Quản lý tài chính theo độ tuổi

thutrangftu

Super Moderator
Super Mod
Tiết kiệm là thói quen có lợi và luôn có thể luyện tập trong từng giai đoạn tuổi khác nhau của cuộc đời. Tuy nhiên, giới chuyên môn khuyên rằng thời điểm tốt nhất để mỗi người bắt đầu tiết kiệm là từ hôm nay

21735
Theo chia sẻ của một chuyên gia tài chính có kinh nghiệm, ngay khi con cái còn nhỏ, các bậc cha mẹ cũng nên giáo dục để bé hiểu về giá trị của đồng tiền, từ đó giúp bé có ý thức tiết kiệm và cách làm cho đồng tiền sinh lợi hiệu quả. Trong đó cách làm đơn giản nhất chính là đưa các bé tới ngân hàng, yêu cầu nhân viên tư vấn giới thiệu gói tài chính phù hợp nhất cho con mình.

Sau khi tiếp thu được một số ít kiến thức cơ bản về tài chính, mỗi ngày, cha mẹ chỉ cần dạy cho con mình những điều cơ bản như tiền gửi, tài khoản tiết kiệm, lãi suất và các khái niệm liên quan. Đứa trẻ sau đó có thể nhìn vào tiết kiệm như bước đầu tiên để có thể độc lập tài chính.

Thực tế, việc tiết kiệm từ khi còn nhỏ sẽ giúp trẻ hình thành thói quen tốt, tư duy tiến bộ và khiếu kinh doanh. Gửi tiền tiết kiệm vốn là một cách đầu tư sinh lời an toàn khi có khoản tiền nhàn rỗi. Đây là cách đơn giản nhất để tiêu dùng một cách thông thái.

Còn với những bạn trẻ đã lớn khôn, không được trải qua giáo dục tài chính từ bé thì cũng không có gì là muộn khi bạn bắt đầu tìm hiểu về tài chính ngay từ lúc này. Bởi thực tế, các ngân hàng hiện nay đang hướng đến phát triển sản phẩm dịch vụ cho người có độ tuổi từ 18 trở lên rất nhiều. Do đó, bất kỳ ai cũng có thể tìm đến ngân hàng để được tư vấn và học cách quản lý tiền một cách tốt nhất, phục vụ cho tương lai mua nhà, mua xe của mình. Ở độ tuổi này, có thể các bạn trẻ chưa kiếm được nhiều tiền, ngoại trừ những khoản tiền được người lớn cho hoặc đi làm thêm lặt vặt, thế nhưng bạn vẫn có thể tích cóp được tiền nếu muốn.

Nói như chị Thảo Vy (chuyên gia tâm lý), ở độ tuổi này các bạn nên học cách quản lý tài chính bằng phương pháp đơn giản nhất là tập ghi lại tất cả những thu chi hàng ngày, hàng tháng để phân loại cụ thể nhu cầu rồi tiến tới việc gửi tiết kiệm ngay từ những khoản nhỏ nhất.

Cũng theo chị Vy, hình thức ghi chép lại việc chi tiêu tài chính là một thói quen vô cùng tốt cho những người mới bắt đầu học cách quản lý tài chính cá nhân. Chính con gái của chị cũng đã áp dụng phương pháp này từ năm 16 tuổi và đến nay, sau 5 năm tích cóp, cô bé đã sở hữu một cuốn sổ tiết kiệm giá trị 96 triệu đồng.

Vậy làm thế nào một cô bé 21 tuổi chưa học hết đại học đã có tài sản 96 triệu đồng? Chị Vy cho biết, hàng ngày cô bé đều phụ giúp làm việc trong nhà nên chị vẫn thường cho tiền để bé tiêu vặt. Cuối tuần, khi được nghỉ học bé chạy ra quán của bà ngoại phụ giúp bưng bê nên cũng có thêm thu nhập. Rồi tiền mừng tuổi, tiền mà cô dì, chú bác… cho, bé cất vào ống heo. Sau một thời gian, bé lại đập ống heo rồi đem gửi tiền tiết kiệm tại một ngân hàng gần nhà. Tiền gốc cộng lãi tích cóp dồn lại sau nhiều năm cho ra kết quả đáng kỳ vọng.

“Đối với một con người, tâm lý ghi chép lại những khoản chi tiêu và luôn nhận thấy khoản tiền để dành ngày càng phình ra tạo động lực cho việc tiết kiệm ngày càng lớn. Đối với tiền, tôi cho rằng không đặt nhiều niềm tin vào “trí nhớ”. Bởi bạn tiến hành các hoạt động mua bán của mình ở những thời điểm, địa điểm khác nhau. Ghi lại những hoạt động này trên giấy chính là tổng hợp lại những hoạt động này, để bạn có thể nhìn lại chúng một cách chi tiết, cụ thể. Công việc này chắc chắn sẽ mất của bạn một chút thời gian. Nhưng, có lẽ bạn sẽ đồng ý rằng, việc này không bao giờ làm cho bạn thất vọng. Đây chính là tâm lý hấp dẫn của đồng tiền”, chị Thảo Vy chia sẻ.

Ngược lại, với những người có độ tuổi từ 20-30 thì quá dễ dàng trong việc học cách tiết kiệm. Bởi lúc này, khi đã có nguồn thu nhập tương đối thì mỗi người đã biết suy nghĩ và lên kế hoạch dần về tài chính. Vì đây là giai đoạn bắt đầu có thu nhập và những mục đích tương lai rõ ràng hơn (vay mua xe, vay mua nhà, kinh doanh, lập gia đình). Việc có một nguồn tài chính ổn định và độc lập bắt đầu trở nên quan trọng.

Tuy nhiên, có nhiều bạn ở độ tuổi này vẫn còn khá hoang mang trong việc làm sao để tiền đẻ ra tiền. Nguyên nhân là nhiều bạn quá hấp tấp làm giàu dẫn đến chán nản trong việc tích cóp. Hay nhiều bạn chưa phải chịu nhiều trách nhiệm với gia đình nên người trẻ chưa cảm thấy sự cần thiết của việc tích lũy, dễ tiêu xài hoang phí. Tuy nhiên, cần nhận thức rõ rằng dù bạn có đầu tư cho học tập hay trải nghiệm cuộc sống thì việc để ra một khoản tiền tiết kiệm dự phòng vẫn là rất cần thiết. Và ngay lúc này đây, bạn phải tiết kiệm bằng mọi giá thay vì tâm lý đợi khi nào có gia đình ổn định mới cần thiết. Lúc đó, hẳn là đã quá muộn vì bạn đã trở nên thua kém rất nhiều bạn bè cùng trang lứa.

Thậm chí ở độ tuổi lớn hơn là 40-50 cũng không phải là quá trễ để bắt đầu. Hiện nay, nhiều ngân hàng còn có chương trình tiết kiệm ưu tiên cho những người thuộc độ tuổi này và tặng thêm rất nhiều quà tặng hấp dẫn.

Như vậy, để có thể tích lũy tài chính cá nhân, mỗi người cần bắt đầu ngay từ hôm nay. Đồng thời, để hiểu về quản lý chi tiêu, mỗi người cũng nên lập kế hoạch chi tiêu theo tỷ lệ để có được nguồn tiền tích cóp tốt nhất cho tương lai.

Tường San
Theo Thời báo ngân hàng
 

Tin tuyển dụng mới nhất

Thống kê MXH

Tổng số chủ đề
34,574
Số bình luận
528,077
Tổng số thành viên
351,221
Thành viên mới nhất
menusrs8
Back
Bên trên