Dịch vụ “Khách hàng bí ẩn” ở Ngân hàng thương mại

cocghe266

Administrator
Dịch vụ “Khách hàng bí ẩn” là gì?

Dịch vụ Khách hàng bí ẩn/ Khách hàng bí mật (Mystery Shopping) là một chương trình kiểm soát chất lượng phục vụ, kỹ năng bán hàng, cách thức người nhân viên trò chuyện với khách trực tiếp và qua điện thoại, đồng thời cũng là công cụ trợ giúp đắc lực trong việc đánh giá chất lượng sản phẩm, không gian giao dịch của Ngân hàng thương mại (NHTM) nhằm tăng hiệu quả kinh doanh. Đây là hoạt động nghiên cứu thị trường bằng cách cử những khách hàng bí mật trà trộn trong số khách hàng thực sự đến các quầy giao dịch, quỹ tiết kiệm hoặc văn phòng của NHTM để tìm hiểu trực tiếp.

Dịch vụ này bao gồm sự đánh giá khách quan thông qua các tiêu chí đã được xây dựng với các thang điểm cụ thể. Chính vì thế Mystery Shopping luôn được những người làm công tác marketing và quản lý nhân sự coi là một công cụ trợ giúp đắc lực trong việc đánh giá chất lượng nguồn nhân lực, đánh giá chỉ số cạnh tranh, giám sát chất lượng dịch vụ, tổ chức điểm giao dịch và rất nhiều yếu tố khác trong kinh doanh.

Mystery Shopping mang lại lợi ích gì?

Không như những nghiên cứu khảo sát thông thường, kết quả của dịch vụ “khách hàng bí ẩn” được xem là khá khách quan. Kết quả này được tổng hợp thành những báo cáo cụ thể với nhiều lợi ích:

- Giúp nhà quản lý đánh giá trong nội bộ NHTM về tính tự giác, tính trung thực; điểm yếu trong giao tiếp, điểm yếu trong kiến thức chuyên môn và mức độ nhiệt tình của nhân viên đối với các chủ trương của ngân hàng đề ra;

- Đo lường hiệu suất thực hiện các chương trình PR, quảng cáo, khuyến mại… tại các điểm giao dịch;

- Cập nhật thông tin của đối thủ (những thông tin chung, thông tin về các sự kiện hoặc chương trình khuyến mại của ngân hàng đối thủ);

- Tạo cho nhân viên tính cẩn thận và phải chăm sóc khách hàng tốt hơn khi họ tiếp xúc giao dịch.

Những thông tin từ Mystery Shopping là những bằng chứng hữu ích để phục vụ công tác quản lý nhân sự và đào tạo nguồn nhân lực tại ngân hàng

NHTM Việt Nam thực hiện như thế nào?

Mystery Shopping là một dịch vụ mới mẻ ở Việt Nam. Một số NHTM Việt Nam đã bắt đầu sử dụng Mystery Shopping, có NHTM cử cán bộ của mình đóng vai “khách hàng bí ẩn”, nhưng cũng có NHTM thuê ngoài (Outsoursing). Các công ty thực hiện dịch vụ này có đội ngũ nhân viên được huấn luyện chuyên để đóng làm khách hàng có nhu cầu sử dụng các sản phẩm dịch vụ của ngân hàng, bảo đảm tính khách quan hơn.

Các nhân viên đóng làm “khách hàng bí ẩn” đòi hỏi phải tiến hành giao dịch thật về sản phẩm dịch vụ nào đó, có khả năng diễn xuất và xử lý tình huống tốt. Những giao dịch đánh giá phải đảm bảo tính bí mật tuyệt đối, tức là nhân viên ngân hàng không bao giờ biết được vị khách này đang đánh giá mình. Mọi giao dịch đánh giá nếu bị nhân viên ngân hàng phát hiện đều phải hủy bỏ và thay thế bằng một khách hàng đánh giá mới với kịch bản hoàn toàn khác.

Trên cơ sở những kịch bản đã xây dựng sẵn, nhóm “khách hàng bí ẩn” sẽ tiến hành khảo sát một loạt tiêu chí, qua số mẫu gồm: X giao dịch viên và Y nhân viên tư vấn tín dụng, tại N chi nhánh của NHTM (hoặc thêm một vài chi nhánh của ngân hàng đối thủ). Các tiêu chí, số lượng mẫu đều tùy thuộc vào sự “đặt hàng” của các NHTM tại từng thời điểm cụ thể. Nhưng về cơ bản, các NHTM thường quan tâm tới một số mảng chính như: đánh giá thái độ và cách phục vụ của nhân viên ngân hàng; Đánh giá trình độ hiểu biết, tư vấn của nhân viên ngân hàng và đánh giá không gian bên trong, bên ngoài NHTM.

Ngoài ra, Mystery Shopping cũng chia ra làm 2 nhóm đối tượng là khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp. Theo đó, ở vai “khách hàng cá nhân bí ẩn” sẽ đến giao dịch tại một phòng giao dịch nào đó mà NHTM đã thỏa thuận với công ty dịch vụ. Các kịch bản được xây dựng tương đối đa dạng. Chẳng hạn như tiến hành mở tài khoản và nhờ tư vấn các gói tiền gửi (chưa đề cập số tiền định gửi, thời hạn định gửi, thời gian cần rút tiền ra); hoặc yêu cầu nhân viên tư vấn về các gói tiết kiệm và gửi tiền tiết kiệm; tiến hành yêu cầu rút tiền tiết kiệm,.v.v.

Ở vai “khách hàng doanh nghiệp bí ẩn”, những nhân viên đóng vai sử dụng một số kịch bản như: có nhu cầu tư vấn gói cho vay và thủ tục cho vay; hoặc đóng vai khách hàng hỏi về gói vay, có nhu cầu gấp song thiếu vài báo cáo tài chính để xem người nhân viên tín dụng xử lý các tình huống này như thế nào,...

Đối với không gian bên trong, Mystery Shopping tập trung vào các yếu tố như: sạch sẽ, gọn gàng, thoáng mát. Ngoài ra, một số các NHTM cũng yêu cầu đánh giá bổ sung thêm về nhân viên bảo vệ, thái độ bảo vệ và bãi giữ xe được tổ chức ra sao,...

Tất cả những báo cáo của các nhân viên trong vai “khách hàng bí ẩn” đều được ghi chép cẩn thận dựa trên khả năng quan sát, kết hợp với những đoạn ghi âm, chụp ảnh hay video có thể đối chứng. Sau đó kết quả sẽ được tổng hợp, so sánh và phân tích bằng những phần mềm thống kê chuyên biệt để đưa ra các tiêu chí đánh giá, phân loại nhân viên, phân loại phòng giao dịch… từ đó có những báo cáo nhận định cụ thể và hướng phát triển trong giai đoạn tiếp theo gửi về cho Lãnh đạo Chi nhánh, các Phòng, Ban liên quan tại Trụ sở chính.

Mystery Shopping có ảnh hưởng tới người lao động không?

Khi triển khai công cụ “Mystery Shopping” cũng có nhiều ý kiến tỏ ra quan ngại liệu “Mystery Shopping” có làm ảnh hưởng tới công việc hay gây tổn thương tới các cán bộ nhân viên, người lao động hay không?

Theo một số khảo sát của các tổ chức dịch vụ Mystery Shopping, thì đây không phải là công cụ để “săm soi” mà là công cụ thân thiện của doanh nghiệp để xác định với cán bộ nhân viên rằng họ luôn bị kiểm tra và đánh giá bất cứ lúc nào, chính vì vậy mà thúc đẩy các cán bộ nhân viên luôn nỗ lực phấn đấu.

Với những nhân viên mới tuyển, chưa có nhiều kinh nghiệm thì việc phát hiện ra những nhược điểm để người nhân viên nhận thức và thay đổi, hoàn thiện mình là một điều có lợi cho cả doanh nghiệp và chính bản thân người nhân viên mới. Còn với những cán bộ nhân viên có năng lực thì việc phát hiện ra những ưu điểm để ghi nhận, khen thưởng sẽ làm người lao động gắn kết bền chặt hơn với doanh nghiệp nói chung, NHTM nói riêng./.


Nguyễn Văn Thắng
VietinBank
 
đang mong chờ tin Ngân hàng XYZ tuyển dụng vị trí "Khách hàng bí mật" :))
 
Ở Việt Nam, cái này có nhưng nói thật, đa số là "cùi bắp".

Ngay cả trong nội bộ ngân hàng giả làm khách hàng bí mật, cũng đánh giá theo cảm tính là nhiều, không đánh giá hết toàn diện được thực sự.

Những công ty ngoài kí kết làm khách hàng bí mật, thì có những người đóng vai khách hàng bí mật là những kẻ rất ngô nghê và gà mờ. Có khi chỉ là Sinh viên làm Cộng tác viên!

Thực tế đã tiếp xúc "cái đám khách hàng bí mật gà mờ", tức không chịu nổi!

Không đánh đồng tất cả, mà chỉ muốn nói ra để đòi hỏi 1 công ty thực sự chuyên nghiệp, công tâm, đánh giá chính xác thông qua phép thử không chỉ 1 lần!

Thanks!
 
Ở NH mình cũng có làm, thấy chả công bằng gì cả. 1 mớ tiêu chí như đám bùi nhùi.
 
Cái vụ nì thì nên làm với tiêu chí là xây dựng ngày càng tốt hơn, chứ không phải "vạch lá tìm sâu", và cần thời gian dài mới có thể xây dựng được thành nét văn hóa

- - - Updated - - -

Thánh kìu pác đã up bài viết
 
Chương trình này mình thấy hay, nhưng cần biết thực hiện đúng cách và duy trì được. Trước đây NH mình có chương trình này, nó cũng giúp "đánh thức" nhân viên những điểm "ngủ quên", tuy nhiên mình ko nắm được vì sao chương trình lại dừng, có lẽ do cách làm chưa đúng làm cho pàkon hoang mang hay gì đó...
Mình thấy có lẽ nên sử dụng chương trình này theo đúng như cách bạn tonglk nói, là dùng chương trình tìm ra GAP của ngân hàng, từ đó đưa ra các chương trình hành động chung chứ ko nên làm theo kiểu "vạch lá tìm sâu" và đổ vào "đầu tằm" ngay lập tức, thì chương trình mới có tác dụng thật sự đối với việc cải tiến thái độ làm việc và chất lượng dịch vụ khách hàng.
 
Làm được chuyên nghiệp vai trò của khách hàng bí mật thì kết quả đánh giá mới khách quan được :)
 
Muốn làm đươc chuyên nghiệp vai trò KH này chắc phải qua sân khấu điện ảnh tuyển vài diễn viên vể diễn
 

Tin tuyển dụng mới nhất

Thống kê MXH

Tổng số chủ đề
34,577
Số bình luận
528,089
Tổng số thành viên
351,605
Thành viên mới nhất
Dương bkstaff
Back
Bên trên