Phân loại tài khoản kế toán ngân hàng

Phân loại tài khoản kế toán ngân hàng
Việc phân loại tài khoản ngân hàng được thực hiện dựa trên nội dung, tính chất, kết cấu của từng tài khoản, trên cơ sở đó sử dụng tài khoản theo đúng bản chất kinh tế nhằm phản ánh chính xác, đầy đủ rõ ràng từng loại tài sản, từng mặt hoạt động nghiệp vụ của ngân hàng.
Kế toán ngân hàng có 3 cách phân loại tài khoản chủ yếu:

a. Phân loại tài khoản theo công dụng và kết cấu

Là việc sắp xếp các nhóm tài khoản theo mối quan hệ 2 chiều của vốn là tài sản và nguồn vốn nhằm làm rõ bản chất của tài khoản trong quá trình phản ánh, kiểm soát đối tượng kế toán ngân hàng.

Theo cách phân loại này, tài khoản kế toán ngân hàng được phân thành:

+ Tài khoản phản ánh nguồn vốn: Là các tài khoản phản ánh nghiệp vụ nguồn vốn của ngân hàng. Tính chất của các tài khoản phản ánh nguồn vốn là dư có. Ví dụ: Tài khoản tiền gửi tiết kiệm của khách hàng; tài khoản các quỹ của ngân hàng; tài khoản thu nhập của ngân hàng như thu lãi cho vay, thu lãi tiền gửi; tài khoản phát hành giấy tờ có giá…
+ Tài khoản phản ánh tài sản: Là các tài khoản phản ánh hoạt động sử dụng vốn của ngân hàng. Tính chất của các tài khoản này là dư nợ. Ví dụ: Tài khoản tiền mặt, kim loại quý, đá quý..; tài khoản tiền gửi và đầu tư chứng khoán tại NHNN; tài khoản cho vay ngắn hạn, trung hạn, dài hạn; tài khoản tiền lãi cộng dồn dự thu…
+ Tài khoản phản ánh tài sản và nguồn vốn (TK Nợ – Có): Loại tài khoản này chia thành hai nhóm:
- Tài khoản Có thể phản ánh tài sản, có thể phản ánh nguồn vốn. Số dư của tài khoản có thể dư nợ hoặc dư có. Ví dụ: Tài khoản lợi nhuận năm nay; tài khoản đánh giá lại giá trị tài sản (TK63); tài khoản tiền gửi thanh toán (đối với những khách hàng được phép thấu chi).
- Tài khoản vừa phản ánh tài sản vừa phản ánh nguồn vốn tại cùng một thời điểm, tức là tài khoản có 2 số dư, số dư nợ và số dư có, Khi lên cân đối tài khoản vẫn phải để 2 số dư, không được bù trừ cho nhau. Ví dụ: Tài khoản chuyển tiền đến còn sai sót chờ xử lý trong nghiệp vụ chuyển tiền điện tử.

b. Phân loại tài khoản theo mối liên hệ với bảng cân đối kế toán

Theo cách phân loại này, tài khoản kế toán ngân hàng được phân thành tài khoản trong bảng cân đối (tài khoản nội bảng) và tài khoản ngoài bảng cân đối (tài khoản ngoại bảng).
– Tài khoản trong bảng cân đối kế toán: phản ánh tài sản, nguồn vốn của bản thân đơn vị ngân hàng. Sự vận động của những tài sản và nguồn vốn này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới quy mô hoặc cơ cấu tài sản, nguồn vốn của ngân hàng. Khi phản ánh hoạt động của những tài khoản nội bảng phải áp dụng phương pháp ghi sổ kép.
– Tài khoản ngoài bảng cân đối kế toán (tài khoản ngoại bảng): phản ánh những tài sản không (hoặc chưa) thuộc quyền sở hữu, sử dụng, hay nghĩa vụ phải thanh toán của ngân hàng (tài sản giữ hộ, tạm giữ…); các nghiệp vụ chưa tác động ngay đến nguồn vốn và tài sản của ngân hàng (các cam kết thanh toán thư tín dụng, các hợp đồng, các chứng từ thanh toán trong thời gian chưa thanh toán, các giấy tờ ấn chỉ chưa sử dụng…). Tài khoản ngoài bảng cân đối kế toán áp dụng phương pháp ghi sổ đơn (nhập – xuất).

c. Phân loại theo mức độ tổng hợp và chi tiết

Theo cách phân loại này, tài khoản kế toán ngân hàng được phân thành tài khoản tổng hợp và tài khoản chi tiết (tài khoản phân tích).
– Tài khoản tổng hợp: dùng để phản ảnh một cách tổng hợp hoạt động ngân hàng theo những chỉ tiêu nhất định nhằm cung cấp thông tin kinh tế, tài chính phục vụ chỉ đạo thực thi chính sách tiền tệ và chỉ đạo hoạt động kinh doanh ngân hàng; đồng thời là chỉ tiêu để lập bảng cân đối tài khoản kế toán ngân hàng.
– Tài khoản chi tiết (còn gọi là tiểu khoản): dùng để phản ảnh sự vận động của từng đối tượng kế toán cụ thể. Đối với bộ phận tài khoản giao dịch thì tiểu khoản dùng để phản ảnh hoạt động tiền gửi, tiền vay của từng khách hàng có quan hệ với ngân hàng. Đối với bộ phận tài khoản nội bộ thì tiểu khoản dùng để phản ảnh chi tiết từng loại tài sản, từng mặt nghiệp vụ cụ thể của bản thân ngân hàng.
 

Tin tuyển dụng mới nhất

Thống kê MXH

Tổng số chủ đề
34,577
Số bình luận
528,086
Tổng số thành viên
351,488
Thành viên mới nhất
nhacai2q
Back
Bên trên