Vấn đề quản lí rủi ro về thanh khoản

Rủi ro thanh khoản là một trong những rủi ro đặc thù của hoạt động kinh doanh ngân hàng, bên cạnh những loại rủi ro khác như rủi ro tín dụng, rủi ro lãi suất, rủi ro thị trường, rủi ro hoạt động… Xuất phát từ tính liên kết hệ thống một cách chặt chẽ, một ngân hàng gặp rủi ro thanh khoản sẽ ảnh hưởng tới hoạt động bình thường của các ngân hàng khác, và rộng hơn là đe dọa đến sự an toàn trong hoạt động của toàn bộ hệ thống ngân hàng. Do đó, quản trị rủi ro thanh khoản của các ngân hàng thương mại (NHTM) luôn là vấn đề được quan tâm đặc biệt bởi các cơ quan nhà nước thực hiện hoạt động quản lý, giám sát. Những quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng và biện pháp hỗ trợ, bảo đảm thực thi những quy định này đã được ghi nhận trong các văn bản pháp luật từ khá sớm và ngày càng được hoàn thiện để phù hợp với sự phát triển của hệ thống NHTM Việt Nam.

1. Quy định của pháp luật về quản lý rủi ro thanh khoản của các ngân hàng thương mại Việt Nam
Có thể nói, những quy định về quản lý rủi ro thanh khoản của các NHTM là nhóm quy định thường xuyên được cập nhật, thay đổi trong hệ thống văn bản pháp luật của Việt Nam. Văn bản hiện hành điều chỉnh đối với hoạt động quản lý rủi ro thanh khoản của NHTM có thể kể tới: Luật các Tổ chức tín dụng năm 2010, Thông tư số 36/2014/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 20/11/2014 quy định các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; Thông tư số 06/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước ngày 25/05/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 36/2014/TT-NHNN. Những quy định tại các văn bản này mặc dù còn có những khoảng cách nhất định so với thông lệ quốc tế, song đã phần nào đáp ứng được yêu cầu giám sát, quản lý của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và mục tiêu an toàn hoạt động của hệ thống NHTM. Một cách khái quát, pháp luật về quản lý rủi ro thanh khoản của các NHTM Việt Nam bao gồm những nội dung cơ bản như sau:
Một là, quy định về việc ban hành Quy định nội bộ để quản lý thanh khoản của các NHTM.
Quản trị rủi ro nói chung và quản trị rủi ro thanh khoản nói riêng là một trong những hoạt động quan trọng nhất của các NHTM, do đó, các NHTM hoàn toàn có quyền chủ động trong việc đưa ra những kế hoạch, định hướng, phương án thực hiện để quản trị rủi ro có thể xảy ra trong quá trình kinh doanh của mình. Những nội dung này sẽ được thể hiện qua các Quy định nội bộ của NHTM. Tuy nhiên, với tính đặc thù của hoạt động ngân hàng, nên pháp luật có những yêu cầu đối với những quy định nội bộ mà NHTM phải ban hành nhằm đảm bảo có cơ chế kiểm soát, kiểm toán nội bộ, quản lý rủi ro gắn với từng quy trình nghiệp vụ kinh doanh, phương án xử lý các trường hợp khẩn cấp có thể xảy ra. Theo đó, các NHTM sẽ phải ban hành Quy định nội bộ về quản lý thanh khoản chứa đựng những nội dung tối thiểu do pháp luật quy định. Đồng thời, Quy định nội bộ này phải được rà soát, xem xét sửa đổi, bổ sung định kỳ ít nhất một năm một lần và phải gửi cho NHNN khi Quy định được ban hành, sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.
Hai là, quy định về các chỉ tiêu thanh khoản mà NHTM phải tuân thủ, chẳng hạn:
(i) Tỷ lệ về khả năng chi trả. Tỷ lệ này cho biết khả năng thanh khoản của NHTM khi đáp ứng tổng nợ phải trả tại tất cả các kì hạn. Tỷ lệ này càng cao thì nguy cơ rủi ro thanh khoản càng giảm, và ngược lại. Theo quy định của pháp luật hiện hành, NHTM phải duy trì tỷ lệ khả năng chi trả bao gồm hai nhóm: Tỷ lệ dự trữ thanh khoản tối thiểu (được tính theo tỷ lệ phần trăm giữa tài sản có tính thanh khoản cao trên tổng nợ phải trả): 10%; và Tỷ lệ khả năng chi trả trong 30 ngày (được tính theo tỷ lệ phần trăm giữa tài sản có tính thanh khoản cao trên dòng tiền ra ròng trong 30 ngày tiếp theo): đối với đồng Việt Nam: 50%; đối với ngoại tệ: 10%.
(ii) Tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung và dài hạn. Tỷ lệ này nhằm hạn chế sự bất cân xứng về kì hạn giữa tài sản Có và tài sản Nợ, vốn được coi là nguyên nhân chính dẫn đến rủi ro thanh khoản cũng như rủi ro lãi suất tại các NHTM. Theo quy định của pháp luật, tính đến hết ngày 31/12/2016, tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn NHTM được sử dụng cho vay trung và dài hạn là 60%. Tỷ lệ này sẽ giảm theo lộ trình, cụ thể, từ 1/1/2017 đến 31/12/2017: 50%; từ 1/1/2018: 40%. Đồng thời, từ ngày 1/7/2016, NHTM được mua, đầu tư trái phiếu Chính phủ so với nguồn vốn ngắn hạn bình quân của tháng liền kề trước đó với tỷ lệ tối đa 25% dành cho NHTM nhà nước (thay vì 15% theo quy định Thông tư 36/2014/TT-NHNN), và 35% dành cho NHTM cổ phần, ngân hàng liên doanh, ngân hàng 100% vốn nước ngoài[ii].
(iii) Giới hạn cấp tín dụng, giới hạn góp vốn, mua cổ phần, tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi. Với mục đích đảm bảo thanh khoản cũng như an toàn cho hệ thống ngân hàng, NHNN quy định giới hạn cấp tín dụng đối với một khách hàng hoặc một nhóm khách hàng, trường hợp không được cấp tín dụng, hạn chế cấp tín dụng, giới hạn góp vốn, mua cổ phần. Cơ bản, những nội dung này là sự hướng dẫn từ quy định của Luật các Tổ chức tín dụng 2010. Thêm vào đó, NHTM phải thực hiện tỷ lệ tối đa dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi theo đồng Việt Nam là 90%.
(iv) Tỷ lệ vốn tự có trên tổng tài sản Có rủi ro. Pháp luật hiện hành quy định, NHTM phải thường xuyên duy trì tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu bao gồm tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu riêng lẻ và tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu hợp nhất ở mức 9%. Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu được tính theo tỷ lệ phần trăm giữa vốn tự có và tổng tài sản có đã được điều chỉnh theo hệ số rủi ro. Hệ số rủi ro của tài sản có được chia theo 5 mức: 0%, 20%, 50%, 100% và 150%. Đến ngày 1/1/2017, bổ sung thêm mức hệ số rủi ro là 200% đối với các khoản phải đòi để kinh doanh bất động sản[iii].
Ba là, quy định về các biện pháp hỗ trợ, giám sát thanh khoản của NHNN đối với các NHTM.
Là cơ quan thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia, điều tiết đối với lượng tiền lưu thông trong nền kinh tế và đóng vai trò là ngân hàng của các ngân hàng, nên khi khả năng thanh khoản của một NHTM bị đe dọa, để đảm bảo tính ổn định cho hoạt động của hệ thống ngân hàng, NHNN thực hiện các biện pháp hỗ trợ thanh khoản cho NHTM. Các biện pháp hỗ trợ chủ yếu là tái cấp vốn, tái chiết khấu, thực hiện nghiệp vụ thị trường mở. Mặt khác, đóng vai trò là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng và là ngân hàng trung ương, NHNN còn thực hiện hoạt động quản lý, giám sát, xử lý đối với NHTM không đảm bảo các chỉ tiêu thanh khoản do NHNN quy định. Hoạt động này được đánh giá là có tính đặc thù của NHNN và đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sự an toàn trong hoạt động của các NHTM.

2. Thực thi nội dung pháp luật về quản lý rủi ro thanh khoản của ngân hàng thương mại và đề xuất hoàn thiện

2.1. Những điểm đạt được

Một là, vấn đề rủi ro thanh khoản tại từng NHTM đã được NHNN ngày càng quan tâm, chú trọng. Điều này được thể hiện thông qua việc NHNN đã liên tục cập nhật và hoàn thiện khung pháp luật về thanh khoản và quản trị rủi ro thanh khoản của các NHTM theo hướng ngày một chi tiết và tiếp cận với các chuẩn mực quốc tế. Mặt khác, những quy định NHNN đưa ra đã được các NHTM tuân thủ tương đối đầy đủ. Dựa trên yêu cầu của NHNN, hầu hết các NHTM hiện nay đều đã ban hành các quy định về quản lý thanh khoản áp dụng thống nhất trong nội bộ ngân hàng. Đồng thời, các NHTM cũng đã xây dựng cơ cấu tổ chức quản lý rủi ro thanh khoản, và tuân thủ chặt chẽ những chỉ tiêu thanh khoản mà NHNN yêu cầu Những điều này đã góp phần giúp giảm thiểu nguy cơ rủi ro thanh khoản tại từng NHTM nói riêng và toàn bộ hệ thống NHTM nói chung.
Hai là, những quy định của NHNN về quản lý rủi ro thanh khoản đã góp phần điều tiết hoạt động của các bộ phận thị trường tài chính khác, như thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản. Chẳng hạn, Thông tư 36/2014/TT-NHNN quy định giảm hệ số rủi ro đối với cho vay kinh doanh bất động sản và chứng khoán từ 250% (theo quy định tại Thông tư 13/2010/TT-NHNN) xuống còn 150%. Việc giảm hệ số rủi ro này có ý nghĩa định hướng các NHTM thực hiện cấp vốn cho những ngành, lĩnh vực Nhà nước quan tâm và ưu tiên. Đồng thời, quy định này một cách gián tiếp góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thị trường chứng khoán, bất động sản phát triển thông qua việc tạo điều kiện cho NHTM tăng cường cho vay đầu tư kinh doanh chứng khoán và bất động sản. Đạt được mục tiêu này, từ khi Thông tư 36/2014/TT-NHNN có hiệu lực, dòng chảy tín dụng vào bất động sản gia tăng mạnh[iv]. Tuy nhiên, khi những nguy cơ về một thị trường tăng trưởng nóng và rủi ro tăng cao khi tín dụng tăng trưởng mạnh dựa nhiều vào nguồn vốn ngắn hạn, nhằm giúp NHTM tăng cường năng lực đề kháng rủi ro, ngăn chặn hành vi kinh doanh mạo hiểm, NHNN đã quy định lộ trình tăng dần hệ số rủi ro đối với hoạt động cho vay bất động sản.

Ba là, NHNN đã thực hiện khá hiệu quả vai trò hỗ trợ thanh khoản cho các NHTM bằng việc sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ một cách linh hoạt. Cụ thể, NHNN đã điều hành chủ động, hiệu quả công cụ nghiệp vụ thị trường mở nhằm điều tiết thanh khoản[vi]. Cùng với thị trường mở, NHNN cũng duy trì các công cụ khác như chính sách tái cấp vốn, dự trữ bắt buộc nhằm đạt được mục tiêu chính sách tiền tệ. Mặt khác, đối với hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng của NHNN, hoạt động này ngày càng được hoàn thiện cả về mặt pháp lý lẫn thực tế thực hiện. Theo đó, không chỉ là sự cập nhật, thay đổi, bổ sung những văn bản điều chỉnh với hoạt động này, mà phương pháp thanh tra, giám sát cũng từng bước được chuyển đổi từ truyền thống (giám sát tuân thủ) sang phương pháp giám sát trên cơ sở rủi ro. Quy trình giám sát ngân hàng cũng đã được nghiên cứu, xây dựng phù hợp với thông lệ quốc tế và dự kiến sẽ được ban hành trong thời gian tới…

2.2. Một số vấn đề còn bất cập và hướng hoàn thiện

Một là, quy định về chỉ tiêu thanh khoản do NHNN ban hành chỉ mang ý nghĩa giải quyết nhu cầu ngắn hạn, còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng được các chuẩn mực quốc tế, tiêu biểu:
(i) Về quy định tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn.
Thông tư 36/2014/TT-NHNN quy định tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn của NHTM là 60% thay cho giới hạn thấp hơn là 30% tại Thông tư 15/2009/TT-NHNN ngày 10/08/2009 quy định về tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn đối với tổ chức tín dụng. Quy định này giúp cho các NHTM tăng tín dụng trung và dài hạn, thỏa mãn nhu cầu về vốn của khách hàng, đồng thời lãi suất cho vay trung và dài hạn dần giảm do nguồn vốn huy động ngắn hạn thường có lãi suất thấp hơn. Tuy nhiên, trong bối cảnh tiềm ẩn khả năng tăng trưởng nóng của bất động sản, khả năng rủi ro tăng cao khi tín dụng tăng trưởng mạnh nhưng dựa nhiều vào nguồn vốn huy động ngắn hạn, hơn một năm sau, Thông tư 06/2016/TT-NHNN đã quy định điều chỉnh tỷ lệ này theo lộ trình giảm dần. Trên thực tế, việc siết tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn là phương pháp giảm thiểu rủi ro chung cho hệ thống ngân hàng, tuy nhiên, việc làm này sẽ chỉ phù hợp khi thị trường tín dụng phát triển mạnh và tiềm ẩn rủi ro cần kiểm soát. Trong trường hợp tăng trưởng tín dụng chững lại, việc siết tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của NHNN khó có tính khả thi. Thêm vào đó, chúng ta cũng không thấy được việc NHNN đưa ra các con số tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn được xác định dựa trên cơ sở nào, khi tính “linh hoạt” của con số này khá cao, từ 30%, 60% cho tới 50%, 40%? Như vậy, trong nội hàm những quy định về tỷ lệ này, dường như, cơ quan có thẩm quyền mới đang hướng đến việc giải quyết những bất cập trước mắt có thể ảnh hưởng đến an toàn thanh khoản của các NHTM mà chưa tính tới việc đưa ra những quy định mang tính chính sách, tính ổn định cao để các NHTM tuân thủ.
(ii) Về quy định tỷ lệ tối đa đầu tư trái phiếu Chính phủ của NHTM trên nguồn vốn ngắn hạn bình quân của tháng liền kề.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, tỷ lệ này không được vượt quá 25% với NHTM nhà nước và 35% đối với NHTM cổ phần, ngân hàng liên doanh, ngân hàng 100% vốn nước ngoài. Xét trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng thấp hơn kì vọng và các NHTM chuyển dịch đầu tư mạnh vào trái phiếu Chính phủ, quy định này có ý nghĩa trong việc: NHNN khuyến khích các NHTM đẩy mạnh cho vay ra nền kinh tế hơn là tập trung mua trái phiếu Chính phủ; do trái phiếu Chính phủ có kì hạn dài, việc áp một tỷ lệ đầu tư trái phiếu Chính phủ trên nguồn huy động ngắn hạn sẽ giúp quản lý tốt hơn vấn đề rủi ro thanh khoản liên quan đến kì hạn.
Tuy nhiên, trên thực tế có thể thấy, lợi nhuận của ngành ngân hàng không chỉ đến từ hoạt động tín dụng mà còn đến từ hoạt động đầu tư và có một kế hoạch dự trữ thanh khoản hiệu quả. Trong hoạt động đầu tư, kênh trái phiếu Chính phủ vẫn là kênh đang được các ngân hàng chú trọng khai thác, đặc biệt là trong điều kiện thị trường lãi suất có nhiều biến động như hiện nay và thị trường trái phiếu Chính phủ thứ cấp ngày càng phát triển. Bên cạnh đó, việc mua trái phiếu Chính phủ không chỉ để đầu tư kiếm lợi nhuận khi lãi suất trên thị trường thay đổi, mà các NHTM còn mua loại giấy tờ có giá này để giữ đến ngày đáo hạn nhằm tạo ra một kênh dự trữ thanh khoản hiệu quả. Mặt khác, các yêu cầu giới hạn tỷ lệ này có thể tác động không tốt tới kế hoạch của Chính phủ trong việc tài trợ thâm hụt ngân sách và tới sự phát triển của thị trường chứng khoán sơ cấp và thứ cấp năng động.

Như vậy, nhằm khắc phục hạn chế này, có lẽ, NHNN chỉ nên can thiệp vào sự rủi ro và tính an toàn hệ thống, chứ không nên can thiệp quá sâu vào tính thương mại của các ngân hàng và nên để các ngân hàng tự quyết định ngưỡng chịu đựng rủi ro của mình[vii]. Theo kinh nghiệm trên thị trường quốc tế, không có quốc gia nào quy định về giới hạn đầu tư trái phiếu Chính phủ của các NHTM như ở Việt Nam. Ngoài ra, việc pháp luật giới hạn tỷ lệ trái phiếu Chính phủ mà NHTM nắm giữ dưới hình thức nguồn vốn ngắn hạn không phù hợp với quy định của Basel II và III, khi những văn bản này quy định ngân hàng phải nắm giữ nhiều hơn lượng trái phiếu Chính phủ.

(iii) Về quy định tỷ lệ dư nợ trung, dài hạn trên tổng dư nợ của các NHTM
NHNN chưa ban hành quy định này. Thực tế, hoạt động cho vay của các NHTM có thể chia theo các kỳ hạn khác nhau: ngắn, trung và dài hạn. Tại Việt Nam, các NHTM thường cho vay trung và dài hạn nhiều, điều này sẽ hạn chế khả năng huy động thanh khoản khi cần của các ngân hàng. Do đó, để quản lý rủi ro thanh khoản, các NHTM đã có tính toán và theo dõi chỉ số dư nợ tín dụng trung, dài hạn trên tổng dư nợ. Tỷ lệ này ở mức bao nhiêu phụ thuộc vào mục tiêu kinh doanh, chiến lược đầu tư cũng như khẩu vị rủi ro của từng ngân hàng. Tuy nhiên, việc NHNN quy định giới hạn chỉ số này vẫn được xem xét như một thước đo mức độ rủi ro thanh khoản của các NHTM. Do đó, quy định này cần được NHNN cân nhắc bổ sung vào thời gian tới.

(iv) Về quy định tỷ lệ khả năng chi trả.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, tỷ lệ khả năng chi trả trong 30 ngày mà NHTM phải duy trì với đồng Việt Nam là 50%. Tỷ lệ này được đánh giá là chưa đáp ứng được tiêu chuẩn của Basel, khi mà Basel III đã tiến tới quy định rất chặt chẽ về quản trị thanh khoản[viii]. Dù rằng Việt Nam hiện nay chỉ đang đặt mục tiêu đáp ứng tiêu chuẩn Basel II cho tới năm 2018, nhưng vì hạn chế của Basel II là không đề cập tới các chỉ tiêu liên quan đến thanh khoản, cho nên, ở lộ trình dài hơi hơn, một mặt, về chỉ tiêu an toàn vốn, chúng ta sẽ dừng lại ở mức theo đuổi tiêu chuẩn Basel II, nhưng mặt khác, về chỉ tiêu thanh khoản, chúng ta cần thiết phải dựa trên nền tảng tiêu chuẩn của Basel III. Do vậy, trong thời gian tới, NHNN cần sớm triển khai sửa đổi quy định về tỷ lệ khả năng chi trả trong 30 ngày theo hướng quy định rõ lộ trình nâng dần tỷ lệ này lên để có thể rút ngắn khoảng cách giữa quy định của Việt Nam và quy định của Basel, đặc biệt là Basel III.

Hai là, pháp luật mới chỉ quy định tới quản trị rủi ro thanh khoản của từng NHTM mà chưa có quy định điều chỉnh tới quản trị rủi ro thanh khoản của toàn bộ hệ thống ngân hàng.
Bản chất của hoạt động ngân hàng là có tính kết nối chặt chẽ trong nội bộ hệ thống ngân hàng, và cũng có ảnh hưởng mạnh tới các bộ phận khác của thị trường tài chính. Do đó, nếu một ngân hàng gặp rủi ro thanh khoản và Ngân hàng Trung ương không có những biện pháp hỗ trợ kịp thời, hệ thống ngân hàng sẽ có nguy cơ đối mặt với rủi ro thanh khoản hệ thống. Một cách khái quát, rủi ro thanh khoản hệ thống được hiểu là hiện tượng đồng thời một loạt các ngân hàng hoặc thậm chí là toàn hệ thống NHTM không thể đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn khả dụng của mình[ix]. Kinh nghiệm từ những cuộc khủng hoảng rủi ro thanh khoản hệ thống ở Argentina năm 2001, Nga năm 2004 hay như Australia, Hàn Quốc cho thấy, khi hiện tượng này xảy ra, Ngân hàng Trung ương của quốc gia đó phải thực thi hàng loạt các biện pháp can thiệp mạnh vào thị trường nhằm bơm thanh khoản cho hệ thống ngân hàng, giúp bình ổn và duy trì trật tự thị trường. Không chỉ vậy, các Ngân hàng Trung ương trong khu vực và quốc tế cũng sẽ phải hợp tác trong việc hỗ trợ giải quyết rủi ro thanh khoản hệ thống của quốc gia này nếu hoạt động của thị trường liên ngân hàng quốc tế bị gián đoạn.

Do đó, việc đo lường và đưa ra các cảnh báo về khả năng xảy ra rủi ro thanh khoản hệ thống cho cả hệ thống NHTM là hết sức cần thiết. Để làm được điều này, pháp luật cần quy định việc xây dựng và xác định bộ chỉ số thanh khoản hệ thống cho hệ thống NHTM. Chỉ số thanh khoản hệ thống sẽ được coi như một trong những tiêu chuẩn cảnh báo giúp các nhà hoạch định chính sách cũng như các nhà quản trị ngân hàng ứng phó kịp thời giúp ngăn chặn khủng hoảng thanh khoản xảy ra và lan rộng.
Ba là, cơ chế giám sát ngân hàng còn nhiều bất cập. Cụ thể, hành lang pháp lý đối với hoạt động giám sát ngân hàng hiện nay ở Việt Nam chưa đảm bảo được tính độc lập cần thiết cho cơ quan này, bởi lẽ, cơ quan này cùng lúc chịu sự quản lý của nhiều cơ quan khác nhau và chịu chi phối của nhiều luật. Mặt khác, ngoài cơ quan giám sát ngân hàng, các NHTM còn chịu sự giám sát của các cơ quan giám sát chuyên ngành khác như chứng khoán, bảo hiểm…, nhưng các quy định về phối hợp hoạt động và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan giám sát chuyên ngành với nhau còn khá hạn chế. Thêm vào đó, những quy định về giám sát ngân hàng của Việt Nam cũng chưa được thực hiện và tuân thủ đầy đủ so với khuyến nghị của Ủy ban Basel. Theo kinh nghiệm của Ngân hàng trung ương các nước khác như Trung Quốc, Thái Lan, việc càng quy định chi tiết, toàn diện và sát với thông lệ quốc tế các chuẩn mực về quản lý thanh khoản của NHTM sẽ giúp cho Ngân hàng trung ương có chế tài cụ thể nhằm tăng cường khả năng giám sát của mình. Đồng thời, việc này sẽ giúp cho các NHTM có cơ sở pháp lý chung để xây dựng quy trình quản lý thanh khoản của mình theo chuẩn mực quốc tế.

Do đó, trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát quản lý thanh khoản của NHTM, cần tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức, thanh tra, giám sát ngân hàng theo hướng nâng cao tính tập trung, thống nhất từ Trung ương đến địa phương và tăng cường phối hợp với các cơ quan quản lý, giám sát có liên quan ở trong nước và quốc tế. Thêm vào đó, NHNN cần: xây dựng hệ thống “Giám sát an toàn vĩ mô” nhằm cung cấp tất cả các thông tin cụ thể về một NHTM trong hệ thống, từ các thông tin tổng hợp nhất như: bảng cân đối kế toán, báo cáo tài chính… đến những thông tin về khách hàng đã thu thập được; tổng hợp chi tiết, cung cấp cho cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng các vấn đề khác nhau về NHTM đó[xi].
Đồng thời, NHNN cũng cần xây dựng hệ thống đảm bảo an ninh tiền tệ ngân hàng bao gồm: hệ thống cảnh báo sớm nhằm ngăn chặn và xử lý khủng hoảng ngân hàng; phát triển hệ thống giám sát từ xa đối với các NHTM; xây dựng hệ thống thông tin, báo cáo chuẩn mực; tăng cường hiệu quả hoạt động của Trung tâm thông tin tín dụng và Bảo hiểm tiền gửi… Hệ thống này sẽ giúp NHNN giám sát hoạt động kinh doanh của các NHTM và đưa ra những cảnh báo sớm một cách đúng đắn và kịp thời cho các ngân hàng trong công tác phòng ngừa rủi ro nói chung và rủi ro thanh khoản nói riêng.
 

Tin tuyển dụng mới nhất

Thống kê MXH

Tổng số chủ đề
34,574
Số bình luận
528,077
Tổng số thành viên
351,222
Thành viên mới nhất
milfnutlife
Back
Bên trên