So sánh ưu – nhược điểm giữa việc thực tập tại công ty lớn và startup

  • Bắt đầu Bắt đầu cocghe266
  • Ngày bắt đầu Ngày bắt đầu
Đâu là những điểm mạnh/yếu giữa việc thực tập tại một startup và một công ty đã có tên tuổi?

Tác giả bài viết là Neel Hajare, từng là thực tập sinh tại Quora, Facebook, TripAdvisor, HubSpot và Kayak

Tóm tắt:

Thực tập tại công ty lớn sẽ gắn tên bạn với một thương hiệu mạnh mẽ và được thừa nhận, đồng thời cho bạn những kiến thức về phương thức hoạt động của một tổ chức lớn. Các quyền lợi thường rất hấp dẫn và còn có nhiều thực tập sinh khác để bạn đàn đúm cùng.

Thực tập tại một startup cho bạn nhiều kinh nghiệm thực tế hơn và dùng được ngay, đồng thời cho bạn cái nhìn về toàn bộ quá trình làm việc của một công ty (nhỏ)

Chi tiết:

Thương hiệu (Cho cá nhân)

Việc có tên của các công ty nổi tiếng và được kính trọng ở trong resume của bạn sẽ ảnh hưởng đáng kể khi bạn tìm kiếm những nơi thực tập tiếp theo hoặc là công việc full time sau này. Trong thực tế, việc từng thực tập tại Facebook vào năm ngoái đã đóng một vai trò lớn trong việc tôi được nhận vào Quora vào mùa hè năm nay. Tại hội trợ việc làm MIT vào mùa thu, khi tôi đưa cho các công ty hồ sơ của tôi và nói rằng tôi đã làm việc cho Facebook, phản ứng là rất tích cực. Họ dành khá nhiều thời gian khi phỏng vấn 1:1 để lôi kéo tôi về công ty của họ, tặng tôi nhiều quà tặng đắt tiền (có cả iPhone và một chiếc trực thăng điều kiển từ xa) và nói là tôi sẽ không cần thi “những vòng đầu”.

Khi bạn thực tập tại một công ty khởi nghiệp, nhìn chung bạn sẽ không có được cảm giác kính sợ ngay lập tức hoặc được những đối đãi đặc biệt như trên. Đa số sẽ chưa từng nghe về bạn. Để bù đắp cho điều này, bạn sẽ cần nỗ lực gấp đôi khi nói về công ty bạn đã làm và những thành tựu của bạn khi ở đấy. Đây không phải là bất khả thi nhưng thực sự là khó khăn. Chuyện còn tệ hơn nếu bạn chỉ gửi hồ sơ trực tuyến – bạn ít có khả năng được một cuộc phỏng vấn hơn nhiều so với trường hợp phía trên bởi với một danh sách dài những ứng viên tiềm năng trong khi không có đủ thông tin về họ, người phỏng vấn sẽ thích lựa chọn an toàn với những cái tên đã được đảm bảo.

Thương hiệu (Xã hội)

Thực tập tại một công ty lớn nổi tiếng sẽ giúp bạn lý giải dễ dàng cho bạn bè/bố mẹ/bạn bè về những gì bạn làm. Tùy thuộc việc bạn đang làm ở đâu, đôi lúc sẽ có một chút ghen tị/ ngưỡng mộ với bạn.

Khi thực tập tại một startup, bạn sẽ cần thường xuyên giải thích về những gì bạn và công ty làm, và đôi lúc sẽ phải chú thích rõ ràng rằng công ty bạn làm đang mang lại giá trị gì cho cuộc sống. Với một số người điều này khá phiền nhiễu hoặc mệt mỏi nhưng người lạc quan lại thấy việc này như một cơ hội để thực tập/tự khẳng định kỹ năng trình bày của mình.

Kinh nghiệm làm việc (Trong các dự án)

Tại một công ty lớn, nhiệm vụ hoặc dự án của bạn thường nằm trong phạm vi của nhóm mà bạn là thành viên và một số mục tiêu đã được chọn sẵn cho bạn. Có thể bạn sẽ được giao một dự án độc lập để tự triển khai (với sự hỗ trợ về số liệu từ 1-2 người khác) trong cả giai đoạn thực tập. Nhờ vậy, bạn sẽ có kiến thức khá sâu trong lĩnh vực đó và (hi vọng là) một kết quả tốt đẹp để show off cho công ty thực tập. Tuy nhiên, mặt trái là bạn hầu như sẽ không có sự tiếp xúc với các bộ phận khác của công ty và thiếu bức tranh tổng quát.

Tại một startup, khả năng lớn là bạn sẽ liên tục trải qua nhiều nhiệm vụ và dự án khác nhau trong suốt mùa hè. Các kế hoạch của Startup thường thay đổi thường xuyên. Ít ai sẽ nói chắc chắn được rằng tháng tới bạn sẽ làm gì và có khi bạn đang làm dở thì dự án thay đổi hoàn toàn. Ngoài ra, ranh giới giữa các nhóm khá mơ hồ trong một Startup nên bạn sẽ được làm làm rất nhiều loại công việc khác nhau và tiếp xúc với mọi mặt của công ty.

Kinh nghiệm làm việc (chuyên môn)

Đừng mong chờ rằng các năng lực chuyên môn được sử dụng tại một công ty lớn sẽ áp dụng được trong một Startup. Có sự khác biệt đáng kể phát sinh chủ yếu là do công ty lớn thường xây dựng cho riêng mình các công cụ, cơ sở hạ tầng và cách thức làm việc. Bởi vậy cho dù bạn có thể học hỏi rất nhiều ở một công ty lớn, rất nhiều những kĩ năng này chỉ có giá trị khi bạn làm tại công ty đó. Bạn có thể có chiều sâu trong một lĩnh vực nhưng bạn sẽ gặp khó khăn để có thành công tương tự nếu sau này bạn đi làm ở nơi khác, với những công cụ và nguồn lực khác.

Tại một một Startup, họ có thể sẽ nhỏ hơn và mới hơn nên sẽ chưa tích lũy nhiều về các công cụ hoặc quy trình. Kết quả là những công cụ mà bạn sử dụng hằng ngày chủ yếu là những gì phổ biến. Kết quả là những kỹ năng bạn học được tại một Startup sẽ hữu dụng và thực tế hơn khá nhiều trong tương lai

Kinh nghiệm làm việc (Vấn đề tổ chức)

Các công ty lớn thường được tổ chức và cơ cấu chặt chẽ. Mọi người sẽ được chia thành các nhóm và có trách nhiệm cụ thể. Cơ cấu quản lý và ra quyết định cũng sẽ được phân cấp. Là một người thực tập, bạn có được cái nhìn sâu sắc xem cấu trúc đó hoạt động như thế nào và nó có hiệu quả hay không. Tuy nhiên “có tổ chức” cũng có nghĩa là có một ranh giới rõ ràng giữa thực tập/nhân viên và bạn sẽ không được xem hoặc biết những gì quá sâu đối với 1 thực tập sinh.

Tại các Startup, vẫn có sự phân cấp trách nhiệm nhưng thực tập hay nhân viên chính thức hầu như không có nhiều sự khác nhau và bạn có thể làm việc với bất kỳ ai. Dù là thực tập, bạn sẽ có trách nhiệm nhiều hơn (gần như một nhân viên) và được phát biểu nhiều hơn (khi biểu quyết lấy ý kiến để đưa ra quyết định, bạn có giá trị y như người bên cạnh). Tại một Startup, “tâm lý nhóm” là một phần thưởng đặc biệt. Bạn sẽ có nhiều tình bạn thân thiết và, cảm giác như các bạn đang chống lại thế giới. Bạn cảm thấy như thể bạn là một phần có ý nghĩa của một nhóm người đang cố gắng hết mình để thực hiện một điều gì đó rất ý nghĩa và thực tế.

Kinh nghiệm làm việc (Học từ người khác)

Theo kinh nghiệm của tôi, ở một Startup, mọi người thường sẵn sàng dành thời gian để kèm 1:1 để giúp bạn bắt kịp nhịp độ, giải thích các khái niệm và quy trình, hoặc đơn giản là đảm bảo bạn hiểu được điều gì đang diễn ra. Là một người thực tập, đây là điều kiện tuyệt vời để bạn nâng cao kĩ năng, sự tự tin và năng suất làm việc. Tại sao? Thực tập tại một Startup giúp bạn được làm việc trực tiếp làm việc với những vấn đề mà mọi người khác đang làm, do vậy họ sẽ phải để mắt tới bạn để bảo đảm mọi việc đều ổn. Ở các Startup, bạn sẽ thường xuyên gặp những thành viên quan trọng nhất trong công ty. Bạn sẽ có cơ hội “tra khảo” họ về cách họ tư duy, về những kinh nghiệm hoặc quyết định của họ. Đây là một giá trị vô song.

Tại một công ty lớn, rất khó để tìm hiểu xem thực sự thì chuyện gì đang xảy ra. Đồng thời cũng khó hơn nhiều để hỏi và học tập từ người khác. Đơn giản bởi càng có nhiều người thì càng khó cơ hội tìm đúng người để hỏi. Và cũng thực sự bất tiện khi bạn biết rất ít người trong khi bạn cứ phải đi gặp người mà bạn không biết và làm phiền họ khi họ đang dở công việc. Dù bạn có thể hỏi qua IM (rất tiện lợi nhưng lại là công cụ tồi khi bạn cần lời giải thích hoặc miêu tả một khái niệm khó) hoặc qua email (rất tồi vì có thể một tuần sau bạn mới có thể nhận được hoặc có khi chả bao giờ nhận được). Mọi người sẽ không thích giúp đỡ bạn và thường sẽ bỏ qua hoặc nếu lịch sự thì giúp qua loa. Tại sao? Thực tế là bởi những gì bạn đang làm không liên quan tới họ hoặc công việc bạn làm không quan trọng. Vì vậy họ sẽ coi bạn như một gã phiền toái đang cản trở họ hoàn thành công việc. Hơn nữa, tại một công ty lớn, bạn sẽ không có nhiều cơ hội gặp ai cao cấp hơn nguời quản lý trực tiếp của mình, vậy nên cơ hội học hỏi từ “người đứng đầu” là rất ít.

Networking

Khi bạn thực tập ở công ty lớn, bạn sẽ chỉ làm việc với một số ít người và do vậy sẽ có ít mối quan hệ hơn. Hệ quả là sẽ không có nhiều người biết tên bạn và cũng không nhiều người để bạn tìm đến trong tương lai. Nhưng ở một cách nhìn khác, việc quen biết họ sẽ giúp bạn mở ra nhiều mối quan hệ sau này khi bạn gặp những siêu sao từng là nhân viên ở đây. Biết đâu cả hai lại từng có cùng một ông sếp khó tính?

Khi thực tập tại một Startup, rất dễ cho bạn để gặp và biết hết mọi người. Bạn sẽ kết thúc với rất nhiều mối quan hệ và nếu bạn có giao du với cộng đồng khởi nghiệp tại khu vực của mình thì bạn sẽ thấy rất nhiều người quen và những mối quan hệ như thế này là rất đáng giá.

Trải nghiêm thực tập

Ở những công ty lớn thì thường sẽ có chương trình thực tập chính quy. Bạn sẽ có buổi hướng dẫn thực tập, làm tại dự án dành riêng cho thực tập, sinh hoạt trong cộng đồng thực tập và tham dự các sự kiện dành riêng cho bạn. Ví dụ khi ở Facebook thì tôi đã từng đến Giants game, đi leo núi, đi săn quạ ở San Francisco, tới nhà tù Alcatraz, đi trượt tuyết ở Santa Cruz và ăn BBQ ở nhà Mark Zuckerberg.

Ở các Startup, bạn sẽ được thử lửa ngay như một nhân viên như full time và gần như không có ưu đãi gì cả.

Đặc quyền

Công ty lớn thường cho nhiều đặc quyền. Ví dụ như thực tập tại Facebook, bạn được tận hưởng Iphone của công ty, 3 bữa ngon lành hằng ngày (thứ 4 là 4 bữa), giặt đồ miễn phí và dịch vụ lau dọn cũng như khu nhà ở riêng nếu bạn muốn, ưu đãi thành viên tập gym, vé tàu tốc hành và $1000 cho vé máy bay và những thứ linh tinh khác. Tôi còn được tự thiết kế chiếc bàn làm việc của mình đem tới sự khoan khoái suốt cả ngày.

Các Startup cũng rất thu hút người nhưng hiển nhiên có những điều quan trọng hơn mà công ty cần phải đạt được làm trước khi có những thứ như giặt là hay đưa đón tận nơi. Bạn có thể phải tự tìm nhà, tự đi tới được cơ quan, tự giặt đồ của mình và tự mua đồ ăn.

Cộng đồng

Ở một công ty lớn, bạn sẽ có nhiều bạn bè đang thực tập. Đó là điều tuyệt vời khi có thể gặp các sinh viên khác có cũng độ tuổi từ khắp các trường trên toàn thế giới. Đây sẽ là những người bạn tuyệt vời trong những chặng đường sau này của đời bạn, và biết đâu bạn lại tìm được cho mình một co-founder ở đây? Ở một khía cạnh khác thì có nhiều rào cản giữa người thực tập và nhân viên full time nên bạn khó có thời gian giao lưu bên ngoài công sở với những nhân viên thực sự.

Khi thực tập tại một Startup, hầu hết mọi người mà bạn gặp sẽ hơn bạn vài tuổi. Bạn sẽ giành nhiều thời gian ngoài giờ làm việc để giao lưu với người làm chung bởi không có nhiều người thực tập như bạn. Tuy nhiên, làm bạn với các nhân viên full time cũng rất vui và thú vị. Ví dụ khi tôi thực tập thì một trong những lợi thế riêng biệt là tôi có thể vào quán bar dù chưa đủ 21 tuổi vì những người mà tôi đi cùng thì toàn từ 25 tới 30.

Theo Westart
 
Chỉnh sửa lần cuối bởi người điều hành:
Nhưng dù thực tập ở đâu thì quan trọng vẫn là thái độ cầu thị, ham học hỏi, như thế sẽ giúp cho các bạn thực tập tích lũy được nhiều kinh nghiệm.
 
Back
Bên trên