Phương thức tín dụng chứng từ

PHƯƠNG THỨC TÍN DỤNG CHỨNG TỪ (DOCUMENTARY CREDIT)

* Khái niệm Tín dụng chứng từ:

Phương thức tín dụng chứng từ là một sự thỏa thuận mà trong đó một Ngân hàng theo yêu cầu của khách hàng sẽ trả một số tiền nhất định cho một người thứ 3 hoặc chấp nhận hối phiếu do người thứ 3 ký phát trong phạm vi số tiền đó, khi người thứ 3 này xuất trình bộ chứng từ thanh toán phù hợp với những quy định đề ra trong thư tín dụng.

Như vậy, để tiến hành thanh toán bằng phương thức này, bắt buộc phải hình thành một thư tín dụng. Đây là một văn bản pháp lý quan trọng của phương thức thanh toán này, vì nếu không có thư tín dụng thì xuất khẩu sẽ không giao hàng và như vậy phương thức tín dụng chứng từ cũng sẽ không hình thành được.
Tín dụng thư là văn bản pháp lý trong đó Ngân hàng mở tín dụng thư cam kết trả tiền cho người xuất khẩu, nếu như họ xuất trình đầy đủ bộ chứng từ thanh toán phù hợp với nội dung của thư tín dụng đã mở.

Thư tín dụng (L/C) được hình thành trên cơ sở hợp đồng thương mại, tức là phải căn cứ vào nội dung, yêu cầu của hợp đồng để người nhập khẩu làm thủ tục yêu cầu Ngân hàng mở thư tín dụng. Nhưng sau khi đã được mở, thư tín dụng lại hoàn toàn độc lập với hoạt động thương mại đó. Điều đó có nghĩa là khi thanh toán, Ngân hàng chỉ căn cứ vào nội dung thư tín dụng mà thôi.

* Đặc điểm của Tín dụng chứng từ:

- L/C không phụ thuộc vào hợp đồng cơ sở (hợp đồng mà xuất phát từ hợp đồng đó người ta tiến hành mở L/C). Các ngân hàng không liên quan hoặc bị ràng buộc bởi các hợp đồng như thế ngay cả khi L/C có dẫn chiếu đến các hợp đồng đó (điều 4 UCP600).
- Các ngân hàng làm việc với nhau trên cơ sở chứng từ chứ không quan tâm đến hàng hóa/dịch vụ. Cho dù người bán giao hàng bị thiếu, hàng kém chất lượng, giao hàng sai …, nhưng nếu trên bề mặt chứng từ thể hiện phù hợp với L/C, UCP, ISBP thì ngân hàng phát hành phải thanh toán cho người thụ hưởng. Các bên tham gia trong thư tín dụng không được lợi dụng vào tình trạng hàng hóa/dịch vụ được giao để trì hoãn việc thanh toán (Điều 5 UCP600).
- Theo UCP600 thì L/C là không thể hủy ngang.
- Theo UCP600 quy định, thì các bên muốn áp dụng phiên bản UCP nào thì phải quy định rõ trong thư tín dụng.
- Mặc dù người đề nghị mở L/C tham gia với tư cách là người mua hàng hóa/dịch vụ, nhưng ngân hàng phát hành mới là người thanh toán, cho nên khi người thụ hưởng ký phát hối phiếu đòi tiền thì phải đòi tiền ngân hàng phát hành L/C.

* Các bên tham gia Tín dụng chứng từ

- Ngân hàng phát hành (Issuing Bank): Phát hành L/C.
- Ngân hàng thông báo (Advising Bank): Thông báo L/C.
- Ngân hàng xác nhận (Confirming Bank): Xác nhận LC.
- Ngân hàng bồi hoàn (Reimbursing Bank): Thanh toán cho Ngân hàng đòi tiền trong trường hợp L/C có chỉ định.
- Ngân hàng chiết khấu (Negotiating Bank): Thương lượng chiết khấu bộ chứng từ.
- Ngân hàng xuất trình (Presenting Bank): Xuất trình bộ chứng từ đến ngân hàng được chỉ định trong L/C.
- Ngân hàng được chỉ định (Nominated Bank): Được ngân hàng phát hành chỉ định làm một công việc cụ thể nào đó, thường là thương lượng chiết khấu hoặc thanh toán bộ chứng từ.
- Ngân hàng đòi tiền (Claiming Bank): đòi tiền bộ chứng từ theo sự ủy quyền của các bên thụ hưởng.
- Người yêu cầu mở thư tín dụng (Applicant).
- Người thụ hưởng (Beneficiary).
Tùy theo quy định của từng L/C cụ thể, một ngân hàng có khi đảm nhận nhiều chức năng của các ngân hàng được liệt kê như trên. Chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của các bên có liện quan được quy định cụ thể trong UCP và ISBP.
 

Tin tuyển dụng mới nhất

Thống kê MXH

Tổng số chủ đề
34,575
Số bình luận
528,080
Tổng số thành viên
351,386
Thành viên mới nhất
caipiaovn1666
Back
Bên trên