Quản lý rủi ro tác nghiệp đối với Ngân hàng thương mại Việt Nam

mancom00

Thành viên
[h=2]Quản lý rủi ro tác nghiệp đối với Ngân hàng thương mại Việt Nam[/h]
Nguyễn Thị Thúy Hằng
Phòng Quản lý rủi ro thị trường & tác nghiệp

Năm 2007-2010 thế giới chứng kiến cuộc khủng hoảng bao gồm sự đổ vỡ hàng loạt hệ thống ngân hàng, tình trạng đói tín dụng, sụt giá chứng khoán và mất giá tiền tệ quy mô lớn ở nhiều nước trên thế giới, các Ngân hàng thương mại Việt Nam (NHTM) không ngoại lệ, cũng nằm trong cơn lốc khủng hoảng tài chính đó. Một trong những giải pháp khôi phục và phát triển doanh nghiệp nói chung và các NHTM nói riêng trong thời kỳ hậu suy thoái kinh tế là phải nâng cao năng lực cạnh tranh, duy trì và mở rộng quy mô hoạt động kinh doanh, tranh thủ cơ hội và đối phó với những thách thức mới.
Để thực hiện thành công các giải pháp nói trên, các NHTM phải kịp thời cải cách thủ tục hành chính, đổi mới về quy trình tác nghiệp, nâng cấp công nghệ xử lý nghiệp vụ và quan trọng nhất là nâng cao hiệu quả của hệ thống quản trị rủi ro. Hiện tại một số NHTM lớn đã chú tâm xây dựng và tiến tới hoàn thiện hệ thống quy định, quy trình quản lý rủi ro như: rủi ro tín dụng, rủi ro thanh khoản, rủi ro thị trường và đặc biệt là hệ thống quản lý rủi ro tác nghiệp (QLRRTN). QLRRTN đã được các ngân hàng trên thế giới ứng dụng từ hàng chục năm nay. Tuy nhiên, đối với các NHTM Việt Nam, chỉ cách đây 5 năm, QLRRTN vẫn là một khái niệm mới mẻ.
Mặc dù có nhiều nỗ lực song cho tới nay Việt Nam vẫn chưa thiết lập được khuôn khổ pháp lý chính thức cho hoạt động QLRRTN. Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vẫn đang nghiên cứu để thiết lập lộ trình áp dụng Basel II cho ngành ngân hàng. Thông tư số 13/2010/TT-NHNN ngày 20/5/2010 và số 19/2010/TT-NHNN ngày 27/9/2010 quy định về tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng trên cơ sở xem xét áp dụng thông lệ Basel II. Song các NHTM vẫn đang mong đợi NHNN sớm ban hành những quy định cụ thể hướng dẫn triển khai hoạt động QLRRTN trên tất cả các mặt từ thiết lập chính sách, quy định, quy trình cho đến phương pháp đo lường, yêu cầu vốn tối thiểu đối với RRTN và cơ chế trích lập dự phòng RRTN.
Để phát triển tương xứng với các ngân hàng khu vực và quốc tế, các NHTM Việt Nam đang hội nhập ngày càng mạnh mẽ hơn, nhằm chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm quản trị ngân hàng nói chung, QLRRTN nói riêng. VNBA đã tham gia tích cực trong quá trình nghiên cứu và xây dựng Hiệp hội dữ liệu tổn thất của các Ngân hàng khu vực Đông Nam Á (Asean Bankers’ Loss Data Consortium). Bên cạnh đó, một số NHTM đang chủ động tiếp cận các Hiệp hội quản lý rủi ro khác như RMA, ORX (Hiệp hội trao đổi dữ liệu RRTN)… nhằm nghiên cứu ứng dụng các dữ liệu và kinh nghiệm RRTN bên ngoài vào công tác QLRRTN tại ngân hàng mình. Các NHTM cũng tìm kiếm sự giúp đỡ, tư vấn từ các ngân hàng đại lý, các đối tác nước ngoài, đặc biệt là các NHTM lớn với nhiều năm kinh nghiệm QLRRTN như UOB, HSBC, Standard Chartered Bank…
Vậy đâu là nội dung thiết yếu khi triển khai hoạt động QLRRTN tại các NHTM ở Việt Nam?
1. Thiết lập và hoàn thiện khung QLRRTN
1210QlyRRoTN_Khung.jpg
Khung QLRRTN hiệu quả.
Nền móng cơ sở vững chắc cho hoạt động QLRRTN tại các NHTM ở Việt Nam chính là khung QLRRTN hướng theo chuẩn quốc tế, bao gồm: chính sách, cơ cấu tổ chức, quy trình và giải pháp phần mềm QLRRTN trong nội bộ NHTM. Trong bối cảnh hiện tại, các NHTM hoạt động kinh doanh theo cơ chế thị trường có sự quản lý chặt chẽ của NHNN, do vậy các NHTM cần xem xét kỹ lưỡng để quyết định lựa chọn khung QLRRTN sao cho đáp ứng được những yêu cầu cơ bản theo chuẩn mực quốc tế như:
• Chiến lược của ngân hàng và phương pháp QLRRTN phải ăn khớp với nhau;
• Xác định được các phương pháp thực hành quản lý và đo lường RRTN;
• Đưa ra các công cụ chuẩn mực về xác định, đo lường, kiểm tra, giám sát, báo cáo trong toàn hệ thống nhằm đưa vào chương trình QLRRTN.
Để đáp ứng được các yêu cầu cơ bản trên, các NHTM cần phải xác định chiến lược và phương pháp quản lý rủi ro đúng đắn; xác định vai trò, chức năng và trách nhiệm, quyền hạn của các bộ phận trong tổng thể bộ máy cơ cấu tổ chức; đưa ra các yêu cầu về thực hành quản lý rủi ro; phổ biến rộng rãi trong toàn hệ thống, nhất quán việc QLRRTN; quan trọng hơn là ứng dụng các công cụ quản lý như: kiểm tra hạ tầng, tự đánh giá và kiểm soát rủi ro thông qua bảng hỏi (RCSA – Risk Control Self Assessment), thu thập dữ liệu sự kiện RRTN/ phân tích, dữ liệu tổn thất khác ngoài hệ thống, chỉ số rủi ro chính (KRI – Key Risk Indicator), phân tích kịch bản, phân tích rủi ro, đo lường rủi ro (VaR – Value at Risk) và báo cáo, phân bổ vốn chịu rủi ro; từ đó có các phương án phòng tránh RRTN như: mua bảo hiểm/chuyển rủi ro.
1210QlyRRoTN_MoHinh.jpg
Mô hình tổ chức QLRRTN ở nhiều NHTM trên thế giới (i)
2. Triển khai áp dụng khung QLRRTN
Sau khi xây dựng được khung QLRRTN, các NHTM thực hiện các bước theo quy trình chuẩn của thông lệ quốc tế nhằm xác định RRTN trong chính sách, quy định, quy trình và cả văn hóa, thói quen làm việc của cán bộ trong nội bộ ngân hàng.
1210QlyRRoTN_QTrinh.jpg
Quy trình QLRRTN hiệu quả.
Công việc có vai trò quan trọng trong quy trình QLRRTN là giai đoạn thu thập các dữ liệu rủi ro trong quá khứ và hiện tại của NHTM theo các nguồn khác nhau:
• Từ các hoạt động nghiệp vụ, các phòng/ban/đơn vị trong hệ thống (ở đây các trưởng phòng/ban/đơn vị có trách nhiệm khai báo và lưu trữ các rủi ro phát sinh trong quá trình tác nghiệp);
• Các bộ phận giám sát, kiểm soát có trách nhiệm khai báo và lưu trữ các rủi ro phát sinh trong quá trình kiểm tra, kiểm soát;
• Chiết xuất lỗi, sự cố và tổn thất từ các hệ thống khác trong ngân hàng như: core banking, các module: internet banking, thẻ, treasury,...
• Ngoài ra còn từ các nguồn cung cấp dữ liệu tổn thất bên ngoài như: ORX – Operational Riskdata eXchange, BIS – Bank of International Settlement… hoặc từ các sự kiện rủi ro đã được báo chí đăng tải, sử dụng các nguồn dữ liệu bên ngoài và giả sử các sự kiện rủi ro hoặc các lỗi gây ra rủi ro ảnh hưởng đến hoạt động của ngân hàng mình để xác định mức độ tổn thất có thể gây ra.
Trên cơ sở thu thập các dữ liệu rủi ro NHTM tiến hành việc đo lường RRTN. Đo lường RRTN gồm 2 phương pháp: đo lường định tính và định lượng. Đối với đo lường định lượng thì việc lưu trữ dữ liệu là quan trọng nhất. NHTM phải lưu trữ ít nhất là 3 năm dữ liệu RRTN và chất lượng dữ liệu phải có kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo tính đúng đắn trong việc tính toán. Hơn nữa trong đo lường định lượng mức độ tổn thất cũng rất phức tạp, bởi 1 sự kiện RRTN có thể gây tổn thất làm phá sản một hệ thống ngân hàng, nhưng cũng có rất nhiều sự kiện rủi ro thường hay phát sinh lại gây tổn thất rất nhỏ.
Ví dụ một cán bộ tại bộ phận giao dịch khách hàng có hành động khiếm nhã với khách hàng, sau đó khách hàng này đã thông tin đến nhiều khách hàng khác về việc này và hậu quả là trong 1 tháng ngân hàng mất tới hơn 50 khách hàng gửi tiền. Đây được xem là sự cố RRTN làm ảnh hưởng đến uy tín của ngân hàng. Vấn đề đặt ra là để đo lường mức độ tổn thất của rủi ro này, bộ phận QLRRTN sẽ phải tính như thế nào? Lúc này giải pháp phần mềm QLRRTN sẽ phát huy tác dụng nhằm đo lường được giá trị RRTN (Op VaR). Dựa vào đó, các NHTM sẽ tính toán hay điều chỉnh giá trị rủi ro và phân bổ vốn dự phòng RRTN theo phương pháp thích hợp được chỉ dẫn trong Basel II (ii).
Bằng cách thu thập dữ liệu rủi ro, tổn thất, RCSA từ các nguồn khác nhau, NHTM sẽ đánh giá mức độ rủi ro trong các hoạt động theo từng phòng/ban nghiệp vụ…để xác định đâu là rủi ro chính tại từng phòng/ban trong từng hoạt động nghiệp vụ đó… Mặt khác, NHTM còn phải phân mức độ RRTN theo cấp độ quan trọng từ thấp đến cao trong hoạt động của mình (Risk Hierarchy). Ví dụ “Uy tín” là vấn đề mà ngân hàng xem là quan trọng nhất, vậy thì những vấn đề liên quan đến uy tín là gì? Là quan hệ khách hàng, rồi sản phẩm, dịch vụ…. Nếu như xảy ra RRTN ở khâu sản phẩm, dịch vụ thì vấn đề nào là quan trọng nhất?…. Đồng thời đưa ra những phương pháp hoặc cách thức để đánh giá và kiểm soát rủi ro ở nhiều mức độ khác nhau (cấp lãnh đạo, quản lý hay cán bộ….). Tuỳ theo quy mô, mô hình hoạt động, mỗi NHTM có thể áp dụng cách thức để đánh giá và kiểm soát khác nhau. Tuy nhiên, việc đánh giá và kiểm soát rủi ro phải được diễn ra thường xuyên và áp dụng cho toàn bộ các phòng/ban, nghiệp vụ kinh doanh trong hệ thống. Các phương pháp ở đây có thể là xây dựng bảng hỏi, kiểm tra chéo, điều tra hoặc phỏng vấn,…
Một công cụ thường được sử dụng trong QLRRTN là phân tích kịch bản. Đặt giả thiết nếu có sự kiện rủi ro giả định sẽ xảy ra trong tương lai, khi đó họ sẽ kết hợp các chính sách rủi ro và vốn chịu rủi ro của mình để phân tích, đánh giá rủi ro và mức độ ảnh hưởng của nó đối với hoạt động chung của NHTM. Có 4 phương pháp để phân tích kịch bản trong RRTN gồm: các trường hợp rủi ro dẫn đến ảnh hưởng - ảnh hưởng gây ra các trường hợp rủi ro; một sự kiện nghiêm trọng/tần suất – sự kiện nghiêm trọng/chuỗi tần suất; ảnh hưởng tập trung - ảnh hưởng phi tập trung; số nhỏ - số lớn.
Các dấu hiệu rủi ro sẽ được tập hợp tại bộ phận quản lý rủi ro chuyên trách và bộ phận này thực hiện phân tích đánh giá và đo lường rủi ro, sau đó có trách nhiệm báo cáo lên Uỷ ban QLRR, Ban điều hành và Hội đồng quản trị.
Điểm mấu chốt cuối cùng và có thể coi như yếu tố quyết định hiệu quả hoạt động QLRRTN của các NHTM ở Việt Nam là sự quan tâm của Ban lãnh đạo cấp cao đến công tác QLRRTN, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến việc quyết định chiến lược, khung QLRRTN và yêu cầu các cấp từ lãnh đạo đến toàn thể cán bộ phải nghiêm túc thực hiện QLRRTN kể từ khâu nhập dữ liệu rủi ro đến việc báo cáo và giám sát rủi ro đối với từng nghiệp vụ chuyên môn, sản phẩm dịch vụ trong hoạt động ngân hàng.
__________________________________________________________________________________________________________________
(i) Mô hình quản lý rủi ro theo tài liệu tư vấn của DeutchBank.
(ii) Basel II đưa ra 3 phương pháp tính toán vốn dự phòng RRTN. 2 phương pháp: Chỉ số cơ bản BIA và Tiêu chuẩn hóa SA tính tỷ lệ vốn dựa trên thu nhập của toàn ngân hàng (BIA), hoặc dựa trên thu nhập theo từng Khối kinh doanh của Ngân hàng (SA), thường đưa lại mức vốn dự phòng rất cao. Phương pháp thứ 3 – đo lường tiên tiến, nhạy cảm với rủi ro nhất, tính toán mức vốn dự phòng phù hợp dựa trên dữ liệu tổn thất thực tế của Ngân hàng.
 

Tin tuyển dụng mới nhất

Thống kê MXH

Tổng số chủ đề
34,575
Số bình luận
528,081
Tổng số thành viên
351,412
Thành viên mới nhất
qabootfive88
Back
Bên trên