Càng tuân thủ những giá trị kỷ luật, bạn càng tối ưu hóa giá trị của bản thân, đạt được tự do chân chính trong cả công việc lẫn đời sống nhờ năng lực tự chủ của chính mình.
1. Gác lại cám dỗ, lựa chọn dứt bỏ
Một tác giả được hỏi về cách để nâng cao kỹ năng viết lách, cô chỉ đơn giản trả lời: "Hãy đọc nhiều sách hơn".
Rất nhiều người sau khi nghe đã thắc mắc, nếu như không có thời để đọc hoặc đọc mà không vào thì sao?
"Vậy thì cất di động, tắt tivi, từ chối mấy cuộc hẹn chơi bời, rồi ắt có thời gian và tinh thần để tập trung đọc rồi".
Chính tác giả này cũng chia sẻ, mỗi ngày cô chỉ xem tivi trong một thời gian cố định, ngoại trừ sử dụng những ứng dụng học tập, kiểm tra tin tức và liên hệ cần thiết, cô cũng không khư khư ôm lấy điện thoại di động. Những cuộc hẹn vui chơi cũng sẽ sắp xếp vào thời điểm rảnh rỗi, tuyệt đối không liên quan tới khoảng thời gian cố định để rèn luyện hay học tập.
Nhờ thế, một năm, vị tác giả này có thể đọc được cả trăm quyển sách. Tích lũy và thu vào với cường độ cao đảm bảo cho cô khả năng sản xuất ra những áng văn chất lượng cao.
Trong cuộc sống, có rất nhiều cám dỗ và dụ hoặc tựa như vực sâu không đáy, khiến chúng ta đánh mất cơ hội quay đầu ngay khi sa vào trong đó. Mà với năng lượng hữu hạn của một người, nếu chúng ta lựa chọn vui chơi, giải trí, vậy đồng nghĩa với việc chúng ta đã từ bỏ một phần cơ hội để rèn luyện, tích lũy thêm.
Thay vì xé nhỏ, hãy tập trung toàn bộ năng lượng vào một mục tiêu duy nhất để hoàn thành nó dễ dàng hơn. Chẳng hạn, nếu muốn trở thành một bậc thầy trong lĩnh vực giao tiếp, bạn nên dành nhiều thời gian vào việc giao tiếp với mọi người để cải thiện kỹ năng. Ngược lại, nếu muốn trở thành một nhà văn nổi tiếng, nhất định phải quen với cường độ tích lũy tri thức cao thông qua sách vở và luyện tập.
Dù làm bất cứ việc gì, quan trọng nhất là kiểm soát được ham muốn của bản thân, không để những dụ hoặc và cám dỗ ở đời mê hoặc, đánh mất phương hướng.
2. Chia nhỏ nhiệm vụ, tiếp cận từng bước
Doanh nhân, tác giả và nhà diễn thuyết truyền động lực người Mỹ - Jim Rohn có câu: "Nếu bạn thật sự muốn, bạn sẽ tìm cách. Nếu không muốn, bạn sẽ tìm lý do".
Có một người phụ nữ muốn giảm 20 cân nên lập kế hoạch tập luyện vô cùng khắc nghiệt, mỗi ngày đều chạy bộ 1 tiếng kết hợp với tập yoga 1 tiếng đồng hồ. Thế nhưng, cô chỉ có thể kiên trì trong một khoảng thời gian đầu. Sau đó, khi động lực dần hết, cô lại tìm đủ lý do cho mình, "hôm nay đi làm vất vả quá rồi", "bây giờ muộn quá rồi", lại hoặc là "bữa lúc nãy ăn nhiều quá, tập thể dục thì không tốt lắm"...
Như vậy, một ngày lại một ngày trôi qua, cô vẫn không thể đạt được mục tiêu giảm 20 cân ban đầu của mình.
Chỉ có thể nói rằng, mục tiêu được đặt ra quá lớn, quá xa vời sẽ khiến người thực hiện sinh ra cảm giác e sợ, cho rằng bất khả thi và rất khó để thành công. Như vậy, họ dần đánh mất động lực và dẫn tới kết quả từ bỏ.
Trong cuốn sách "Mini Habits: Smaller Habits, Bigger Results" (tạm dịch "Gieo thói quen nhỏ, gặt thành công lớn") của tác giả Stephen Guise có đoạn chia sẻ chính kinh nghiệm của bản thân:
Ban đầu, khi lên kế hoạch tập thể dục, ông quyết định sẽ thực hiện các động tác hít đất trong 30 phút liên tục, nhưng nhanh chóng nhận ra mình không thể hoàn thành điều đó. Stephen Guise đã rất nản lòng cho đến khi ông nhận ra, cần gì phải quan tâm nhiều như vậy, kể cả chỉ làm 1 cái mỗi ngày cũng tốt mà.
Thế là từ đó, tâm lý Stephen Guise đã thay đổi. Sau khi làm xong cái đầu tiên, ông cảm thấy trạng thái tốt thì tiện tay tiếp tục làm cái thứ hai, cái thứ ba, rồi cứ thế đến khi hết sức mới thôi.
Suốt một năm sau đó, ông chỉ đặt yêu cầu cho bản thân làm mỗi ngày một cái. Nhưng kết quả là, mỗi lần thực hiện, ông không chỉ hít đất duy nhất một cái như ý định ban đầu.
Có thể thấy rằng, trong tình huống không có áp lực tâm lý, mục tiêu nằm trong tầm với, người ta có thể dễ dàng hoàn thành và đạt được cảm giác thành tựu. Chính cảm giác đó sẽ trở thành động lực, thúc đẩy chúng ta kiên trì tiếp tục.
Mục tiêu một cái hít đất một ngày quả thật dễ dàng đến nỗi, dù đang nằm chơi điện thoại trên giường, Stephen Guise vẫn có thể lật người rồi thực hiện được ngay. Như vậy, ông không cần tìm bất cứ lý do nào để trì hoãn và lười biếng cả.
Sau này, trong lĩnh vực học tập và sáng tác, Stephen Guise cũng đã sử dụng phương pháp tương tự và đạt được nhiều thành tựu nhất định. Cuốn sách best-selling "Mini Habits: Smaller Habits, Bigger Results" cũng ra đời như vậy.
Như vậy, mục tiêu càng lớn, mọi người càng dễ tìm cớ, tìm lý do cho mình. Nhưng nếu biết cách chia nhỏ phạm vi mục tiêu, bắt đầu từng bước, đi từ thấp tới cao, bạn sẽ thấy rằng tất cả gánh nặng tinh thần sẽ biến mất. Khi đã làm được như vậy, bạn đang dần biến kỷ luật trở thành một loại bản năng.
3. Tối ưu thời gian, gia tăng hiệu suất
Một người biết cách tận dụng và tối ưu thời gian không phải là người chỉ chăm chăm vào công việc hay học tập, không có một chút rảnh rỗi nào để vận động và nghỉ ngơi. Mà bản chất của việc tối ưu thời gian nằm ở cách gia tăng hiệu suất của chính mình. Từ đó, trong quá trình công tác kết hợp với nghỉ ngơi, họ tìm ra được tiết tấu riêng biệt của bản thân.
Càng là người thành công, mức độ tối ưu thời gian của họ lại càng chi tiết, có thể được tính bằng phút, thậm chí là giây. Chẳng hạn như, với tỷ phú Bill Gates, có lẽ thời gian của ông được tối ưu tới từng giây, chặt chẽ tới nỗi không rảnh để cúi xuống nhặt một tờ tiền rơi trên mặt đất.
Hoặc như diễn viên Hàn Tuyết từng tiết lộ lịch trình trên truyền hình cụ thể như sau: 7h30 rời giường, rửa mặt trong 3 phút, trang điểm trong 5 phút, ăn sáng trong 12 phút, ra khỏi nhà lúc 7h50. Kế hoạch làm việc và nghỉ ngơi được sắp xếp chính xác đến từng phút và nữ diễn viên cũng thực hiện không hề sai lệch.
Con người càng có tính kỷ luật cao thì ý thức kiểm soát của họ càng mạnh mẽ. Bạn dùng càng ít thời gian để hoàn thành càng nhiều việc thì số thời gian trong tay lại càng trở nên có giá trị hơn cả. Điều đó sẽ giúp bạn đẩy mạnh hiệu suất công việc, rồi lại gia tăng giá trị của thời gian, tạo ra một chu kỳ tích cực thúc đẩy lẫn nhau.
Phương Thuý
Theo Nhịp sống kinh tế
Theo Nhịp sống kinh tế
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.
Link báo gốc: Những dấu hiệu cho thấy bạn đang đi vào lối sống kỷ luật cao, trở thành người năng động và tiến tới thành công trong cả sự nghiệp và cuộc sống