HOT Điểm mới của Bộ Luật Dân sự 2015 liên quan đến hoạt động Ngân hàng

Bộ luật dân sự (BLDS) năm 2015 đã được Chủ tịch nước công bố theo Lệnh số 20/2015/L-CTN, ngày 08/12/2015 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2017 thay thế cho BLDS năm 2005. BLDS năm 2015 là đạo luật cơ bản của hệ thống pháp luật khi điều chỉnh các quan hệ dân sự được hình thành trên cơ sở bình đẳng, tự do ý chí, độc lập về tài sản và tự chịu trách nhiệm của các bên khi tham gia quan hệ.
Trong điều kiện nền kinh tế thị trường luôn biến đổi hằng ngày, hàng giờ thì việc sửa đổi, điều chỉnh luật phù hợp với các quan hệ dân sự, các quan hệ kinh tế là điều bắt buộc và cần thiết trong các quan hệ giao dịch, mặc dù các lĩnh vực hoạt động trong đời sống xã hội nói chung và “đời sống” kinh tế nói riêng đều có luật chuyên ngành điều chỉnh, tuy nhiên, BLDS luôn có vai trò và vị trí quan trọng và là trung tâm thể hiện rõ chức năng của một đạo luật gốc. Toàn bộ nội dung của BLDS năm 2015 được chia thành 6 phần, 27 chương và 689 Điều và để góp phần phổ biến các nội dung cơ bản của BLDS 2015, chúng tôi xin chia sẻ và giới thiệu một số nội dung thay đổi đối với các nội dung liên quan đến hoạt động ngân hàng trong nghiệp vụ giao dịch bảo đảm với mong muốn các ngân hàng vận dụng hợp lý trong quá trình hoạt động kinh doanh, đảm bảo tuân thủ quy định.

Sự ra đời của giao dịch bảo đảm

Giao dịch bảo đảm là quy định được ra đời từ lâu tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới và ở Việt Nam, trước kia giao dịch bảo đảm được nhìn nhận chủ yếu dưới giác độ là biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong quan hệ hợp đồng. Chỉ đến khi Nghị định số 08/2000/NĐ-CP, ngày 10/3/2000 của Chính phủ về đăng ký giao dịch bảo đảm ra đời, giao dịch bảo đảm lần đầu tiên được biết đến dưới giác độ là đối tượng của hoạt động đăng ký với ý nghĩa công khai đối với tài sản bảo đảm. Sau này khi BLDS ra đời thì giao dịch bảo đảm mới chiếm một vị đặc biệt quan trọng và được áp dụng rộng rãi hơn, thể hiện rõ quyền và trách nhiệm của các bên khi tham gia giao dịch. Việc quy định giao dịch bảo đảm đã tạo ra hành lang pháp lý tương đối an toàn cho hoạt động cấp tín dụng trong hoạt động của các ngân hàng góp phần lớn vào sự ổn định trong các mối quan hệ dân sự, kinh tế và tránh được các tranh chấp phát sinh từ việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các nghĩa vụ dân sự.
Việc xác lập các giao dịch bảo đảm luôn hướng tới mục tiêu bảo vệ quyền lợi của các bên tham gia trong giao dịch, đặc biệt là quyền lợi của bên có quyền mà thực tế ở đây là hoạt động của các ngân hàng. Nếu vận dụng đúng, vận dụng đủ thì hoạt động của các ngân hàng nói chung và nghiệp vụ cho vay nói riêng sẽ đảm bảo an toàn và hiệu quả.

Những điểm mới về giao dịch bảo đảm

BLDS cũ năm 2005 quy định 7 biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự, gồm: cầm cố tài sản, thế chấp tài sản, đặt cọc, ký cược, ký quỹ, bảo lãnh và tín chấp thì đến BLDS năm 2015 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017 vẫn quy định các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự như BLDS 2005 nhưng thêm hai biện pháp bảo đảm mới đó là “cầm cố tài sản tại Điều 346” và “bảo lưu quyền sở hữu tại Điều 331”, với việc quy định như thế, chúng ta có thấy rằng, BLDS 2015 đã tăng cường quyền tự do, tự nguyện cam kết, thoả thuận, tự chịu trách nhiệm của các bên tham gia giao dịch bảo đảm hơn, đồng thời đã đơn giản hóa thủ tục giao kết, thực hiện hợp đồng bảo đảm.

1. Điều 184 BLDS năm 2015: “Người chiếm hữu được suy đoán là ngay tình; người nào cho rằng người chiếm hữu không ngay tình thì phải chứng minh; Trường hợp có tranh chấp về quyền đối với tài sản thì người chiếm hữu được suy đoán là người có quyền đó. Người có tranh chấp với người chiếm hữu phải chứng minh về việc người chiếm hữu không có quyền”.
Về nguyên tắc chủ thể nào đang nắm giữ trực tiếp tài sản thì được suy đoán là chủ thể có quyền đối với tài sản được nắm giữ. Việc xác định như thế sẽ rất thuận lợi cho ngân hàng, đặc biệt là quyền thanh toán theo thứ tự xác lập hiệu lực đối kháng với người thứ ba trong trường hợp một tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ, bên cạnh đó, người chiếm hữu không phải có nghĩa vụ chứng minh mình ngay tình mà việc chứng minh ngay tình là do người khác chứng minh.

400x300.jpg


2. Điều 294 BLDS 2015:
“Trường hợp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong tương lai, các bên có quyền thỏa thuận cụ thể về phạm vi nghĩa vụ được bảo đảm và thời hạn thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; khi nghĩa vụ trong tương lai được hình thành, các bên không phải xác lập lại biện pháp bảo đảm đối với nghĩa vụ đó”.

Việc quy định các nội dung trong việc bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong tương lai như nói trên đã cho phép các bên chỉ cần tiến hành thoả thuận, giao kết một lần về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ hình thành trong tương lai. Khi nghĩa vụ trong tương lai được hình thành, các bên không phải xác lập lại biện pháp bảo đảm đối với nghĩa vụ đó, bao gồm cả việc ký kết lại hợp đồng bảo đảm, công chứng cũng như đăng ký biện pháp bảo đảm. Đây được coi là một trong những quy định rất mở của BLDS năm 2015 so với BLDS năm 2005 vì thông thường khi nghĩa vụ hình thành trong tương được hình thành các bên đều phải tiến hành ký lại hợp đồng bảo đảm tiến hành công chứng, chứng thực và đăng ký lại giao dịch bảo đảm. Quy định này còn giảm bớt thủ tục, tạo thuận lợi cho các ngân hàng trong quá trình đăng ký giao dịch bảo đảm tiết kiệm chi phí.

3. Điều 325 BLDS năm 2015 đã quy định: “Trường hợp thế chấp quyền sử dụng đất mà không thế chấp tài sản gắn liền với đất và người sử dụng đất đồng thời là chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thì tài sản được xử lý bao gồm cả tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”

4. Điều 326 BLDS năm 2015 quy định: “Trường hợp chỉ thế chấp tài sản gắn liền với đất mà không thế chấp quyền sử dụng đất và chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất đồng thời là người sử dụng đất thì tài sản được xử lý bao gồm cả quyền sử dụng đất, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”.
Việc quy định tại Điều 325 và Điều 326 nói trên được xem là giải pháp quan trọng và hoàn toàn mới của BLDS 2015 so với BLDS năm 2005. Quy định này đã phần nào tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các ngân hàng khi xử lý tài sản bảo đảm thu hồi nợ từ khách hàng, khi xử lý tài sản bảo đảm ngân hàng có quyền xử lý quyền sử dụng đất thì hoàn toàn được quyền xử lý cả tài sản gắn liền với đất và ngược lại nếu như không có thỏa thuận. Do vậy, để việc xử lý thuận lợi, đúng quy định, chúng tôi lưu ý các ngân hàng khi ký Hợp đồng thế chấp không nhất thiết phải thỏa thuận cách thức xử lý vì khi không thỏa thuận cụ thể ngân hàng được quyền xử lý cả quyền sử dụng đất lẫn tài sản gắn liền với đất mà không vi phạm quy định của pháp luật.

5. Điều 331 BLDS 2015: “Trong hợp đồng mua bán, quyền sở hữu tài sản có thể được bên bán bảo lưu cho đến khi nghĩa vụ thanh toán được thực hiện đầy đủ; Bảo lưu quyền sở hữu phải được lập thành văn bản riêng hoặc được ghi trong hợp đồng mua bán; bảo lưu quyền sở hữu phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm đăng ký”.

Quy định này làm cho việc thanh toán mua trả chậm được đảm bảo, bên bán chưa chấm dứt hết quyền sở hữu của mình đối với tài sản và vẫn còn quyền đối với người mua. Nếu so với BLDS năm 2005 thì việc bảo lưu quyền sở hữu được coi là một sự thỏa thuận trong Hợp đồng mua trả chậm, trả dần. Tuy nhiên, đến BLDS năm 2015 thì bảo lưu quyền sở hữu đã được đưa vào là một trong các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Đây được coi là bước tiến lớn trong nội dung của BLDS 2015 và các ngân hàng lưu ý khi thực hiện biện pháp bảo đảm này cần đăng ký biện pháp bảo lưu quyền sở hữu.

6. Điều 346 BLDS 2015: “Cầm giữ tài sản là việc bên có quyền (sau đây gọi là bên cầm giữ) đang nắm giữ hợp pháp tài sản là đối tượng của hợp đồng song vụ được chiếm giữ tài sản trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ”.

Về bản chất biện pháp cầm giữ tài sản là chiếm giữ tài sản để bên có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ. Người chiếm giữ tài sản có quyền chiếm giữ tài sản của bên có nghĩa vụ nhưng không được làm mất, làm hư hỏng, không được sử dụng nếu không có sự đồng ý của bên có tài sản.

7. Đối với việc cầm cố, thế chấp: Về cơ bản không có thay đổi gì nhiều so với BLDS 2005, tuy nhiên, BLDS 2015 đã quy định rõ hơn, cụ thể hơn như bên cầm cố, bên thế chấp có quyền bán, có quyền trao đổi, có quyền tặng cho, có quyền thay thế tài sản cầm cố, thế chấp nếu có thỏa thuận với bên nhận cầm cố, nhận thế chấp hoặc tài sản cầm cố, thế chấp là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất kinh doanh hoặc thuộc trường hợp khác theo quy định của luật. Trường hợp tài sản cầm cố, thế chấp được bán, trao đổi, tặng cho, thay thế thì bên mua, bên nhận trao đổi, bên nhận tặng cho tài sản có nghĩa vụ phải giao tài sản theo yêu cầu của bên nhận cầm cố, bên nhận thế chấp.

Sưu tầm
 

Tin tuyển dụng mới nhất

Thống kê MXH

Tổng số chủ đề
34,575
Số bình luận
528,080
Tổng số thành viên
351,407
Thành viên mới nhất
Jettwings
Back
Bên trên