Sinh viên và nợ nần

Góc nhìn Alan

Thành viên
T/S Alan Phan 10 December 2012

Giới tài chánh nước Mỹ đã xôn xao nhiều tháng qua về số nợ khổng lồ của giới sinh viên. Theo chánh sách “không bỏ lại ai trong trận chiến kiến thức”, chánh phủ Mỹ đã tài trợ rộng rãi cho mọi sinh viên qua chương trình “student loan”.

Nếu đi học toàn thời gian tại các đại học “được kiểm định” (accredited), bất cứ ai, già trẻ lớn bé , trai gái đen trắng gì cũng được chánh phủ bảo lãnh số tiền vay của ngân hàng để trả học phí và đôi khi đủ tiền sinh sống. Lãi suất thấp và nợ chỉ phải trả sau khi hoàn tất học kỳ và tìm được việc làm. Với sự suy thoái kinh tế và tỷ lệ thất nghiệp, nhiều chuyên gia nghĩ vấn nạn student loan sẽ tạo một khủng hoảng tài chánh mới. Cho đến tháng 6 năm 2012, tổng công student loan đã lên đến 920 tỷ đô la và các ngân hàng tiên đoán là nợ xấu từ con số này có thể vượt ngưỡng 20%. Một hóa đơn khá lớn trong chi tiêu của chánh phủ liên bang. Tuy nhiên khủng hoảng sẽ không đến vì số tiền vẫn nhỏ, ngân sách quốc gia và các QE’s của Cơ Quan Dự Trữ Tiền Tệ (Fed) thừa sức đối phó.

Do chánh phủ bảo đảm nên không ngân hàng thương mại nào bị ảnh hưởng và sinh viên mang nợ thường không quan tâm đến việc trả hay không (tuổi trẻ và OPM, một kết hợp tuyệt vời). Nhưng nhìn lại Việt Nam và những vấn đề các sinh viên nơi đây phải chịu đựng vì tín dụng đen cho thấy một bức tranh thật bát nháo và phí phạm. Bài viết sau đây là một hồi chuông cảnh tỉnh cần phổ biến khắp cộng đồng sinh viên Việt Nam. Các bạn chỉ có “một” tương lai. Đừng vất bỏ vì một phút bốc đồng. Hãy nói KHÔNG với cám dỗ và tội ác. Tôi thực sự quan tâm đến “chọn lựa” của bạn.
Alan Phan

Những trò “ma cô” của chủ nợ Thay vì ngồi trên ghế giảng đường, nhiều sinh viên lại “mài đũng quần” trong… quán internet, hay trắng đêm bên chiếu bạc. Hậu quả là họ trở thành con nợ, phải bỏ học, bỏ nhà, sống cuộc đời phiêu bạt.

Thủ đoạn tinh vi

Muốn tồn tại lâu trong nghề, giới chủ nợ phải có những mánh riêng để vừa có thể “bóc lột” sinh viên, vừa không để cho lực lượng chức năng “sờ gáy”. Thực chất, mỗi một chủ nợ có một phương pháp riêng nhưng cơ bản vẫn thể hiện phương châm “mềm” và “cứng”, vừa dùng lời nói, vừa dùng vũ lực để đe dọa, khiến cho không một con nợ nào dám “bùng”.

Theo tìm hiểu, mỗi một chủ nợ đều có khu vực làm ăn và khách hàng riêng của mình. Nếu địa điểm cho vay ở Từ Liêm (Hà Nội) thì khách hàng cũng chỉ ở quanh khu vực này mà thôi. Nếu phạm vi quá xa, chủ nợ sẽ không cho vay vì sợ rủi ro. Hơn nữa, nếu ai muốn vay nhiều, phải có người bảo lãnh, nếu không, số tiền vay được chỉ dừng ở mức khoảng 2 – 3 triệu đồng.

Trong khi đó, người được bảo lãnh hoặc được chủ nợ tin tưởng sẽ được vay nhiều hơn, rộng rãi hơn. Tất nhiên, những đối tượng này đã được điều tra, xác minh từ trước. Nếu chủ nợ biết gia cảnh đối tượng cho vay giàu có thì lượng tiền cho vay cũng nhiều lên. Vay càng nhiều, lãi đẻ ra càng nhanh. Nhờ vậy mà chủ nợ sẽ thu được số tiền lãi gấp cả chục lần so với số tiền gốc ban đầu chỉ sau vài tháng.
Từng là người đi vay nặng lãi, bạn Nguyễn Thanh P. (quê Kiến Thụy, Hải Phòng) cho biết: “Hiện nay, chủ nợ đang sử dụng nhiều hình thức cho vay khác nhau. Hai hình thức cơ bản nhất là cho vay thế chấp bằng tài sản và cho vay không cần thế chấp. Nhìn bên ngoài, tưởng chừng đây là cách làm ăn đầy rủi ro, nhưng thực chất, mỗi chủ nợ đã có đầy đủ thông tin về người vay và có trong tay những giấy tờ cần thiết. Bởi vậy, không một con nợ nào dám bỏ trốn”.


Một địa điểm cho vay nóng ở làng sinh viên Hacinco (Hà Nội).

Ngoài ra, những người lần đầu đến vay tiền sẽ gặp khó khăn, bởi chủ nợ rất cảnh giác; nếu không có người quen giới thiệu, rất khó tiếp cận với nguồn tiền. Chưa kể, chủ nợ còn ngụy trang thành kiểu làm ăn hợp pháp, có giấy tờ, hóa đơn đàng hoàng. Vẫn theo lời kể của Nguyễn Thanh P., giấy nợ sẽ được viết tay, chủ nợ không bao giờ ghi lãi suất trên đó. Lãi chỉ được thỏa thuận qua miệng để tránh bị “sờ gáy”. Bên cạnh những biện pháp như vậy, giới chủ nợ còn phát triển hệ thống “cò” và “tay chân” rất hùng mạnh. Đa phần những người làm nghề cho vay nặng lãi đều là những người “có máu mặt” và được giới giang hồ nể trọng, nhất là với những người làm ăn lớn.

Một sinh viên tên là Đức (phường Thanh Xuân Trung, Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: “Những tay cò đa phần là những con nợ lâu năm hoặc là những người có mối quan hệ thân thiết với chủ nợ. Những người này hay la cà ở các quán trà đá hoặc cà phê để rủ rê những người có nhu cầu vay tiền. Sau đó, họ sẽ dẫn mối đến cho các chủ nợ. Chủ nợ sẽ trả tiền hoa hồng cho mỗi một chuyến môi giới thành công”.

Bên cạnh đội ngũ “cò”, những chủ nợ còn có hệ thống chân tay thân tín, chuyên đi đòi nợ những đối tượng không chịu trả tiền. Đa phần những người này đều “có số có má” nên rất hữu ích. Đức cũng cho biết thêm: “Phương pháp phổ biến mà những người đòi nợ thuê hay áp dụng là dọa báo với nhà trường, nơi sinh viên đó đang học tập. Nếu ai ngoan cố, chúng sẽ cho ăn đòn nhừ tử. Có người trốn nợ về quê, chúng tìm đến tận nơi để đòi cho bằng được. Rất ít người có thể chạy trốn hoặc xù nợ”. Gia đình người vay khi biết chuyện thường rất sợ và không muốn “vỡ chuyện” nên phải cắn răng mà trả nợ…

Cái kết buồn cho một giấc mộng đẹp
Khi bước chân vào giảng đường đại học, mỗi một người đều có ước mơ, hoài bão riêng. Thế nhưng, có những người không thoát được những cám dỗ, những ngã rẽ oan nghiệt, để cuối cùng phải bỏ dở ước mơ của mình.

Vũ Đức H. (sinh viên trường đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội) nằm trong số đó. Do ham mê game và cờ bạc, số tiền H. vay đã lên tới gần 11 triệu đồng. Mỗi ngày, H. phải trả gần 100.000 đồng tiền lãi. Tiền gia đình gửi cho mỗi tháng không đủ trả nợ và chơi bài bạc. Hiện nay, H. vẫn còn nợ môn, tiền học phí chưa đóng. Cậu ta phải sống bám vào đám bạn xấu, tìm mọi cách để có tiền.



Những quán cầm đồ có thể là “thiên đường”, nhưng đa phần là “địa ngục” đối với những người đã trót vay tiền.

Có nhiều trường hợp, số tiền nợ lên tới vài trăm triệu đồng, sinh viên không thể trả nổi, phải bỏ xứ, phiêu bạt khắp nơi để trốn tránh. Sinh viên Hà Thị H. (khoa Toán, trường đại học Thái Nguyên) cũng vậy. Số nợ mà sinh viên này bị chủ nợ đòi lên tới hơn 400 triệu đồng. Hiện tại, gia đình không có khả năng trả nợ thay. Sinh viên H. đã nghỉ học, trốn biệt tăm để tránh sự truy lùng gắt gao của chủ nợ.

Ước mơ ban đầu trở thành một giáo viên dạy toán coi như “bỏ sông bỏ bể”. Những sinh viên phải chịu hậu quả như vậy, đa phần là do “mình làm mình chịu”. Tuy nhiên, có những người vì nể nang, muốn giúp đỡ bạn bè mà trở thành đối tượng bị lợi dụng, rồi vô tình bị biến thành con nợ lúc nào không hay. Đó là trường hợp của sinh viên Nông Thị L.A (cùng lớp với sinh viên Hà Thị H. nói trên). Đến bây giờ, sinh viên này vẫn chưa hết bàng hoàng bởi số nợ lên tới gần 100 triệu đồng mà mình “bỗng dưng” phải gánh.

Theo lời kể của L.A, sinh viên này có mối quan hệ khá thân thiết với Hà Thị H. Một hôm, H. đến nhờ L.A ký bảo lãnh cho mình vay một khoản tiền nóng. Ban đầu, L.A lưỡng lự không dám làm, vì lo sợ chuyện không hay xảy ra. Nhưng sau đó, chủ cho vay đồng ý để người ký bảo lãnh không phải đặt cược thẻ sinh viên và thẻ chứng minh nhân dân. Vì thế, L.A và hai người bạn nữa đã ký vào giấy bảo lãnh cho H. vay tiền. Nội dung vay và lãi suất, sinh viên này không biết cụ thể như thế nào.


Sau một thời gian, mọi chuyện vỡ lở và H. đã phải bỏ học để trốn nợ. Không tìm được H., chủ nợ tìm đến người ký bảo lãnh là L.A và hai người bạn kia. Chúng bắt những người ký bảo lãnh phải trả thay với số tiền lên tới hơn 400 triệu đồng chia đều làm tư. Mỗi người phải chịu hơn 100 triệu và phải thanh toán ngay. Nếu không trả được thì phải làm giấy vay mới và bắt đầu tính lãi. Vậy là, L.A bỗng nhiên bị biến thành con nợ với số tiền quá khủng khiếp.


Còn nhiều trường hợp, sinh viên trở thành kẻ sát nhân do áp lực về nợ nần quá lớn. Cách đây hơn hai tháng, đã diễn ra một vụ án mạng trên địa bàn phường Tân Thịnh, TP.Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên. Hung thủ là Phạm Vũ Khánh (quê Hà Tĩnh, sinh viên trường đại học Kinh tế Quản trị kinh doanh Thái Nguyên). Số tiền cả gốc lẫn lãi mà Khánh phải trả lên tới 170 triệu đồng. Do không có khả năng trả nợ, đồng thời bị thúc giục liên tục nên Khánh đã ra tay giết hại chính chủ nợ của mình. Trường hợp của Khang (sinh viên K44, khoa Kinh tế xây dựng, trường đại học Giao thông Vận tải Hà Nội) cũng bi kịch không kém. Do chơi lô đề bị thua lỗ và nợ nần chồng chất, Khang đã nhảy lầu tự tử để giải thoát…

(Theo Đời Sống & Pháp Luật)
 
Back
Bên trên