HOT Hai vợ chồng cùng vay Ngân hàng, khi quá hạn vợ bỏ trốn không hợp tác xử lý tài sản thì làm thế nào?

Thưa luật sư, Khách hàng vay vốn tháng 1 năm 2014, giải ngân 1 tỷ đồng, thế chấp bằng đất được định giá 1,5 tỷ. Đất do 2 vợ chồng khách hàng đứng tên và đã đi đăng ký thế chấp đầy đủ (có 2 vợ chồng ký tên điểm chỉ). Người vợ đứng tên vay. Tháng1/2015 khách hàng không trả được nợ do làm ăn thua lỗ, khách hàng đề nghị gia hạn nợ và được ngân hàng đồng ý.

Tháng 2/2015 người vợ đi du lịch tại Mỹ và trốn ở Mỹ đến nay không về (có xác nhận của Xuất nhập cảnh). Món nợ này đến nay đã chuyển nợ quá hạn. Hồ sơ giấy tờ về món vay đầy đủ, đúng pháp luật và quy định của ngân hàng. Kính mong luật sư tư vấn:
  • Trường hợp không kiện ra tòa: Người chồng đơn phương ly hôn thì phần tài sản đang cầm cố tại ngân hàng được xử lý như thế nào, món nợ này có quy về cho người chồng trả nếu phân hết tài sản cho người chồng được không?
  • Người chồng có ký trên hợp đồng thế chấp có trách nhiệm gì với món vay của người vợ không? Nếu ngân hàng kiện ra tòa có được tòa thụ lý và xử vắng mặt người vợ không, thắng kiện có xử lý được tài sản để thu nợ không?
Rất mong nhận được sự hồi âm.Trân trọng kính chào./.

Và dưới đây là trả lời tư vấn của Văn phòng luật sư Minh Khuê, các bạn tham khảo:

Trả lời:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tới thư mục tư vấn của công ty chúng tôi, với câu hỏi của bạn chúng tôi xin trả lời như sau:

I. Căn cứ pháp lý:
  • Bộ luật dân sự số 33/2005/QH11
  • Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015
  • Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014
II. Nội dung phân tích:

1. Trường hợp không kiện ra tòa: Người chồng đơn phương ly hôn thì phần tài sản đang cầm cố tại ngân hàng được xử lý như thế nào, món nợ này có quy về cho người chồng trả nếu phân hết tài sản cho người chồng được không?

Nếu việc người vợ đứng tên vay vốn ngân hàng nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình thì vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm về giao dịch đó, trừ trường hợp vợ chồng bạn và ngân hàng đó có thỏa thuận khác. Điều 30 và điều 37 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định:

"Điều 30. Quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng trong việc đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình

1. Vợ, chồng có quyền, nghĩa vụ thực hiện giao dịch nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình.

2. Trong trường hợp vợ chồng không có tài sản chung hoặc tài sản chung không đủ để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình thì vợ, chồng có nghĩa vụ đóng góp tài sản riêng theo khả năng kinh tế của mỗi bên."

"Điều 37. Nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng

Vợ chồng có các nghĩa vụ chung về tài sản sau đây:

1. Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà theo quy định của pháp luật vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm;

2. Nghĩa vụ do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình;

3. Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung;

4. Nghĩa vụ phát sinh từ việc sử dụng tài sản riêng để duy trì, phát triển khối tài sản chung hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình;

5. Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do con gây ra mà theo quy định của Bộ luật dân sự thì cha mẹ phải bồi thường;

6. Nghĩa vụ khác theo quy định của các luật có liên quan"

Như vậy, theo quy định thì người vợ thực hiện giao dịch nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình thì người chồng cũng phải cùng chịu trách nhiệm về giao dịch đó, trừ trường hợp vợ chồng người đó và ngân hàng đó có thỏa thuận khác.

Bên cạnh đó, theo Điều 27 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định trách nhiệm liên đới của vợ, chồng đối với giao dịch do một bên thực hiện:
"Điều 27. Trách nhiệm liên đới của vợ, chồng

1. Vợ, chồng chịu trách nhiệm liên đới đối với giao dịch do một bên thực hiện quy định tại khoản 1 Điều 30 hoặc giao dịch khác phù hợp với quy định về đại diện tại các điều 24, 25 và 26 của Luật này.
2. Vợ, chồng chịu trách nhiệm liên đới về các nghĩa vụ quy định tại Điều 37 của Luật này."

Vì là nghĩa vụ liên đới nên kể cả khi ly hôn thì hai vợ chồng vẫn phải thanh toán khoản nợ này như nghĩa vụ chung. Bên cạnh đó, các khoản nợ, mặc dù đứng tên một người nhưng vẫn thuộc nghĩa vụ chung của cả hai vợ chồng theo quy định về nghĩa vụ tài sản chung vợ chồng. Vì vậy, trường hợp này ngân hàng có quyền yêu cầu cả người chồng thực hiện nghĩa vụ liên đới của hai vợ chồng. Do đó, khi người chồng đơn phương ly hôn thì phần tài sản đang cầm cố tại ngân hàng được xử lý chia theo nguyên tắc quy định tại Điều 59 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014:
"Điều 59. Nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn

1. Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định thì việc giải quyết tài sản do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc của hai vợ chồng, Tòa án giải quyết theo quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này.

Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận thì việc giải quyết tài sản khi ly hôn được áp dụng theo thỏa thuận đó; nếu thỏa thuận không đầy đủ, rõ ràng thì áp dụng quy định tương ứng tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này để giải quyết.

2. Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:

a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;
b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;
c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;
d) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.

3. Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật, nếu không chia được bằng hiện vật thì chia theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần chênh lệch.

4. Tài sản riêng của vợ, chồng thuộc quyền sở hữu của người đó, trừ trường hợp tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung theo quy định của Luật này.
Trong trường hợp có sự sáp nhập, trộn lẫn giữa tài sản riêng với tài sản chung mà vợ, chồng có yêu cầu về chia tài sản thì được thanh toán phần giá trị tài sản của mình đóng góp vào khối tài sản đó, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác.

5. Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

6. Tòa án nhân dân tối cao chủ trì phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp hướng dẫn Điều này."

Dựa vào quy định trên thì người chồng sẽ phải thanh toán khoản nợ này trong phạm vi tài sản được chia.

2. Người chồng có ký trên hợp đồng thế chấp có trách nhiệm gì với món vay của người vợ không? Nếu ngân hàng kiện ra tòa có được tòa thụ lý và xử vắng mặt người vợ không, thắng kiện có xử lý được tài sản để thu nợ không?
Thứ nhất, trách nhiệm của người chồng:

Đất do 2 vợ chồng khách hàng đứng tên và đã đi đăng ký thế chấp đầy đủ (có 2 vợ chồng ký tên điểm chỉ), tức là khi vợ vay tiền ngân hàng có thế chấp, người chồng có ký trên hợp đồng thế chấp thì tài sản thế chấp là tài sản chung của vợ chồng. Theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, đối với các giao dịch liên quan đến tài sản chung của vợ chồng thì trong hợp đồng (hoặc hình thức khác thể hiện giao dịch) phải có chữ ký của cả vợ và chồng, hoặc một người có thể ủy quyền cho người còn lại trong việc đưa tài sản chung tham gia giao dịch dân sự.

Luật Hôn nhân và gia đình cũng quy định trường hợp, vợ hoặc chồng vay tiền với mục đích phục vụ cuộc sống gia đình, thì dù người còn lại biết hay không biết, việc thực hiện nghĩa vụ trả nợ cũng luôn thuộc về cả hai vợ chồng.

Trong trường hợp của bạn, giao dịch bảo đảm có chữ ký của cả vợ và chồng đã cho thấy tài sản thế chấp là tài sản chung của vợ chồng, có sự đồng thuận của cả vợ và chồng trong việc vay tiền của ngân hàng và thế chấp tài sản. Do đó, cả hai vợ chồng đều có nghĩa vụ thực hiện trả nợ cho ngân hàng. Ngay cả khi ly hôn, nghĩa vụ trả nợ cũng vẫn thuộc về vợ và chồng. Khi ly hôn, trong quá trình phân chia tài sản chung, nghĩa vụ trả nợ chung cũng được phân chia.

Tuy nhiên, vợ chồng có quyền thỏa thuận về việc phân chia nghĩa vụ trả nợ ngân hàng, có thể chia đôi hoặc không chia đôi, hoặc một bên nhận trả toàn bộ số nợ thay cho bên kia. Pháp luật hoàn toàn tôn trọng sự thỏa thuận của các bên đương sự, tuy nhiên, việc thỏa thuận về nghĩa vụ trả nợ ngân hàng của vợ chồng khi ly hôn có ảnh hưởng đến quyền lợi của ngân hàng, nên nếu như thỏa thuận của vợ chồng mà không đảm bảo được quyền lợi của ngân hàng thì thỏa thuận sẽ không được Tòa án chấp nhận. Do đó, khi phân chia nghĩa vụ trả nợ, các bên cũng vẫn phải đảm bảo quyền lợi của bên có quyền - ngân hàng, chủ nợ.

Thứ hai, về việc ngân hàng kiện ra tòa có được tòa thụ lý và xử vắng mặt người vợ:

Điều 228 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định về sự có mặt của đương sự như sau:

"Điều 227. Sự có mặt của đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự

1. Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ nhất, đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt tại phiên tòa; nếu có người vắng mặt thì Hội đồng xét xử phải hoãn phiên tòa, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.
Tòa án phải thông báo cho đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự về việc hoãn phiên tòa.

2. Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai, đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt tại phiên tòa, trừ trường hợp họ có đơn đề nghị xét xử vắng mặt; nếu vắng mặt vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì Tòa án có thể hoãn phiên tòa, nếu không vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì xử lý như sau:

a) Nguyên đơn vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ việc khởi kiện và Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án đối với yêu cầu khởi kiện của người đó, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Nguyên đơn có quyền khởi kiện lại theo quy định của pháp luật;

b) Bị đơn không có yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có yêu cầu độc lập vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì Tòa án tiến hành xét xử vắng mặt họ;

c) Bị đơn có yêu cầu phản tố vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ yêu cầu phản tố và Tòa án quyết định đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu phản tố, trừ trường hợp bị đơn có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Bị đơn có quyền khởi kiện lại đối với yêu cầu phản tố đó theo quy định của pháp luật;

d) Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ yêu cầu độc lập và Tòa án quyết định đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu độc lập của người đó, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập có quyền khởi kiện lại đối với yêu cầu độc lập đó theo quy định của pháp luật;
đ) Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự vắng mặt thì Tòa án vẫn tiến hành xét xử vắng mặt họ."

Theo quy định trên thì khi ngân hàng kiện ra tòa sau thi thực hiện đúng thủ tục theo quy định thì Tòa án vẫn tiến hành thụ lý và xét xử kể cả khi vắng mặt người vợ theo Điều 228 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015:

"Điều 228. Xét xử trong trường hợp đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích của đương sự vắng mặt tại phiên tòa
Tòa án vẫn tiến hành xét xử vụ án trong các trường hợp sau đây:
1. Nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và người đại diện của họ vắng mặt tại phiên tòa có đơn đề nghị Tòa án xét xử vắng mặt;
2. Nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt tại phiên tòa nhưng có người đại diện tham gia phiên tòa;
3. Các trường hợp quy định tại các điểm b, c, d và đ khoản 2 Điều 227 của Bộ luật này."

Về việc xử lý tài sản khi ngân hàng thắng kiện: Tài sản này là tài sản thế chấp và sẽ được xử lý tài sản thế chấp theo quy định của pháp luật dân sự và thi hành án dân sự.

Nguồn: Xử lý trường hợp vợ chồng đứng ra nợ ngân hàng quá hạn nhưng vợ bỏ trốn ?
 

Tin tuyển dụng mới nhất

Thống kê MXH

Tổng số chủ đề
34,575
Số bình luận
528,080
Tổng số thành viên
351,404
Thành viên mới nhất
angelwitchmerch
Back
Bên trên