Đâu phải cứ về quê “trồng rau, nuôi cá” mới là nguồn chân hạnh phúc

  • Bắt đầu Bắt đầu The Banker
  • Ngày bắt đầu Ngày bắt đầu

The Banker

Super Moderator
Super Mod
Hẳn không ít người trẻ hiện nay đang mơ một giấc mơ bỏ lại sau lưng cuộc sống xô bồ, kẻ buôn người bán, ngày ngày sấp mặt nơi công sở để về quê trồng thêm rau cà, nuôi thêm hồ cá. Thế nhưng cuộc sống không màn danh lợi vốn không phải dành cho tất cả mọi người.


Đâu phải cứ về quê “trồng rau, nuôi cá” mới là nguồn chân hạnh phúc

Bản thân tôi cũng là một người mê mẩn trào lưu "ở ẩn", cảm thấy cuộc sống đó thật thảnh thơi, an bình, vui vẻ. Những con người lựa chọn "ngược dòng thời cuộc" đó quả rất đáng ngưỡng mộ. Đồng tiền lúc này không còn quá quan trọng, không còn chiếm giữ nhiều "cổ phần" trong suy nghĩ, chỉ cần đủ ăn, đủ mặc qua ngày là được, miễn là hạnh phúc.

Hai vợ chồng tôi vẫn còn trẻ, vừa bước qua tuổi 30. Sau khi đọc thấy nhiều tấm gương bỏ việc về quê trồng rau nuôi gà, sống một đời thanh thản, mãn nguyện, (ít nhất cũng luôn đẹp đẽ lung linh xuất hiện hàng ngày trên trang cá nhân của mình) tôi đã thèm khát cảm giác đó biết bao.

Sáng sáng không phải dậy sớm đi làm, không phải thức khuya làm việc, không phải khó chịu với những lời nói bóng gió của sếp, không cần nhìn sắc mặt đồng nghiệp, không lo deadline, chấm dứt stress…Viễn cảnh vẽ ra thật vô cùng tươi đẹp. Tuy không phải là người quá ảo tưởng nhưng tôi đoán chắc không ít người mong muốn có được chốn bình yên, không lo lắng như thế.

Vậy là, chưa chuẩn bị gì cho cuộc sống phía trước, tôi nghỉ việc. Tôi còn theo "chủ nghĩa vô sản" bởi tin tưởng rằng, đồng tiền không phải là nhân tố quyết định cuộc sống. Tôi tự tin mình có thể xoay sở được với việc trồng rau tự cung tự cấp cho gia đình hàng ngày.

Nhưng chỉ sau một năm với nhiều biến cố dồn dập, đồng tiền đã cho tôi biết nó quan trọng đến như thế nào!

Đâu phải cứ về quê “trồng rau, nuôi cá” mới là nguồn chân hạnh phúc - Ảnh 1.

Nhà chồng tôi làm ăn thua lỗ, số tiền nợ chồng chéo khắp nơi, ngày nào cũng có người nhắn tin gọi điện. Vậy là, trong số tiền hạn hẹp tích cóp được, chúng tôi còn phải chi bớt để lo trả dần nợ. Mẹ chồng vì lo lắng chuyện tiền nong mà đổ bệnh, lại thêm một khoản phải lo. Đúng là họa vô đơn chí. Phận làm con không thể lo được cho gia đình là một cảm giác vô cùng bất lực.

Cũng trong khoảng thời gian này, chúng tôi biết tin mình có con. Niềm vui có đó nhưng đi kèm là nỗi lo ngập tràn. Khi có con, tất nhiên tôi bắt đầu phải nghĩ đến một loạt các thứ tiền nong viện phí sinh nở, tiền bỉm tã hàng tháng, tiền con đau ốm…Đến sát ngày sinh, tôi nằm chảy nước mắt vì không biết đào đâu ra tiền cho trăm thứ bộn bề sau đó.

Nhiều khi lướt Facbook, thấy các trường hợp thương tâm cần sự giúp đỡ. Tôi đã mong muốn được đóng góp, hỗ trợ biết bao. Tuy nhiên, đúng là lực bất tòng tâm, phận mình còn lo chưa xong, làm sao lo được cho người, đành phải ngậm ngùi lướt qua.

Năm mới bắt đầu, sau bao nhiêu chuyện xảy ra, tôi từ bỏ ý định sống nhàn hạ chỉ riêng cho mình mà ngồi lại và bàn tính với chồng kế hoạch làm ăn sắp tới. Khi tuổi trẻ còn đầy, bây giờ nếu không có một kế hoạch sống cụ thể, sau này về già hẳn sẽ càng khốn khổ hơn nữa. Bên cạnh đó, tôi nhận ra rằng mình vẫn còn có trách nhiệm đối với con cái, gia đình, xã hội.

Đây là câu chuyện của tôi, nhưng thiết nghĩ, nếu bạn nào cũng đang ấp ủ giấc mơ về một cuộc sống "lánh xa" thế sự thì rất cần phải có cái nhìn đúng đắn và chuẩn bị tâm thế "dọn sẵn" cho mình những hoàn cảnh có thể xảy ra trong tương lai. Việc "bỏ phố về quê" không nên là một trào lưu mà phải là một quyết định sống thực sự.

Đâu phải cứ về quê “trồng rau, nuôi cá” mới là nguồn chân hạnh phúc - Ảnh 2.

Hãy chuẩn bị cho mình tâm thế đúng đắn trước khi lựa chọn hưởng thụ thay vì cống hiến hết mình khi còn trẻ

Có rất nhiều trường hợp tôi nhận thấy, những người chọn con đường rút lui khỏi "chốn quan trường", cuộc sống thành thị để về nghỉ dưỡng, sống đời thanh đạm, đã từng làm việc hết sức chăm chỉ, có kế hoạch tích cóp một khoản tiền nhất định để trang trải cuộc sống. Họ có quyền được nhàn hạ vì đã có bước chuẩn bị kỹ càng, cả cuộc đời về sau không còn quá áp lực về kinh tế.

Một số khác, khi lựa chọn lối sống thuận theo tự nhiên thường có trong mình niềm đam mê thực sự. Họ "bén duyên" và tin tưởng hoàn toàn vào lối sống đó. Các bạn là những người thấu hiểu rõ ràng về mục đích sống của mình. Khi về vườn, họ sống trọn vẹn với thiên nhiên, bình dị, tiết kiệm song song với đó vẫn tích cực lao động, nỗ lực làm đẹp cho cuộc đời bằng những sản phẩm hữu hình, vô hình mà mình tạo ra.

Bạn cũng nên biết rằng, nếu bạn là "người chốn phố thị", đừng ảo tưởng rằng về quê thoải mái lắm. Nó chỉ thoải mái khi bạn tận hưởng mà không phải bận tâm lo lắng về bất cứ điều gì. Muốn sống cùng thiên nhiên, trồng rau, nuôi cá, nuôi gà hay ươm tơ dệt vải… bạn cần có kiến thức, kỹ năng và cả khả năng lao động chân tay với các công việc đồng áng hàng ngày. Quả thật không hề dễ dàng.

Nếu bạn vẫn chưa sẵn sàng, đừng để tuổi thanh xuân qua đi trong chuỗi ngày tháng "cố gắng" để bình an. Thực ra, bình an ở đâu cũng có thể có được nếu bạn học được cách bằng lòng. Thay vì trốn chạy thực tại không như ý, bạn hãy học cách trưởng thành, hoặc là vượt qua hoặc là chấp nhận những điều không mong muốn.

Còn trẻ thì hãy còn cống hiến, lo cho cha mẹ con cái, giúp ích cho xã hội. Đôi khi cuộc sống không chỉ sống cho riêng mình. Bạn có thể chia sẻ phần nào trách nhiệm với cuộc đời, âu có khó khăn cũng là một cuộc đời đáng sống. Đó cũng là một dạng niềm vui, không hẳn cứ phải "trồng rau, nuôi cá" mới là hạnh phúc.

Tú Oanh
Theo Trí Thức Trẻ​

Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.

Link báo gốc: Đâu phải cứ về quê “trồng rau, nuôi cá” mới là nguồn chân hạnh phúc
 
Back
Bên trên