Đi làm thì muộn, sếp vắng mặt thì 'chuồn' về sớm...Nhảy việc cũng không làm bạn khá lên đâu!

The Banker

Super Moderator
Super Mod
Có những ngày trời không nắng không mưa, khí trời không nóng không lạnh, nhưng tôi lại chỉ muốn vùi mình trong chăn đến tận 7h30 mà chưa muốn thức dậy để chuẩn bị đi làm. Thật ra, không phải tôi lười đi làm mà là tôi đang chán việc.

Này bạn, thử nói xem bạn có từng như vậy chưa?

Thật ra, cảm giác chán việc là một cảm giác thường xuyên và phổ biến. Nó xảy ra với bất cứ ai, bất cứ khi nào. Và thường dễ thấy, khi cảm giác chán việc ập đến, người ta thường nghĩ đến chuyện tìm một công việc mới.

Vậy có nên hay không thay đổi công việc khi thấy chán công việc hiện tại?

Một cuộc khảo sát nhỏ của tôi cho thấy, có đến 5/10 người khi nói chán việc họ thường không biết rõ lí do tại sao mình chán. Thật đấy, hôm nào rảnh rảnh thấy đứa nào đi làm mà mặt mày rũ rượi, miệng mồm than chán, hãy hỏi nó tại sao chán đi.

Tôi cam đoan 80% bạn sẽ nhận được câu trả lời là "Không biết, tự nhiên chán thôi!", "Chán sếp!", " Làm nhiều quá nên chán", "Lương không đủ mua bánh rán nên chán"... Mỗi thứ một ít, có hàng tá lý do, nhưng bạn thấy đấy, đâu có lý do nào rõ ràng.

Vậy nên, trước khi trả lời câu hỏi có nên nhảy việc khi chán không, bạn phải hiểu rõ nguyên nhân gây chán việc của mình trước đã. Vấn đề này cần nghiêm túc chút, cá nhân tôi không nói tới nguyên nhân bề mặt đâu, tôi muốn nói đến chuyện cái gì thật sự, thật sự làm bạn chán việc.

Theo Motivation Monday, bạn nên liệt kê các nguyên nhân gây chán và đặt các tình huống giả định để bóc tách vấn đề.

stressed-and-tired-man-suffering-from-hypothyroidism-asleep-at-desk-at-work-15259188779121678470088-1525918915575581702152.png

Nếu bạn chán việc vì lương thấp, vậy nếu sếp tăng lương cho bạn 30% sau 6 tháng thì sao? Bạn có thấy phấn chấn hơn không? Nếu có thì vấn đề có thể nằm ở việc lương.

Nhưng khoan, bạn cần giả định tiếp trong những trường hợp nào thì dù lương tăng 30% sau 6 tháng bạn vẫn sẽ cảm thấy chán? Hoặc lương dù tăng ít nhưng điều gì khác làm bạn hạnh phúc hơn trong công việc?.

Việc tự đặt câu hỏi và tìm kiếm câu trả lời cho bản thân sẽ giúp bạn hiểu bản thân mình muốn gì hơn, cởi bỏ những suy nghĩ chồng chéo giúp bạn bình tĩnh và sáng suốt hơn trước khi đưa ra bất kì một quyết định nào.

Như tôi đã nói, chán việc là "hội chứng" thường xuyên và dễ gặp phải ở người lao động, ai cũng có thể chán việc (sếp của bạn thỉnh thoảng cũng chán như bạn thôi). Nhưng, thật ra chỉ có 39% người lao động thật sự không hạnh phúc trong công việc, họ chán thường xuyên và kéo dài. Đây mới thật sự là top nguy hiểm và cần xem xét đến quyết định nhảy việc nhất.

Cảm giác chán việc trong chúng ta đến khi cả ba đường sinh học sức khỏe, tình cảm và trí tuệ xuống thấp, nhưng phần lớn đây là cảm giác nhất thời. Do đó, bạn cần phải hiểu bản thân mình, hiểu nguồn cơn việc chán và tùy vào trường hợp để đưa ra quyết định có nên nghỉ việc hay không.

tired-working-1800-15259188986962051688126.jpg

Thỉnh thoảng tôi cảm thấy chán việc khi đề xuất một vấn đề gì đó mà không nhận được sự ủng hộ của sếp.

Thỉnh thoảng tôi cảm thấy chán việc khi không bắt được nhịp "sinh học", "tâm linh học" và "thần kinh học" với đồng nghiệp.

Thỉnh thoảng tôi cảm thấy chán việc khi rơi vào tình trạng "rỗng túi" vào cuối tháng.
Thỉnh thoảng tôi cảm thấy chán việc khi bất đồng quan điểm với cả thế giới.

Nhưng trước khi đưa ra bất kì quyết định nào, tôi thường tự vấn bản thân rất nhiều. Liệu tôi có yêu công việc hiện tại của tôi không? Tôi chán việc vì bản thân không thể làm tốt hơn hay là do sự tác động từ bên ngoài, từ sếp hay từ đồng nghiệp? Liệu nhảy việc tôi có thể gặp được sếp giỏi hơn, đồng nghiệp tốt hơn, lương cao hơn?

Thật ra không có gì đảm bảo cho câu trả lời đó cả ngoài chính bản thân mình. Có câu nói mà tôi rất thích, đại loại là trứng vỡ từ bên ngoài thì thành thức ăn, trứng vỡ từ bên trong mới thành sự sống.

Suy nghĩ tích cực, làm việc hết mình, không ngừng học hỏi, khiêm tốn và chân thành mới là tấm vé đưa bạn đến thành công và hạnh phúc trong công việc.


Thùy Trang
Theo Trí Thức Trẻ/LinkedIn
 
Back
Bên trên