báo cáo kế toán – tài chính ngân hàng cần có những chỉ tiêu cần thiết và được tổng hợp chính xác theo từng cấp phục vụ cho việc đánh giá diễn biến và thực trạng tình hình lưu thông tiền tệ, tín dụng, hoạt động ngân hàng nói riêng và diễn biến, thực trạng hoạt động kinh tế nói chung ở từng khu vực, địa bàn, ngành, thành phần kinh tế và trên phạm vị toàn quốc.

– Báo cáo kế toán – tài chính ngân hàng phải có những chỉ tiêu, thông tin cần thiết phản ánh đặc thù hoạt động của ngân hàng, thể hiện mức độ các loại rủi ro tín dụng, rủi ro thanh khoản, rủi ro lãi suất, rủi ro tiền tệ… của đơn vị ngân hàng.

– Để đảm bảo và khẳng định sự trung thực, hợp lý của thông tin kế toán-tài chính ngân hàng, Báo cáo tài chính hàng năm của đơn vị NHTM (TCTD) phải được kiểm toán bởi một doanh nghiệp kiểm toán độc lập đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của NHNN Việt Nam. Đối với NHTM (TCTD) quốc doanh đã có trong thông báo kế hoạch kiểm toán năm của cơ quan Kiểm toán Nhà nước thì báo cáo tài chính năm đó không bắt buộc phải được doanh nghiệp Kiểm toán kiểm toán (Điều 10, Nghị định của Chính phủvề kiểm toán độc lập số 105/2004/ NĐ-CP). Báo cáo tài chính hàng năm của NHNN Việt Nam phải được kiểm toán bởi cơ quan kiểm toán nhà nước (Điều 48, Luật NHNN).

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam yêu cầu TCTD phải sử dụng một hoặc một số dịch vụ kiểm toán (kiểm toán hoạt động, kiểm toán tuân thủ) khi xét thấy cần thiết trong một số trường hợp sau:


a- TCTD có nguy cơ lâm vào tình trạng kiểm soát đặc biệt.
b- TCTD được xem xét để công nhận thoát khỏi tình trạng kiểm soát đặc biệt.
c- Trước khi TCTD tham gia niêm yết và phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng tại Trung tâm giao dịch chứng khoán hoặc Sở giao dịch chứng khoán.
d- TCTD được sát nhập, bán lại hoặc hợp nhất.
đ- Các trường hợp khác do NHNN Việt Nam quyết định.
Để đạt tiêu chuẩn, đủ điều kiện đăng ký và được lựa chọn thực hiện kiểm toán TCTD, ngoài việc đảm bảo tuân thủ các quy định tại NĐ số 105/2004/NĐ-CP ngày 30/3/2004 của Chính phủvề kiểm toán độc lập và Thông tư số 64/2004/TT-BTC ngày 29/6/2004 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số điều của NĐ 105, doanh nghiệp kiểm toán phải đảm bảo các điều kiện sau:

(1)- Có vốn điều lệ hoặc vốn chủ sở hữu từ 03 tỷ đ trở lên đối với doanh nghiệp kiểm toán trong nước; Vốn điều lệ tối thiểu là 300.000 USD đối với doanh nghiệp kiểm toán có vốn đầu tư nước ngoài.

(2) Có số lượng kiểm toán viên hành nghề từ 10 người trở lên. Bố trí ít nhất 03 kiểm toán viên hành nghề tham gia kiểm toán một TCTD.

(3) Các kiểm toán viên hành nghề và người đại diện lãnh đạo của doanh nghiệp kiểm toán tham gia kiểm toán TCTD phải có đủ các tiêu chuẩn, điều kiện (được quy định tại điều 6 Quy chế về kiểm toán độc lập đối với TCTD số 121/2005/QĐ-NHNN ngày 02/02/2005). Ví dụ, có tên trong danh sách hành nghề được BTC xác nhận; có ít nhất 02 năm kinh nghiệm kiểm toán sau ngày được cấp chứng chỉ kiểm toán viên…
(4) Đã thành lập và hoạt động tại Việt Nam tối thiểu 03 năm.

(5) Không có quan hệ về kinh tế như mua công trái hoặc các tài sản, hùn vốn, liên doanh, góp cổ phần với TCTD được kiểm toán hoặc ngược lại.

(6) Không là khách hàng đang hưởng những điều kiện ưu đãi của TCTD được kiểm toán.

(7) Doanh nghiệp kiểm toán và TCTD được kiểm toán, không có cùng một chủ sở hữu từ 5% trở lên vốn chủ sở hữu của mỗi bên.

(8) Không đang hoặc đã thực hiện trong năm trước liền kề dịch vụ ghi sổ kế toán, lập báo cáo tài chính, dịch vụ kiểm toán nội bộ, định giá tài sản, tư vấn, quản lý cho TCTD đó.

(9) Không thuộc đối tượng trong danh sách thông báo của NHNN Việt Nam về doanh nghiệp kiểm toán không được thực hiện kiểm toán TCTD (theo quy định tại Điều 9, khoản 2c Quy chế về kiểm toán độc lập đối với TCTD).
 

Tin tuyển dụng mới nhất

Thống kê MXH

Tổng số chủ đề
34,577
Số bình luận
528,086
Tổng số thành viên
351,489
Thành viên mới nhất
789betstyle
Back
Bên trên