Những kỹ năng giúp bạn có thể trúng tuyển

  • Bắt đầu Bắt đầu pisces
  • Ngày bắt đầu Ngày bắt đầu

pisces

Thành viên tích cực
Bí quyết chinh phục nhà tuyển dụng

Được mời phỏng vấn, bạn đã tiến gần hơn đến công việc mơ ước. Hãy chuẩn bị thật tốt cho buổi phỏng vấn này vì bạn sẽ không có cơ hội thứ hai để tạo ấn tượng đầu tiên. Hãy áp dụng 10 bí quyết sau để có một buổi phỏng vấn thành công.

Luyện tập ngôn ngữ cử chỉ. Những cử chỉ sau giúp bạn thể hiện sự tự tin: tư thế đứng thẳng, sự giao tiếp bằng mắt và cái bắt tay chắc chắn. Ấn tượng không lời đầu tiên có thể mở ra một khởi đầu tốt đẹp hoặc đặt dấu chấm hết cho buổi phỏng vấn của bạn. Vì vậy, bạn cần luyện tập để tạo phong thái tự tin chững chạc ngay từ phút gặp gỡ đầu tiên.

Trang phục chuyên nghiệp. Vẻ ngoài chỉn chu và chuyên nghiệp thể hiện sự tôn trọng bạn dành cho nhà tuyển dụng và sự nghiêm túc với công việc ứng tuyển. Trang phục công sở thường phù hợp với những buổi phỏng vấn. Trang trọng nhất bạn có thể mặc vest. Ngoài ra, nếu vị trí bạn ứng tuyển cần thể hiện nổi bật cá tính, bạn có thể chọn trang phục ít trang trọng hơn.

Lắng nghe. Khi bắt đầu cuộc phỏng vấn, nhà tuyển dụng sẽ cung cấp thông tin một cách trực tiếp hay gián tiếp về công việc, đồng nghiệp/sếp của bạn hay văn hóa công ty… Để có cái nhìn bao quát về công việc mình đang ứng tuyển bạn cần chú ý không bỏ qua thông tin nào và hãy hỏi lại nếu có điều chưa rõ hoặc không hiểu.

Kỹ năng giao tiếp tốt bao gồm cả khả năng lắng nghe và cho nhà tuyển dụng biết bạn đang lắng nghe họ bằng cách đặt những câu hỏi khai thác sâu về đề tài đang nói. Ví dụ, nhà tuyển dụng trao đổi với bạn: “Môi trường làm việc tại công ty chúng tôi luôn tạo điều kiện cho nhân viên học hỏi và phát triển”, bạn có thể đạt câu hỏi: “Anh/chị có thể chia sẻ thêm về những chương trình đào tạo của công ty? Các tiêu chí đánh giá kết quả làm việc của nhân viên cụ thể như thế nào?” Qua câu hỏi này, bạn không những lắng nghe mà còn thể hiện sự quan tâm thực sự đến vị trí ứng tuyển.

Nói vừa đủ. Trả lời lan man, không tập trung vào vấn đề nhà tuyển dụng muốn biết sẽ khiến nhà tuyển dụng đánh giá không tốt về kỹ năng giao tiếp của bạn. Để “nói đúng và nói đủ”, bạn cần nắm rõ phần mô tả công việc, yêu cầu công việc là gì, những điểm mạnh của bạn phù hợp với yêu cầu đó ra sao. Ngoài ra, bạn cần tìm hiểu trước về công ty và những câu hỏi phỏng vấn cơ bản để không bất ngờ hay nói lạc đề khi trả lời.

Giữ khoảng cách phù hợp. Phỏng vấn là buổi gặp mặt nghiêm túc để nói về công việc chứ không phải là cơ hội để kết bạn. Do vậy, bạn nên điều chỉnh mức độ thân thiện cho phù hợp với thái độ của nhà tuyển dụng. Truyền năng lượng và sự nhiệt huyết của bạn vào các câu trả lời là rất quan trọng, tuy nhiên đừng vượt quá giới hạn cần thiết.

Sử dụng ngôn từ lịch sự. Bạn cần thể hiện sự chuyên nghiệp và lịch thiệp của mình trong từng lời nói. Luôn ghi nhớ rằng, việc dùng tiếng lóng hay nhận xét không phù hợp liên quan đến tuổi tác, giới tính, chủng tộc, tôn giáo và chính trị sẽ khiến bạn phải sớm nói lời “tạm biệt” nhà tuyển dụng.

Biết mình, biết ta. Thái độ ứng xử trong buổi phỏng vấn là yếu tố quan trọng dẫn bạn đến cánh cửa thành công. Bạn cần cân bằng giữa sự tự tin, tài năng và lòng khiêm tốn. Đừng để tính tự mãn “lấn át” ngay cả khi bạn đang nhấn mạnh thành tích của mình.

Trả lời cụ thể. Nhà tuyển dụng thường đặt các câu hỏi để tìm hiểu hành vi trong quá khứ của ứng viên, họ tin rằng đây là cơ sở đáng tin cậy để dự đoán cách ứng viên xử lý công việc trong tương lai. Ví dụ nếu bạn viết trong hồ sơ “Khả năng giải quyết vấn đề tốt”, nhà tuyển dụng có thể yêu cầu bạn đưa ra một trường hợp cụ thể trong quá khứ chứng minh khả năng này của bạn. Khi gặp câu hỏi dạng này, bạn cần trả lời thật cụ thể bằng cách áp dụng C.A.R:
- Case - Tình huống: Bạn phải đối mặt với vấn đề gì? Tình huống lúc đó thế nào?
- Action - Hành động: Cụ thể bạn đã làm gì? Bạn đóng vai trò nào trong việc giải quyết vấn đề?
- Result - Kết quả: Kết quả ra sao? Bạn rút ra được kinh nghiệm gì?

“Phỏng vấn” nhà tuyển dụng. Đừng bao giờ trả lời “không” khi nhà tuyển dụng hỏi “Bạn có câu hỏi nào không?” vào cuối buổi phỏng vấn. Đây là cơ hội để bạn thể hiện sự quan tâm đến công việc và công ty. Đặt câu hỏi cũng giúp bạn đánh giá mức độ phù hợp giữa khả năng của bạn và vị trí đó. Lắng nghe kỹ những gì nhà tuyển dụng nói sẽ giúp bạn đặt câu hỏi phù hợp. Những câu hỏi về văn hóa công ty, cơ hội học hỏi, phát triển… sẽ giúp bạn ghi điểm với nhà tuyển dụng.

Giữ thế chủ động. Khi tham dự phỏng vấn với suy nghĩ “Làm ơn, xin hãy tuyển tôi!”, bạn sẽ cảm thấy thiếu tự tin và tuyệt vọng. Hãy thể hiện phong thái điềm tĩnh, tự tin và lạc quan trong suốt buổi phỏng vấn. Một khi bạn tin bạn là ứng viên sáng giá nhất cho vị trí đó, bạn sẽ tìm được cách chứng minh điều đó với nhà tuyển dụng!

3 cách giúp bạn vượt qua đối thủ

Trong thị trường việc làm nhiều khó khăn như hiện nay, mỗi ứng viên cần tìm ra hướng đi riêng cho mình để tách mình ra khỏi hàng loạt người tìm việc khác. Khi bạn tạo được sự khác biệt, nổi trội hơn hẳn so với các ứng viên tìm việc khác, chắc chắn, cơ hội để bạn lọt vào mắt nhà tuyển dụng sẽ cao hơn đáng kể.

Để làm được điều đó, bạn cần chú ý những điểm sau:

- Chứng tỏ bằng khả năng của mình

Năng lực của bản thân không chỉ thể hiện qua hồ sơ hay lời nói mà nhà tuyển dụng cần nhìn thấy hiệu quả công việc từ việc vận dụng những khả năng ấy. Bởi vậy, điều quan trọng là bạn phải cho họ thấy được bạn đã làm được những gì, mang đến hiệu quả cho công ty ra sao. Theo Chris Brabec - giám đốc của Western Union, ứng viên nên cung cấp những thành tích hữu hình, cả trong quá khứ và hiện tại. Đó là những thành tích đáng kể giúp bạn nổi bật trong mắt nhà tuyển dụng.

Đồng ý với quan điểm này, Alan Guinn - GĐ quản lý và điều hành của tập đoàn tư vấn doanh nghiệp Guinn ở Bristol cho biết: "Khách hàng của chúng tôi ngày càng quan tâm đến hiệu quả công việc ứng viên mang đến chứ không để ý đến việc họ là ai, họ đã làm ở đâu.... Người ta chỉ muốn biết ứng viên đã làm được những gì mà thôi".

Guinn nói rằng, hầu hết những ứng viên có thể chứng minh được năng lực, định hình giá trị bản thân bằng việc thảo luận làm thế nào để vượt doanh số đề ra, tìm thêm nhiều khách hàng mới sẽ dễ dàng tìm việc hơn. Các ứng viên ở những lĩnh vực khác, không quen với lối suy nghĩ này nhiều khi còn gặp khó khăn trong quá trình tìm việc.

- Hiểu nhiều hơn về công ty

Những ứng viên lọt vào vòng trong đều phải trải qua vòng phỏng vấn. Đa số các ứng viên trước khi đến phỏng vấn đều tìm hiểu thông tin về công ty nhưng họ chủ yếu tìm kiếm thông tin qua website công ty.

Theo Jim Langan - đối tác và là nhà quản lý đầu tư cho Winter, "để nổi bật, bạn cần có những nghiên cứu sâu rộng hơn về công ty, vượt qua những gì bình thường ai cũng biết. Muốn vậy, bạn nên tìm hiểu qua báo cáo tài chính thường niên của công ty và những sự kiện mới diễn ra ở công ty... Qua đó, bạn sẽ hiểu được tầm nhìn, hướng phát triển mới của công ty, những sản phẩm nổi bật trên thị trường cũng như các đối thủ cạnh tranh đáng gườm của công ty.

Thêm vào đó, bạn cũng có thể tìm hiểu lịch sử công ty, quản lý cấp cao, thậm chí nếu trong số đó có người nào từng viết sách, từng lên báo, bạn có thể đề cập đến trong buổi phỏng vấn. Sự hiểu biết khá sâu của bạn về công ty sẽ để lại ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng bởi họ cảm thấy bạn là ứng viên thực sự quan tâm đến công ty.

- Nhiệt tình

Nếu đã dành thời gian tìm hiểu về công ty, để chứng tỏ khả năng của mình với nhà tuyển dụng thì chẳng có lý do gì bạn lại không thể hiện mình là một ứng viên nhiệt tình, năng nổ trong công việc.

Sự nhiệt tình của ứng viên, theo Guinn, sẽ thể hiện rõ nét nhất qua buổi phỏng vấn. "Ứng viên nên thể hiện sự quan tâm, nhiệt huyết của mình với công việc qua các câu hỏi dành cho nhà tuyển dụng. Không chỉ hỏi về công việc sẽ làm, ứng viên nên hỏi thêm về hướng phát triển trong tương lai... Bạn nên đề nghị người phỏng vấn cung cấp một số thông tin bên lề vị trí bạn đang ứng tuyển, tai sao công ty lại cần thêm người và làm thế nào để hòa hợp nhanh nhất với công ty...".

Hãy để nhà tuyển dụng biết rằng, bạn đã dành thời gian tìm hiểu khá kỹ về công việc và cách bạn muốn đi để trở thành ứng viên hoàn hảo nhất cho vị trí ấy. "Các công ty bao giờ cũng thích những người hứng thú thực sự với công việc hơn là những ai chỉ coi công việc đó là được chăng hay chớ, hoặc chỉ là công việc làm thêm".
 
Back
Bên trên