HOT Quy trình Tố tụng, Khởi kiện tại Tòa án

  • Bắt đầu Bắt đầu acidamin
  • Ngày bắt đầu Ngày bắt đầu
Trong hoạt động của các ngân hàng hiện nay, ngoài huy động vốn và cho vay là nghiệp vụ hàng đầu và cốt lõi quyết định lợi nhuận chính, hoạt động thu hồi nợ từ khách hàng cũng được coi là một trong những nhiệm vụ không kém phần quan trọng. Thu nợ, giảm nợ xấu hoặc đưa nợ xấu về giới hạn an toàn đang là bài toán khó khăn đối với các ngân hàng, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế chung còn nhiều khó khăn và thách thức.

Việc thu hồi nợ từ khách hàng có rất nhiều cách thức đã được các ngân hàng áp dụng, tuy nhiên, với những khách hàng không hợp tác trong việc trả nợ, không hợp tác trong việc xử lý tài sản bảo đảm thì các ngân hàng khi tiến hành thu nợ thì việc đầu tiên trong kế hoạch là khởi kiện khách hàng ra Tòa án có thẩm quyền hoặc ra Trọng tài kinh tế để yêu cầu khách hàng thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo hợp đồng tín dụng, hợp đồng bảo đảm tiền vay đã ký. Vậy thủ tục khởi kiện, tham gia tố tụng tại Tòa án được thực hiện như thế nào để đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của ngân hàng và thu hồi được nợ khi khởi kiện khách hàng là điều mà các ngân hàng quan tâm đặc biệt.

Trên cơ sở thực tế đã tham gia nhiều vụ án trong thời gian vừa qua, trong phạm vi bài viết này, tác giả xin chia sẻ một số quy trình, thủ tục cũng như kinh nghiệm khi tham gia tố tụng tại Tòa án. Tác giả không đề cập đến việc khởi kiện ra Trọng tài kinh tế vì hầu hết các hợp đồng tín dụng, hợp đồng bảo đảm tiền vay đang được các ngân hàng áp dụng khi cho vay khách hàng đều thỏa thuận xử lý tranh chấp tại Tòa án.

400x300_4.jpg

Hầu hết các hợp đồng tín dụng, bảo đảm tiền vay đang được các ngân hàng áp dụng,
khi cho vay khách hàng đều thỏa thuận xử lý tranh chấp tại Tòa án


Đơn khởi kiện

Muốn tiến hành khởi kiện khách hàng khi khách hàng không hợp tác với ngân hàng trong việc trả nợ, ngân hàng cần căn cứ vào hợp đồng tín dụng, hợp đồng bảo đảm tiền vay đã ký để tiến hành các thủ tục, cũng như chuẩn bị hồ sơ khởi kiện. Những thỏa thuận trong hợp đồng là cơ sở đầu tiên cho việc khởi kiện. Theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự, nghị quyết Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì đơn khởi kiện được viết theo mẫu số 02/2006/NQ-HĐTP, ngày 12/5/2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và những sửa đổi bổ sung. Trong đơn khởi kiện, phần nội dung là phần cốt lõi và quan trọng nhất nên ngân hàng cần chú ý trình bày ngắn gọn những quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm phạm, đưa ra những chứng cứ chứng minh.

400x300_3.jpg

Trong đơn khởi kiện, cần chú ý trình bày ngắn gọn những quyền, lợi ích hợp pháp
bị xâm phạm, đưa ra những chứng cứ chứng minh

Tuy nhiên, ngân hàng cần lưu ý, để tránh những quyền lợi và những vi phạm khác của khách hàng nhưng chưa được thể hiện trong đơn thì phần cuối cùng trong đơn khởi kiện, ngân hàng cần ghi cụm từ “Những yêu cầu và quyền lợi hợp pháp khác của nguyên đơn sẽ được người đại diện hợp pháp của nguyên đơn hoặc luật sư (nếu có) trình bày trước Hội đồng xét xử tại phiên tòa”.

(Nguyên đơn: là người khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm hại. Bị đơn: là người bị nguyên đơn khởi kiện. Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan: là người có quyền lợi liên quan đến việc khởi kiện của nguyên đơn).

Giai đoạn tiền tố tụng

Đây được coi là giai đoạn tương đối quan trọng trong quá trình tố tụng khi ngân hàng khởi kiện khách hàng. Khi Tòa án đã tiếp nhận và thụ lý đơn khởi kiện thì trước khi mở phiên tòa để xét xử, Tòa án sẽ triệu tập nguyên đơn (ngân hàng), bị đơn (khách hàng) và những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến để hòa giải. Giai đoạn này được gọi là giai đoạn tiền tố tụng. Theo quy định, thẩm phán được phân công xét xử sẽ triệu tập các bên đến hòa giải, trừ những vụ án không được phép tiến hành hòa giải như yêu cầu liên quan đến việc bồi thường thiệt hại tài sản của nhà nước, những vụ án phát sinh từ giao dịch trái pháp luật, trái đạo đức xã hội…

400x300_2.jpg

Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự sẽ có hiệu lực pháp luật
ngay sau khi được ban hành và không bị kháng cáo, kháng nghị

Trong giai đoạn này, ngân hàng cần lưu ý, nếu thỏa thuận và thống nhất được với khách hàng về việc xử lý tài sản thu hồi nợ thì Tòa án sẽ ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự. Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự theo quy định sẽ có hiệu lực pháp luật ngay sau khi được ban hành và không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm. Quyết định công nhận sự thỏa thuận của đương sự có hiệu lực cho đến khi các bên hoàn thành nghĩa vụ đã thỏa thuận và được Tòa án ghi nhận, tôn trọng quyền quyết định của các đương sự. Nếu hai bên đương sự tiến hành hòa giải, tự thỏa thuận được với nhau để giải quyết vụ án, kể cả khi vụ án đang được Tòa án xét xử thì quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự vẫn có hiệu lực. Trên cơ sở quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, ngân hàng cần làm ngay đơn yêu cầu thi hành án để xử lý tài sản thu hồi tiền, tránh việc để lâu, tài sản bị hao mòn và mất giá trị.

Giai đoạn tố tụng

Trường hợp hòa giải không thành, Thẩm phán chủ trì phiên hòa giải sẽ ra quyết định hòa giải không thành và ấn định thời gian đưa vụ án ra xét xử theo đúng quy định và giai đoạn này được gọi là giai đoạn tố tụng.

Theo quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự, giai đoạn tố tụng tại phiên tòa đối với án dân sự gồm các bước: khai mạc phiên tòa; thủ tục hỏi tại phiên tòa; tranh luận tại phiên Tòa; nghị án và tuyên án. Trong giai đoạn này, ngân hàng với tư cách là nguyên đơn dân sự (người khởi kiện) cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ cũng như những chứng cứ để chứng minh cho lập luận với mục đích cuối cùng là yêu cầu Tòa án buộc bị đơn (khách hàng vay vốn) trả toàn bộ gốc, lãi đối với khoản tiền đã vay từ ngân hàng. Do vậy, người đại diện hợp pháp của ngân hàng (người đại diện đương nhiên hoặc đại diện theo ủy quyền) nên là người có am hiểu pháp luật, am hiểu quy trình thủ tục tại phiên tòa để khi trình bày đưa ra những lập luận và tranh luận có tính thuyết phục đảm bảo được quyền và những yêu cầu của ngân hàng.

400x300_1.jpg

Giai đoạn tố tụng đối với án dân sự gồm: khai mạc phiên tòa; thủ tục hỏi
tại phiên tòa; tranh luận tại phiên Tòa; nghị án và tuyên án

Khi phiên tòa diễn ra luôn có những tình huống bất ngờ có khi có lợi nhưng cũng có khi bất lợi cho ngân hàng, do vậy, tác giả đề xuất với các ngân hàng khi tham gia tố tụng nên thuê luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, việc này chi phí bỏ ra là không nhiều nhưng kết quả thu được có khi lại lớn hơn rất nhiều. Cũng cần lưu ý rằng, việc thuê luật sư, các ngân hàng nên ký hợp đồng với luật sư ngay từ khi chuẩn bị khởi kiện đến hết giai đoạn tố tụng và thi hành án, vì khi thuê như thế, luật sư có điều kiện về thời gian để nghiên cứu hồ sơ, trao đổi với ngân hàng để thống nhất cách thức cũng như các phương án làm sao có lợi nhất cho ngân hàng khi phiên tòa kết thúc. Điều quan trọng là trong phần xét hỏi tại phiên tòa (thủ tục rất quan trọng để làm rõ sự thật của vụ án bảo vệ quyền lợi cho ngân hàng), luật sư được quyền hỏi những người tham gia phiên tòa gồm hỏi nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan để làm sáng tỏ những nhận định, những quan điểm có lợi cho phần tranh luận của ngân hàng ở bước tiếp theo sau phần xét. Vì trong giai đoạn xét hỏi, người đại diện của ngân hàng không được phép hỏi mà chỉ có nghĩa vụ trả lời Hội đồng xét xử những câu hỏi do Hội đồng xét xử, kiểm sát viên và luật sư hỏi tại phiên tòa. Bên cạnh đó, trong khi xét hỏi, nếu Hội đồng xét xử hoặc luật sư của những người tham gia phiên tòa hỏi mà người đại diện của ngân hàng không trả lời được thì người đại diện ngân hàng được phép không trả lời và có quyền nhờ luật sư bảo vệ cho mình trả lời thay.
Trong giai đoạn tố tụng, tác giả lưu ý và quan tâm đặc biệt đến phần tranh luận tại phiên tòa. Trong phần tranh luận, đại diện của ngân hàng tham gia phiên tòa được nêu quan điểm, những lập luận trong việc giải quyết vụ án. Khi tranh luận, người đại diện có quyền đưa ra những chứng cứ đã thu thập được, những chứng cứ đã được kiểm tra, xem xét tại phiên tòa, những chứng cứ mới mà Hội đồng xét xử chưa biết để cùng với việc xét hỏi trước đó tại phiên tòa mà luật sư bảo vệ cho ngân hàng đã tiến hành hỏi các đương sự và người có liên quan để đưa cho Hội đồng xét xử xem xét quyết định. Lưu ý rằng trong giai đoạn tranh luận, theo quy định, Hội đồng xét xử (người chủ tọa phiên tòa) không có quyền hạn chế thời gian tranh luận của nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Thậm chí Hội đồng xét xử còn phải tạo điều kiện cho những người tham gia tranh luận trình bày hết ý kiến, do vậy, người đại diện của ngân hàng chú ý khi trình bày trong phần tranh luận cần trình bày hết quan điểm vì đó là quyền lợi được pháp luật cho phép. Tuy nhiên, Hội đồng xét xử cũng có quyền cắt ngang những ý kiến tranh luận mà ý kiến đó không có liên quan đến vụ án.
Khi kết thúc phần tranh luận, Hội đồng xét xử sẽ chuyển sang phần nghị án và tuyên án. Do đây là thủ tục tố tụng trong vụ án dân sự nên sẽ không có mục “lời nói sau cùng” vì “lời nói sau cùng” chỉ dành cho những bị cáo trong vụ án hình sự.

Việc nghị án chỉ có những thành viên Hội đồng xét xử mới có quyền nghị án, khi nghị án các thành viên đều phải giải quyết tất cả các vấn đề của vụ án bằng cách biểu quyết theo đa số về từng vấn đề. Khi nghị án chỉ được căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được kiểm tra, xem xét tại phiên tòa, đồng thời phải có biên bản ghi lại ý kiến đã thảo luận. Biên bản nghị án phải được các thành viên Hội đồng xét xử ký tên tại phòng nghị án trước khi tuyên án.

Kết thúc phần nghị án đến phần tuyên án. Khi tuyên án, Thẩm phán chủ tọa phiên xét xử sẽ thay mặt Hội đồng xét xử yêu cầu mọi người trong phòng xử án đứng lên, trừ trường hợp đặc biệt được chủ tọa cho phép ngồi. Chủ tọa tiến hành đọc bản án, sau khi đọc xong có thể giải thích thêm về việc thi hành án và quyền kháng cáo của các đương sự. Đối với bản án sơ thẩm, ngân hàng cần chú ý, nếu quyền và lợi ích chưa thỏa đáng, chưa được như mong muốn thì ngân hàng cần làm ngay thủ tục kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm bản án mà chủ tọa vừa công bố. Theo quy định, thời hạn kháng cáo bản án sơ thẩm chỉ có thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Trường hợp đối với đương sự không có mặt tại phiên tòa thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày bản án được giao cho họ hoặc được niêm yết. Nếu gửi đơn kháng cáo qua bưu điện thì ngày kháng cáo được tính căn cứ vào ngày bưu điện nơi gửi đóng dấu ở phòng bì. Nếu quá thời hạn 15 ngày thì theo quy định ngân hàng vẫn có quyền kháng cáo quá hạn. Tuy nhiên, việc kháng cáo quá hạn ngân hàng cần nêu lý do vì sao kháng cáo quá hạn cùng những chứng cứ, tài liệu. Việc kháng cáo hay kháng cáo quá hạn, ngân hàng cần gửi trực tiếp lên Tòa án cấp sơ thẩm nơi đã xét xử vụ án và Tòa án cấp cao để kháng cáo bảo vệ quyền và lợi ích cho ngân hàng.

400x300_5.jpg

Việc kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm, phải gửi đơn đề nghị lên Chánh án
Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao

Bản án sơ thẩm nếu không có kháng cáo, kháng nghị thì bản án sẽ có hiệu lực pháp luật. Bản án phúc thẩm theo quy định là bản án có hiệu lực pháp luật ngay sau khi tuyên án và bắt buộc mọi cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan thi hành theo phán quyết của Tòa án. Tuy nhiên, luật cho phép các đương sự trong vụ án được quyền gửi đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án phúc thẩm. Thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm được coi là thủ tục đặc biệt để xem xét lại bản án đã có hiệu lực của pháp luật nhưng bị kháng nghị vì có những tình tiết mới được phát hiện mà điều này có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của vụ án hoặc phát hiện có vi phạm nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án.

Việc kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm, các ngân hàng phải gửi đơn đề nghị lên Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao để được xem xét kháng nghị vì chỉ có họ mới có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm. Trong thời gian đề nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm việc thi hành án đối với bản án phúc thẩm sẽ được tạm đình chỉ theo quy định.

Một điều nữa ngân hàng nên biết và thực hiện để việc khởi kiện đảm bảo tuân thủ và không bị gián đoạn: khi tiến hành gửi đơn khởi kiện cho Tòa án, ngân hàng phải đồng thời nộp án phí. Việc nộp án phí chỉ là tạm thời, nếu ngân hàng thắng trong vụ việc khởi kiện khách hàng thì tiền án phí mà ngân hàng đã nộp sẽ được hoàn lại theo đúng quy định. Việc hoàn lại tiền tạm ứng án phí sẽ do cơ quan thi hành án thực hiện.
 
Back
Bên trên