HOT Thẩm định Người đại diện của Doanh nghiệp?!

Trong hoạt động của các doanh nghiệp (DN) tại Việt Nam theo quy định tại Luật doanh nghiệp 2014, dù mô hình hoạt động là Công ty trách nhiệm hữu hạn, Công ty cổ phần… thì Người đại diện theo pháp luật của DN luôn được coi là chế định quan trọng, có thể quyết định thành bại của một DN. Nếu không tìm hiểu, không hiểu đúng, DN có thể sẽ gặp rắc rối và không phân định được trách nhiệm cũng như vai trò của Người đại diện theo pháp luật.

Trong hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD) cũng vậy, TCTD vừa phải tuân thủ quy định của Luật các tổ chức tín dụng vừa phải chịu sự điều chỉnh của Luật doanh nghiệp cũng như một số luật khác có liên quan, tuy nhiên, dù chịu sự điều chỉnh của luật nào thì chế định Người đại diện theo pháp luật trong hoạt động của các TCTD luôn được đề cao và phân định rất rõ quyền, nghĩa vụ. Trong phạm vi bài viết này, tác giả xin chia sẻ một số quy định của pháp luật liên quan đến chế định Người đại diện theo pháp luật để cùng hiểu đúng, hiểu đầy đủ về Người đại diện theo pháp luật của DN.

Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân được hiểu như thế nào

Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân được hiểu là người đứng đầu pháp nhân (là các doanh nghiệp, trừ doanh nghiệp tư nhân không được coi là pháp nhân), Người đại diện theo pháp luật được quy định trong Điều lệ pháp nhân hoặc trong quyết định thành lập hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (Điều 91 Bộ luật dân sự quy định Đại diện của pháp nhân có thể là đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo uỷ quyền. Đại diện theo pháp luật của pháp nhân được quy định trong Điều lệ pháp nhân hoặc trong Quyết định thành lập pháp nhân), với tư cách người đại diện theo pháp luật, họ có quyền nhân danh pháp nhân xác lập, thực hiện giao dịch dân sự vì lợi ích của pháp nhân.

Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân là do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định hoặc được ghi trong Điều lệ của pháp nhân, được quyền nhân danh pháp nhân thực hiện giao dịch dân sự trong phạm vi được đại diện (Điều 139 Bộ luật dân sự: Đại diện là việc một người nhân danh và vì lợi ích xác lập và thực hiện giao dịch dân sự trong phạm vi đại diện; Điều 140 Bộ luật dân sự: Đại diện theo pháp luật: “Đại diện theo pháp luật là đại diện do pháp luật quy định hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định; Điều 141 Bộ luật dân sự: “Người đại diện theo pháp luật bao gồm người đứng đầu pháp nhân theo quy định của Điều lệ pháp nhân hoặc quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”; Khoản 3 Điều 144 Bộ luật dân sự: Phạm vi đại diện: “Người đại diện chỉ được thực hiện giao dịch dân sự trong phạm vi đại diện”).

400x300.jpg

Người đại diện theo pháp luật của DN luôn được coi là chế định quan trọng (ảnh minh họa)

Như vậy, có thể hiểu Người đại diện theo pháp luật của DN là cá nhân đại diện cho DN thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của DN, là đại diện cho DN với tư cách đương sự trước Trọng tài, Tòa án và các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật. Người đại diện theo pháp luật đại diện cho DN giao tiếp với bên ngoài và quyết định các vấn đề quan trọng như việc tổ chức và điều hành hoạt động kinh doanh, tổ chức nhân sự, quản lý, sử dụng tài khoản, con dấu của DN.

(Pháp nhân: Một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi có đủ các điều kiện: Được thành lập hợp pháp; có cơ cấu tổ chức chặt chẽ; có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó; nhân danh mình tham gia các quan hệ pháp luật một cách độc lập; Đương sự: Đương sự trong vụ án dân sự là cá nhân, cơ quan, tổ chức bao gồm nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan…).

Người đại diện theo pháp luật của DN giữ vai trò gì đối với hoạt động của pháp nhân

Bất kỳ pháp nhân nào cũng phải có người đại diện theo pháp luật vì pháp nhân là một thực thể do pháp luật đặt ra, do đó, pháp nhân có thể đi kiện hoặc bị kiện. Vì vậy, theo quy định của pháp luật, pháp nhân có cơ cấu tổ chức chặt chẽ, có tài sản và chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình, tuy nhiên, bên cạnh pháp nhân, thì chế định về Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân cũng song song tồn tại cùng với sự ra đời của pháp nhân, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân được pháp nhân cử ra với vai trò là người đại diện cho pháp nhân tiếp xúc, giao dịch với những người bên ngoài pháp nhân (như ký kết Hợp đồng với các đối tác bên ngoài...), vì thế, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân ra đời và tồn tại song hành cùng với pháp nhân, nhân danh pháp nhân thực hiện quyền và nghĩa vụ của pháp nhân.

Người đại diện theo pháp luật của DN có trách nhiệm như thế nào

Cũng giống như một cá nhân, khi hoạt động, pháp nhân có thể gây ra các thiệt hại, do đó, pháp nhân phải chịu trách nhiệm đối với những thiệt hại đó và trách nhiệm đó có thể là tự nguyện hay bị cơ quan tư pháp buộc phải thực hiện và luật gọi đó là trách nhiệm dân sự, chính pháp nhân chịu trách nhiệm chứ không phải người đại diện theo pháp luật, Người đại diện theo pháp luật chỉ ràng buộc pháp nhân vào hành động của pháp nhân đối với người thứ ba. Tuy nhiên, cần xem xét thẩm quyền của Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân. Ví dụ đối với các giao dịch bên ngoài pháp nhân, pháp nhân hoàn toàn có thể chối bỏ hành động của Người đại diện theo pháp luật đối với giao dịch đó nếu các giao dịch đó được thực hiện vượt quyền của Người đại diện theo pháp luật, do đó, khi tiến hành ký kết bất kỳ nội dung gì với pháp nhân khác, ngoài những nội dung liên quan đến việc ký kết đó, cũng cần phải xem xét tư cách pháp lý của người đại diện theo pháp luật, nếu không phải là Người đại diện theo pháp luật ký thì người ký thay phải có uỷ quyền của Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân hoặc ta xem xét thẩm quyền của Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân trong trường hợp này có vượt thẩm quyền theo quy định của pháp nhân đó hay không, nếu vượt phải có nghị quyết của Hội đồng quản trị/Hội đồng thành viên chấp thuận cho phép, nếu không sẽ xảy ra rủi ro pháp lý.

Theo quy định của pháp luật thì thẩm quyền của Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân được ghi nhận trong điều lệ của pháp nhân, đồng thời chức năng, quyền, nghĩa vụ của Người đại diện theo pháp luật cũng được thể hiện trong Điều lệ của pháp nhân. Bên cạnh đó, Người đại diện theo pháp luật có quyền: xác lập, thực hiện mọi giao dịch dân sự vì lợi ích của pháp nhân, của Người đại diện, Người đại diện chỉ được thực hiện giao dịch dân sự trong phạm vi đại diện và không được xác lập giao dịch, thực hiện giao dịch dân sự với chính mình hoặc với người thứ ba mà mình cũng là người đại diện của người đó.

Tại Điều 12 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010, quy định: “Người đại diện theo pháp luật của Tổ chức tín dụng được quy định tại Điều lệ của Tổ chức tín dụng...”, Điều 8 Bộ luật lao động sửa đổi năm 2007 quy định về việc người sử dụng lao động có quyền tuyển chọn lao động, bố trí, điều hành lao động theo nhu cầu sản xuất, khen thưởng và xử lý vi phạm kỷ luật lao động; Có quyền cử đại diện để thương lượng, ký kết thoả ước lao động tập thể, đồng thời, người sử dụng lao động có nghĩa vụ cộng tác với Công đoàn bàn bạc các vấn đề về quan hệ lao động, cải thiện đời sống vật chất, tình thần của người lao động, có nghĩa vụ thực hiện hợp đồng lao động, thoả ước lao động tập thể, tôn trọng danh dự, nhân phẩm và đối xử đúng đắn với người lao động...
Trên cơ sở quy định của Luật các Tổ chức tín dụng ta có thể hiểu Người đại diện theo pháp luật của tổ chức tín dụng là người sử dụng lao động và quyền, nghĩa vụ sẽ được quy định trong Điều lệ của tổ chức tín dụng.

Người đại diện theo pháp luật của DN có được uỷ quyền cho người khác thực hiện giao dịch trong phạm vi, quyền hạn của mình

Người đại diện theo pháp luật có thể uỷ quyền lại cho người khác thay mình thực hiện các giao dịch dân sự của Người đại diện, việc uỷ quyền phải có thoả thuận về thời gian, nếu không có thoả thuận, uỷ quyền coi như chấm dứt sau một năm kể từ ngày uỷ quyền có hiệu lực (Điều 582 Bộ luật dân sự năm 2005). Trong trường hợp uỷ quyền, bên được uỷ quyền sẽ được uỷ quyền lại cho người thứ ba thực hiện công việc uỷ quyền nếu bên uỷ quyền đồng ý chấp thuận và việc uỷ quyền đó không được vượt quá phạm vi uỷ quyền ban đầu (Điều 583 Bộ luật dân sự năm 2005). Ủy quyền được coi là phương tiện pháp lý cần thiết tạo điều kiện cho pháp nhân và các chủ thể khác của quan hệ dân sự, bằng nhiều hình thức khác nhau có thể tham gia vào giao dịch dân sự một cách thuận lợi nhất, bảo đảm thoả mãn nhanh chóng lợi ích vật chất, tinh thần mà chủ thể quan tâm.

Như vậy, chúng ta có thể thấy được Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân là một chế định quan trọng, pháp luật cho phép họ được quyền thay mặt pháp nhân thực hiện các quan hệ giao dịch dân sự phát sinh liên quan đến pháp nhân, chức danh, thẩm quyền của người đại diện theo pháp luật của pháp nhân được quy định trong điều lệ pháp nhân.

Có bao nhiêu Người đại diện theo pháp luật trong hoạt động của DN

Theo quy định của Luật doanh nghiệp 2005 thì Người đại diện theo pháp luật của DN chỉ có một Người đại diện. Tuy nhiên, theo quy định tại Luật doanh nghiệp 2014 đã được Quốc hội thông qua ngày 26/11/2014 và có hiệu lực từ ngày 01/07/2015 có quy định Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) và công ty cổ phần (CTCP) có thể có một hoặc nhiều Người đại diện theo pháp luật, tùy thuộc vào nhu cầu quản trị của mỗi DN, DN có quyền quyết định số lượng, chức danh quản lý và quyền, nghĩa vụ cụ thể của Người đại diện theo pháp luật tại Điều lệ. DN phải bảo đảm luôn có ít nhất một Người đại diện theo pháp luật cư trú tại Việt Nam. Trường hợp DN chỉ có một người đại diện theo pháp luật thì người đó phải cư trú ở Việt Nam và phải ủy quyền bằng văn bản cho người khác thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật khi xuất cảnh khỏi Việt Nam. Trường hợp này, Người đại diện theo pháp luật vẫn phải chịu trách nhiệm về việc thực hiện quyền và nghĩa vụ đã ủy quyền.
 

Tin tuyển dụng mới nhất

Thống kê MXH

Tổng số chủ đề
34,575
Số bình luận
528,081
Tổng số thành viên
351,413
Thành viên mới nhất
kyzsvncuao1333
Back
Bên trên