Vì sao nhiều thạc sĩ đi làm phụ hồ, bán trà đá, làm công nhân?

phuong1290

Super Moderator
Super Mod
Người ta không trả tiền lương cho bằng cấp hay học thức mà là từ hiệu quả công việc. Vì vậy, nhiều người có 2 bằng đại học hoặc có bằng thạc sĩ mà vẫn thất nghiệp hoặc phải giấu bằng để đi làm công nhân.

>>> 2 bằng đại học đi bán trà đá lương 9 triệu
>>> Tốt nghiệp lớp 7 lương 15 triệu ở Sài Gòn
>>> Đỗ ĐH 28,5 điểm sau 3 năm đi làm giờ nghề chính là XE ÔM
>>> Kinh tế khó khăn "đánh gục" 2 bằng đại học
>>> Bỏ bằng đại học đi bán cá vẫn sống “khỏe”
>>> Bỏ bằng đại học làm may vá vẫn sống “khỏe”

Gần đây tôi thấy báo chí có một số bài viết về thực trạng nhiều bạn có hai bằng đại học, tốt nghiệp loại giỏi hoặc có bằng thạc sĩ mà vẫn thất nghiệp hoặc phải giấu bằng để đi làm công nhân, phụ hồ… Nhiều người đặt dấu hỏi là tại sao lại như vậy, nhưng theo tôi đây là điều rất bình thường. Bởi lẽ, có một số nguyên nhân của thực trạng này như sau:

Thứ nhất, do thiếu định hướng

Những người sau khi tốt nghiệp đại học, nếu có được định hướng rõ ràng cho việc đi học thêm văn bằng 2, văn bằng 3 hoặc học lên cao hơn thì sẽ rất tốt. Nhưng theo quan sát của tôi thì phần đông là do các bạn không xin được việc làm, nên tận dụng thời gian rảnh rỗi đi học thêm với mong muốn có nhiều cơ hội mới mở ra trong tương lai.

Tuy nhiên, những người này không hiểu rằng việc học là rất quan trọng nhưng chúng ta nên học những gì phục vụ cho công việc thực tiễn, cho định hướng cụ thể, nếu không, chúng ta chỉ phí thời gian mà thôi.

Thực tế cho thấy, ở Việt Nam cũng như trên thế giới, có rất nhiều người thành công mà không trải qua bất kỳ trường đại học nào. Tuy nhiên, các bạn đừng tưởng nhầm là họ không học. Ngược lại, họ dành rất nhiều thời gian để đầu tư, học hỏi, trau dồi kiến thức qua sách vở, Internet, qua bạn bè, đồng nghiệp hay từ những người thành công đi trước…

Ở đây, chủ yếu là họ tự học, học vì đam mê và có định hướng rất rõ ràng. Bởi lẽ, những người này không muốn mất thời gian để học những thứ vô bổ, không cần thiết cho thực tiễn và không phù hợp với niềm đam mê mà họ đang theo đuổi...

Thứ hai, chúng ta không nhận tiền lương cho bằng cấp hay kiến thức mà là từ hiệu quả công việc.

Ví dụ một bạn không học đại học mà dành thời gian và tiền bạc đi theo nghề mình yêu thích như: học tạo mẫu tóc, thời trang, nấu ăn, may mặc… Có thể bước khởi đầu thấp nhưng nếu bạn làm việc với thái độ tích cực, chịu khó học hỏi, có trách nhiệm với công việc thì dần dần tay nghề của bạn sẽ được nâng cao, sẽ trở nên chuyên nghiệp hơn, tạo được uy tín đối với khách hàng thì như vậy, thu nhập của bạn có thể hơn rất nhiều những người có bằng đại học.

Từ đó, có thể thấy, tất cả mọi ngành nghề đều được trả công xứng đáng khi chúng ta phục vụ tốt và tạo ra nhiều sản phẩm có lợi ích, giá trị. Như vậy, nếu các bạn có định hướng rõ ràng thì đâu cần phải có nhiều bằng cấp để rồi không có kỹ năng tạo ra những thứ mà người khác cần?

Thứ ba, thiếu sự đam mê

Một điều không thể phủ nhận là tất cả những người thành công trong các lĩnh vực khác nhau đều có một điểm chung là bắt nguồn từ sự đam mê, tâm huyết với nghề họ theo đuổi.

Niềm đam mê sẽ giúp mỗi người có động lực để vượt qua những khó khăn, thử thách. Khi làm công việc với niềm đam mê, bạn sẽ cảm thấy hứng thú để cố gắng nỗ lực hoàn thành công việc chứ không phải làm cho có, làm cho đủ thời gian. Người đam mê sẽ có cảm giác “được làm” chứ không phải “bị làm”.

Chẳng hạn như bạn nào thích xem bóng đá hoặc thích chơi games thì bạn có thể thức đến 4, 5 giờ sáng để xem hết trận chung kết cúp châu Âu hay thức trắng đêm để chơi games ưa thích mà vẫn cảm thấy hứng thú, không hề mệt mỏi.

Còn nếu ngược lại, bạn phải làm những công việc mà bạn không thích thì cho dù có cố gắng lắm bạn cũng không thể thức được quá 12 giờ liên tục nhiều ngày. Mà nếu có thức được thì chưa chắc kết quả mang lại đã tốt.

Ngoài ra, nếu bạn đi làm chỉ với một mục đích duy nhất là vì tiền thì một năm sẽ chỉ có hơn chục lần bạn cảm thấy hạnh phúc, vui vẻ vì được lĩnh lương, thưởng mà thôi. Còn lại phần lớn thời gian bạn sẽ làm việc với tâm trạng mệt mỏi, căng thẳng, áp lực, ức chế vì phải làm những công việc mà mình không thích. Chính những điều này sẽ làm cho công việc của bạn bị giậm chân tại chỗ, không có được sự thăng tiến trong sự nghiệp.

Thứ tư, không làm việc theo sở trường

Các nhà khoa học đã tìm ra con người có 7 loại hình trí thông mình giúp phát huy 7 sở trường cơ bản. Nếu một người làm việc không đúng sở trường thì sẽ gặp vô số khó khăn khi phải cạnh tranh với những người làm đúng sở trường. Ví dụ, một người không có sở trường về thể thao nhưng lại đi làm cầu thủ đá banh thì dù cố gắng nỗ lực bao nhiêu cũng không lên đến đỉnh cao được.

Nói tóm lại, các bạn sinh viên cần xác định cho mình một công việc mà mình thật sự đam mê để phát huy được tối đa sở trường của mình. Từ đó, các bạn hãy làm việc với một định hướng cụ thể, luôn học tập rèn luyện kỹ năng thật tốt để có thể phục vụ, mang lại lợi ích cho cộng đồng, xã hội thì như vậy các bạn sẽ thành công.

Từ 4 lý do trên, tôi nghĩ rằng chúng ta có thể giải mã được phần nào câu hỏi “Vì sao có nhiều bằng đại học hoặc đỗ thạc sĩ mà vẫn thất nghiệp?”.

ThS. Nguyễn Ngọc Hưng
VnExpress

 
Back
Bên trên