Một số biện pháp phát hiện tài liệu thật, giả trong giao dịch tại ngân hàng thương mại

  • Bắt đầu Bắt đầu Black
  • Ngày bắt đầu Ngày bắt đầu

Black

Verified Banker
Nền kinh tế - xã hội đất nước đang trong giai đoạn đổi mới, phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế. Sự cạnh tranh trong kinh doanh của các DN cũng được thể hiện dưới nhiều dạng khác nhau, trong đó có nhiều trường hợp dẫn đến vụ việc tranh chấp, khiếu kiện phải đưa ra Toà án để giải quyết.

Thị trường đã tạo động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế, nhưng cũng có mặt trái của nó, thực tế đã nảy sinh nhiều loại tội phạm mới hoạt động trên nhiều lĩnh vực, thể hiện nhiều nhất là trong khâu giao dịch tiền tệ với các Ngân hàng. Chúng đã lợi dụng sơ hở của cán bộ trong khi giao dịch, dùng một số loại giấy tờ giả mạo như: Chứng minh nhân dân (CMND), hộ khẩu, hộ chiếu, sổ đỏ... lừa đảo để cầm cố, thế chấp vay tiền, lĩnh tiền của các cơ quan, DN và các Ngân hàng nhằm chiếm đoạt tài sản.

Qua công tác điều tra cho thấy đã có một số Ngân hàng mắc phải vấn đề này. Đối tượng đã dùng CMND giả đưa vào Ngân hàng để giao dịch vay tiền, lĩnh tiền. Về phía Ngân hàng do sơ suất của một số cán bộ chỉ một chút lơ là, thiếu tinh thần trách nhiệm đã để cho đối tượng lợi dụng lừa đảo và chiếm đọat tài sản, khi phát hiện được thì đối tượng đã cao chạy xa bay. Ngân hàng thì mất vốn, cán bộ để xảy ra thì phải bồi thường vật chất, nặng thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Về phía Ngân hàng khi có vụ việc xảy ra phải có trách nhiệm báo với cơ quan pháp luật để điều tra truy tìm thủ phạm, mất nhiều thời gian và chi phí, ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh và uy tín của đơn vị, nội bộ mâu thuẫn nghi kị lẫn nhau.

Xuất phát từ thực tế trên và yêu cầu công tác phải đảm bảo tuyệt đối an toàn về tài sản của Nhà nước, của cơ quan và của chính bản thân người Giao dịch viên (GDV), Kiểm soát viên, bài viết này cung cấp một số kiến thức cơ bản về nhận biết thông thường đối với một số loại giấy tờ và chữ ký thật, giả khi thực hiện giao dịch với khách hàng với mục đích nhằm giới thiệu cho các GDV nhận biết về đặc điểm, hình dáng, kích thước, mầu sắc, dấu vết của một số loại giấy tờ như CMND, Hộ chiếu, tài liệu thật/giả và giám định chữ ký phục vụ cho công tác chuyên môn khi giao dịch với khách hàng. Từ đó giúp cho GDV có được kiến thức cơ bản phát hiện được các hành vi, thủ đoạn của tội phạm dùng giấy tờ giả để giao dịch, thế chấp, cầm cố nhằm chiếm đoạt tiền và tài sản của các cơ quan tổ chức, cá nhân và đưa ra các biện pháp phòng chống ngăn chặn.


Tài liệu thật
Là những tài liệu có giá trị pháp lý về toàn bộ nội dung cũng như thủ tục hành chính của các văn bản giấy tờ có liên quan
(Ví dụ: Đơn xin vay, giấy tờ thế chấp, cầm cố, các Hợp đồng Kinh tế, Báo cáo tài chính…) , tài liệu được thực hiện trong các giao dịch xã hội và các mối quan hệ kinh tế xã hội khác. Nội dung tài liệu không bị sửa chữa, tẩy xoá, cắt ghép, điền thêm, không bị thay trang (nếu là văn bản nhiều trang) và có dấu giáp lai (nếu có). Đây là tài liệu có giá trị pháp lý được công nhận trong các giao dịch xã hội cũng như kinh tế. Có đủ chữ ký, hình dấu cần thiết. Chữ ký phải trực tiếp của người có tên ghi trong văn bản cần ký, hình dấu đúng quy định, chữ ký trước hình dấu chụp sau.

Để có kiến thức nhận dạng về tài liệu thật giả trong quá trình thực hiện nhiệm vụ GDV cần nắm được các quy định chung về kỹ thuật văn bản, quy chế hành chính và nghiệp vụ nhận dạng ban đầu về tài liệu giấy tờ nói chung và chữ ký cũng như hình dấu trên toàn bộ giấy tờ, tài liệu đó.


Tài liệu, giấy tờ giả
Tài liệu, giấy tờ là những văn bản thường gặp trong các giao dịch thường ngày. Để đảm bảo giá trị pháp lý của giấy tờ, tài liệu có nội dung chứng nhận, các cơ quan ban ngành xác nhận thường để lại những đặc điểm riêng trên tài liệu như ảnh của người được cấp giấy tờ; chữ ký và họ tên viết tay của người chịu trách nhiệm xác nhận, ban hành; hình dấu của cơ quan (bao gồm hình dấu ướt và hình dấu nổi). Đồng thời những tài liệu, giấy tờ quan trọng thường được tăng cường bằng các đặc điểm chống làm giả như chất liệu giấy, mực in và phương pháp in đặc biệt; các hoa văn chữ viết cực nhỏ.

Khi làm tài liệu giả, các đối tượng cũng chú ý làm giả những đặc điểm trên bằng nhiều thủ đoạn khác nhau. Thủ đoạn làm giả dù tinh vi đến đâu cũng có thể nhận biết được trên cơ sở nắm được đặc điểm của tài liệu thật và những hạn chế trong các thủ đoạn làm giả.

Những tài liệu thường bị các đối tượng làm giả là văn bằng, giấy tờ tuỳ thân, giấy giới thiệu, hồ sơ lý lịch để phục vụ cho những mục đích mang tính chất lừa đảo. Tài liệu, giấy tờ giả có thể được làm giả toàn bộ hay từng phần hoặc chỉ tẩy xoá, thêm bớt một số chi tiết nhằm thay đổi nội dung. Cho nên khi kiểm tra giấy tờ cần thận trọng, kiểm tra toàn bộ giấy tờ.

Tài liệu giả là tài liệu không hợp lệ, các loại giấy tờ không đủ thủ tục hành chính, nội dung của tài liệu bị tẩy xoá sửa chữa, bị điền thêm, thay trang, thay ảnh, hoặc bất cứ hành động nào làm thay đổi nội dung của tài liệu, chữ ký không phải chữ ký thật, hình dấu giả không đủ giá trị pháp lý.


Một số hành vi làm giả tài liệu có thể xảy ra
Trong giao dịch của các Ngân hàng hiện nay thường va chạm với các loại giấy tờ tài liệu như: CMND, Hồ sơ nhà đất, Di chúc, Hộ chiếu, Sổ tiết kiệm, chữ ký của người có liên quan… đi đôi với các loại giấy tờ này còn có các giấy tờ khác để hoàn thành thủ tục hồ sơ. Vì vậy, các đối tượng thường trà trộn các loại giấy tờ giả vào trong bộ hồ sơ để lừa đảo cầm cố, thế chấp lĩnh tiền, vay tiền, rút tiền với số lượng lớn.

Việc phát hiện những tài liệu nghi vấn làm giả này phải qua cán bộ thẩm định pháp lý, hoặc qua cơ quan công chứng Nhà nước… Nếu là tài sản lớn cần phải thẩm định như: giám định chữ ký, hình dấu trên văn bản hoặc cán bộ làm công tác thẩm định tiến hành kiểm tra qua các cơ quan có thẩm quyền. Đối với những người làm công tác trực tiếp với các loại giấy tờ chứng từ này cần có những kiến thức về nhận dạng tài liệu để có thể phát hiện nghi vấn và sử lý các công việc tiếp theo, tránh được rủi ro trong quá trình thực hiện giao dịch.

* Tài liệu giả từng phần:
Là tài liệu dựa trên tài liệu sẵn có để làm một tài liệu với nội dung khác đi nhằm phục vụ cho mục đích riêng của mình.

* Tài liệu bị điền thêm:
Là tài liệu bị điền thêm một số nội dung quan trọng có ý nghĩa như tăng thêm giá trị, tăng thêm quyền lợi trong một văn bản thật. Thủ đoạn của loại tội phạm này chúng thường lợi dụng các loại văn bản có chỗ trống để điền thêm. Do vậy, ta cần chú ý các loại văn bản quan trọng nếu có liên tục về nội dung, không nên để trống dòng tội phạm có thể lợi dụng viết xen vào, điền thêm vào. Biện pháp kiểm tra ta cần chú đến nét chữ, xem mực viết, xem khoảng cách giữa các chữ viết trên các văn bản giấy tờ có liên quan, xem độ tỳ ấn bút, xem mức độ phù hợp của một tài liệu so sánh trực tiếp với chữ viết trên văn bản đó.

* Tài liệu bị sửa chữa:
Là tài liệu có nội dung quan trọng như số lượng tiền, ngày, tháng, năm… kiểm tra các nội dung này xem có bị tẩy xoá sửa chữa gì không? nếu thấy nghi vấn ta kiểm tra sự logic của tài liệu
(Ví dụ: Sổ đỏ là: 300m rất dễ viết thành: 800m để thế chấp vay tiền; hoặc sổ tiết kiệm: 1.000.000đ viết thành: 11.000.000đ để rút tiền).
* Tài liệu giả hoàn toàn:
- Đối tượng sử dụng kỹ thuật in phôi tờ tài liệu mang tên một người nào đó, dán ảnh của người sử dụng vào (nếu có) và làm thủ tục đóng dấu giáp lai nổi trên ảnh và phôi.

- Tờ phôi giấy là giả, dán ảnh không có dấu nổi, ảnh chụp không phù hợp với người sử dụng tài liệu, nhưng lại mang tên người khác.

- Do vật nhọn để tạo nên dấu nổi trên ảnh không rõ ràng, thô, đường viền dấu nổi trên ảnh không liên tục, mặt của ảnh có vết nứt gãy.


Một số thủ đoạn giả mạo chữ ký
Ký giả theo trí nhớ:
Ký giả theo trí nhớ là thủ đoạn mà thủ phạm đã quan sát trước được chữ ký thật của người bị làm giả, sau đó nhớ lại các đặc điểm để ký theo. Thủ đoạn này thường để lại các đặc điểm: Tốc độ ký tương đối nhanh; Mức độ liên kết và độ điêu luyện cao; Hình dáng chung có phần giống chữ ký thật. Tuy nhiên vẫn có thể nhận biết được ở một số nột chữ, có nét thừa hoặc nét thiếu so với chữ ký thật, nhiều trường hợp nét bắt đầu và nét kết thúc khác hẳn với chữ ký thật.

Khi nghiên cứu giám định phải đối chiếu so sánh với mẫu chữ ký thật của người bị làm giả để xác định những đặc điểm khác nhau.

Đồ tô lại chữ ký:
Đồ tô lại chữ ký là thủ đoạn mà thủ phạm dựa trên cơ sở chữ ký thật rồi dùng một số phương tiện để đồ tô lại chữ ký qua ánh sáng ngược hay giấy than hoặc tô lại qua vết hằn trên tài liệu.

Đồ tô lại chữ ký qua ánh sáng ngược là thủ đoạn thủ phạm đặt tài liệu có chữ ký thật lên trên một tấm kính trong suốt, sau đó đặt tài liệu cần có chữ ký lên trên, dùng ánh sáng ngược qua tấm kính chữ ký thật phản chiếu trên tài liệu, sau đó dùng bút tô theo các đường nét chữ ký thật.

Đồ tụ qua giấy than là thủ đoạn thủ phạm đặt tài liệu có chữ ký thật lên trên tài liệu cần có chữ ký giả qua lớp giấy than, sau đó dùng bút chì hoặc que nhọn đồ tô theo đường nét chữ ký thật.

Thủ đoạn đồ tô chữ ký qua ánh sáng ngược hay giấy than thường để lại các đặc điểm: Cấu tạo, hình dáng chung giống chữ ký thật; tốc độ ký chậm, nét không trơn; mực ở các đường nét đều nhau, có chỗ dừng bút không tự nhiên; Có nét đôi của nét đồ và nét tô lại, nếu đồ, tô qua giấy than thì có vết bẩn của giấy than trên tài liệu… Có chữ ký bằng Foto, in và cũng có hành vi nhờ ký giả.

Cố ý thay đổi chữ ký của mình:
Là thủ đoạn giả mạo bằng cách ký khác chữ ký của mình có thể một phần hoặc toàn phần chữ ký để nhằm mục đích không thừa nhận chữ ký đó
(Ví dụ: Nhận tiền rồi xong lại bảo là chưa nhận)
Tự tạo ra chữ ký của người khác:
Là thủ đoạn thủ phạm tự sáng tác ra chữ ký của người khác theo ý chủ quan của mình. Trong trường hợp này ta có thể yêu cầu khách hàng ký chữ ký của khách hàng để tìm ra những nét giống nét đã ký giả.

Làm giả chữ ký của người khác:
Là thủ đoạn nhìn chữ ký thật để ký theo. Về dấu hiệu của loại tội phạm này: Tốc độ của chữ ký chậm và không trơn. Nét bắt đầu và nét kết thúc không tự nhiên.

Nhớ lại chữ ký người khác để ký lại:
Dấu hiệu của loại tội phạm này là: Hướng chuyển động khác với chữ ký thật, có nét thừa nét thiếu so với chữ ký thật. Nhiều trường hợp nét bắt đầu và nét kết thúc khác nhau.

Tô qua vết hằn:
Dấu hiệu của loại tội phạm này: Thủ phạm lợi dụng vết hằn sau tài liệu và tô theo vết hằn đó, để ý kỹ ta sẽ thấy có nét đôi ở chữ ký do tô lại, nét mực, nét bẩn của giấy than để lại.

Tóm lại trên thị trường hiện nay hình thành nhiều loại tội phạm, đối tượng của loại tội phạm này rất tinh vi xảo quyệt, chúng không từ bất cứ một hành vi thủ đoạn nào nếu có thể sử dụng được để lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản của DN nhất là các Ngân hàng trong quá trình giao dịch. Để tránh được rủi ro và tổn thất đến tài sản của đơn vị, các nhà Quản trị cần quán triệt tới cán bộ giao dịch khi thực hiện nhiệm vụ cần nêu cao tinh thần trách nhiệm và phải bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ các cán bộ làm công tác giao dịch về kiến thức cơ bản, bản lĩnh phải vững vàng để đáp ứng tốt khi có tình huống xảy ra./.
Luật sư Bùi Quang Thạch
 
Mình thấy còn có thủ đoạn khi viết số tiền để thừa 1 khoảng trống rồi thêm số 0 vào nữa
Dấu hiệu: khoảng cách sau con số lớn hơn các khoảng khác. :D
 
Mình mới học xong khóa đào tạo phân biệt tài liệu thật giả, mình nghĩ ngân hàng nào cũng có tổ chức lơp đào tạo này hết!! Các bạn nào tín dụng và giao dịch viên nên sắm 1 kinh hiển vi loại 130 nghìn kiểu nào cũng phát hiện được.
 
Ở CQ mình cũng thường xuyên có những lớp đào tạo phân biệt giấy tờ thật giả cho CBNV, bên cạnh đó thì còn cần phải được trang bị các thiết bị như kính lúp hoặc máy soi tiền cũng có thể giúp phát hiện giấy tờ thật giả.
 
Back
Bên trên