Mô hình Ngân hàng thực hành

phuong1290

Super Moderator
Super Mod
Theo nhận định và đánh giá của nhiều chuyên gia, mặc dù kinh tế Việt Nam hiện nay đang trong giai đoạn khó khăn, song không vì thế mà nhu cầu nhân lực của ngành tài chính ngân hàng Việt Nam chững lại, đặc biệt là nguồn nhân lực có kinh nghiệm. Thiếu hụt nhất với nhân sự ngành ngân hàng chính là môi trường thực tế.

Mô hình “Ngân hàng thực hành” (School Branch) hiện nay mới chỉ được một số ít các trường Đại học quan tâm áp dụng. Còn với các ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam, khi tiếp nhận nhân viên mới tuyển, bài toán đặt ra là nhân viên mới sau khi được đào tạo lý thuyết sẽ đảm nhận được vị trí công tác mà lãnh đạo giao như thế nào? Có nhanh chóng thích ứng với tình hình thực tế tại chi nhánh hay không?

Sự thiếu hụt môi trường thực hành khiến nhân viên mới thường tỏ ra lúng túng, mất nhiều thời gian thích nghi trong quá trình tác nghiệp. Chính vì thế, một số NHTM Việt Nam đang trăn trở với bài toán mô hình School Branch nhằm tạo môi trường mô phỏng thực tiễn cho học viên để họ có thể vận dụng những kiến thức đã học, rút ngắn thời gian học việc và thích nghi nhanh với công việc thực tế.

Từ School Branch ở Trường Đại học…

Hiện nay, trong hệ thống giáo dục đào tạo có một vài trường Đại học có mô hình Ngân hàng thực hành, như: Đại học kinh tế Tp.HCM, Học viện Ngân hàng,... Mặc dù quy mô, cũng như cơ sơ vật chất có khác nhau, song nhìn chung, các Trường đều đầu tư với các phòng cơ bản, như : phòng Kế toán, phòng Tín dụng, quầy giao dịch,… Quy trình vận hành tương đương với một chi nhánh ngân hàng nhằm giúp cho sinh viên có một cái nhìn thực tế hơn về hoạt động ngân hàng, có cơ hội tiếp cận các phần mềm nghiệp vụ phục vụ cho việc tác nghiệp tại NHTM, nắm được những kỹ năng cơ bản khi ra trường. Tuy nhiên, hạn chế chủ yếu của School Branch tại các Trường đại học là thời gian thực tập của sinh viên ngắn, các tình huống thực tế ít và chưa được cập nhật thường xuyên. Chính vì thế sự cọ sát với thực tế của sinh viên chưa được tương xứng với kỳ vọng.

…tới mô hình ở NHTM

Đối với NHTM, rèn luyện các kỹ năng nghiệp vụ và vận dụng những kiến thức vào thực tiễn đối với nhân sự mới tuyển càng cần được quan tâm hơn nữa, bởi môi trường làm việc tại ngân hàng đòi hỏi cán bộ phải tuân thủ các quy trình nghiệp vụ cũng như có các kỹ năng xử lý nghiệp vụ thành thạo và kỹ năng xử lý các tình huống phát sinh. Trong thời gian vừa qua, một số NHTM Việt Nam đã tích cực triển khai mô hình Ngân hàng thực hành tại các Trung tâm đào tạo của mình nhằm đáp ứng được nhu cầu nâng cao chất lượng đào tạo.

Mô hình School Branch của NHTM thường được thiết kế giống như một điểm giao dịch, bao gồm: khu vực đón khách, bàn làm việc cho giao dịch viên, máy tính, tờ rơi.... thậm chí cả máy ATM. Những mô phỏng này sẽ mang lại cho học viên một môi trường để thực hành các tình huống nghiệp vụ như trong thực tế. Với hàng trăm tình huống thực hành (case studies), chẳng hạn: có khách hàng muốn mở tài khoản, có khách hàng không thể rút tiền từ máy ATM, có khách hàng lại muốn biết thông tin về tỷ giá ngoại tệ, hoặc có khách hàng lúng túng khi phải điền thông tin vào “Giấy yêu cầu chuyển tiền”... dành cho Chuyên viên quan hệ khách hàng, Giao dịch viên đã được xây dựng sẵn để các học viên thực hành xử lý các tình huống khác nhau.

Có nhiều tình huống còn được quay video trực tiếp khi học viên tham gia giao tiếp thực nghiệm. Sau khi kết thúc, giảng viên và học viên cùng thảo luận, phân tích những ưu điểm và mặt chưa được trong từng tình huống để mọi người có thể chia sẻ và đóng góp ý kiến. Cách làm này giúp các học viên hiểu rõ phải xử lý tình huống như thế nào cho sát với thực tiễn.

Ngân hàng thực hành, bên cạnh đào tạo các nghiệp vụ ngân hàng truyền thống như: Giao dịch một cửa; Sản phẩm ngân hàng và bán chéo sản phẩm; Nghiệp vụ: Tài trợ thương mại, Thanh toán quốc tế, Kế toán giao dịch, Bảo lãnh, Tín dụng, Ngân quỹ, Kiểm soát,... còn hướng tới đào tạo thực hành các sản phẩm dịch vụ ứng dụng công nghệ cao, có thể kể tới như : thanh toán điện tử, Internet Banking, Mobi Banking, Ví điện tử,...

Rõ ràng là mô hình School Branch của NHTM là môi trường đào tạo thực tiễn với số liệu tương đối cập nhật, được mô phỏng của một hoặc nhiều chi nhánh qua hệ thống ngân hàng lõi (Core banking); mọi quy trình, văn bản chế độ nghiệp vụ, thậm chí cả các tình huống lỗi phát sinh sẽ được mô phỏng và đáp ứng trong một môi trường thực hành điển hình. Như vậy sẽ giúp cho các học viên phải vận dụng các kiến thức, kỹ năng và sự hiểu biết của họ để phục vụ khách hàng, giới thiệu và tư vấn cho khách hàng về sản phẩm, đồng thời áp dụng được những nguyên tắc cơ bản về dịch vụ khách hàng.

Việc triển khai và đưa vào hoạt động mô hình School Branch tại NHTM hiện nay cho thấy các ngân hàng đang đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng đào tạo cũng như chất lượng dịch vụ của mình. Qua học tập tại Ngân hàng thực hành, học viên có thể nắm bắt những nội dung cơ bản và có khả năng thực hiện hiệu quả các nghiệp vụ thực tế. Bên cạnh đó, qua mỗi nghiệp vụ được nghiên cứu, ứng dụng tại School Branch sẽ được thử nghiệm và đánh giá qua đối tượng học viên và đội ngũ giảng viên, mà trong điều kiện của một chi nhánh ngân hàng sẽ không thực hiện được vai trò vừa nghiên cứu, vừa đào tạo thực hành lại vừa đáp ứng hoạt động kinh doanh./.


Nguyễn Văn Thắng
VietinBank
 
Ngân hàng thực hành trường mình 2 năm mới được vào đấy thực hành 1 lần. lại toàn máy cũ chứ. Phải thay đổi nhiều nữa mới có chất lượng được [-O<
 
Thật buồn vì trường mình chưa đầu tư mô hình này. Nếu cứ tiếp tục đào tạo chay như hiện nay thì sinh viên ra trường sẽ tiếp tục ngơ ngác, nhà tuyển dụng vẫn tiếp tục lắc đầu và sinh viên vẫn tiếp tục khổ.
 

Tin tuyển dụng mới nhất

Thống kê MXH

Tổng số chủ đề
34,577
Số bình luận
528,089
Tổng số thành viên
351,605
Thành viên mới nhất
Dương bkstaff
Back
Bên trên