"Chạy" vào Ngân hàng - Ưu thế và những Hệ lụy khôn lường!

  • Bắt đầu Bắt đầu hungviet
  • Ngày bắt đầu Ngày bắt đầu

hungviet

Founder
23026


Thời gian gần đây, trên UB xuất hiện một số topic bàn tán sôi nổi về chủ đề phải nói là rất nóng của mùa tuyển dụng vào Ngân hàng - Dùng tiền chạy vào Ngân hàng! Một loạt các topic được dựng lên với những title giật gân như: Chạy vào Agribank giá 200trđ có nên hay không? Vào Vietinbank 300trđ thì thế nào? Có người chạy cho vào MB có nên đồng ý hay không?....

Những topic này, không ít thì nhiều, đã có ảnh hưởng nhất định đến tư tưởng của các Future Bankers tại UB. Khoan nói về động cơ của người đăng hàng loạt bài này (nếu tôi nhớ không nhầm thì cùng một nickname), chỉ nội việc hàng trăm cm được đăng tải đã thấy hầu hết Future Bankers đều quan tâm đến vấn đề này.

Để rộng đường dư luận, tránh trường hợp thông tin một chiều (teen thường gọi là: chết vì thiếu hiểu biết) tôi có một lời bày tỏ cùng các FB như sau:

Chạy vào Ngân hàng! Có hay Không?

Với kinh nghiệm của mình, tôi phải khẳng định rằng, hiện trạng Chạy vào Ngân hàng là Có! Bằng nhiều hình thức khác nhau, nhân sự ngành Ngân hàng cũng như các ngành khác, đều tồn tại một thức gọi là "góc tối" dành cho các "Mối quan hệ". Tuy nhiên, nếu nói thẳng là "chạy" theo kiểu "mặc cả theo giá thị trường" thì tôi cũng phải khẳng định là Có, nhưng không nhiều. Nó rơi vào một số cán bộ thoái hóa biến chất, trục lợi cá nhân tranh thủ "đục nước béo cò" để kiếm chác thông qua kênh nhân sự. Cần phải hết sức cảnh giác với những đối tượng này.

Chiêu trò thuyết phục "khách hàng" của các đối tượng này thường đánh vào tâm lý nôn nóng tìm việc của FBs, đồng thời dẫn chiếu một số mẫu CV của các Ngân hàng có dòng: "Bạn có quen ai làm việc trong Ngân hàng/Ngành Ngân hàng không? Ghi rõ họ tên" để nói rằng: Ngân hàng là thứ Nhất thân nhì quen, không thân quen, không tiền bạc thì ...đừng hi vọng!

Xin thưa với các bạn rằng, chúng tôi, những người làm nên cái form đó với một ý nghĩa hết sức trong sáng: Ngân hàng kinh doanh rủi ro, Nhân viên Ngân hàng là một nghề "nguy hiểm" đòi hỏi sự nhạy bén, thành thạo trong nghiệp vụ để giảm thiểu tối đã rủi ro tác nghiệp (nếu có). Vì thế, chúng tôi ưu tiên những người có người nhà làm Ngân hàng chỉ đơn giản một điều: bạn sẽ được học hỏi không chỉ ở Ngân hàng, mà còn ngay tại già đình mình (người thân người quen thông qua các câu chuyện nghiệp vụ trao đổi ngoài lề). Tuy nhiên, chúng tôi chỉ ưu tiên hơn trong trường hơp 2 ứng viên bằng nhau mà thôi, chứ phải khẳng định rằng, điều đó không bao giờ là tất cả!

Chạy vào Ngân hàng, nên hay không nên?

Giả sử, một ai đó "mời chào" bạn "chạy" vào Ngân hàng, bạn nên cân nhắc giữa cái Được & Mất trước khi lựa chọn, tôi sẽ sơ lược cả 2 mặt Được và Mất để các bạn dễ hình dung:

Được gì?: Đương nhiên rồi, bạn được vào làm việc trong Ngân hàng bạn mong muốn, thu nhập ổn định, "ăn ngon mặt đẹp" với vô số thông tin lương, thưởng (thưởng định kỳ, thường tết ...);

Mất gì?: Cái mất đầu tiên là Tiền, bạn phải bỏ ra một số tiền kha khá để kiếm được một chân Chuyên viên QHKH hoắc GDV. Tất nhiên rồi, một số bạn cho rằng, mất tiền là chuyện đương nhiên, đổi lại ta được cái ta mơ ước, thế còn đòi hỏi gì nữa ;).

Xin thưa, bạn nên suy nghĩ lại! Ta thử nhìn theo một hướng khác xem nhé:


  • Thứ nhất: Ngân hàng là một ngành có sự biến động nhân sự rất cao, từ nhân viên đến lãnh đạo (cái này bạn chỉ cần hỏi bất kỳ một ai đang làm việc trong ngành Ngân hàng sẽ rõ) vì thế, rất có thể "người đỡ đầu" cho bạn một ngày nào đó sẽ "bỏ bạn mà ra đi" để bạn bơ vơ trước một ekip lãnh đạo mới (mà tất nhiên rồi, họ cũng không quá vui vẻ khi chấp nhận bạn).

  • Thứ hai: Trong Ngân hàng, có rất nhiều vị trí, giả sử bạn được vào một vị trí đang được cho là "ngon nhất" đối với sinh viên mới ra trường Chuyên viên QHKH, nếu bạn không có năng lực thật sự, chỉ cần qua vài ba kỳ giao chỉ tiêu bạn không đạt thì chắc chắn, nếu không bị out thì bạn cũng sẽ bị đá qua chỗ này chỗ khác. Đấy là chưa kể, nếu bản thân bạn không đủ trình độ, nhận thức để làm việc tại vị trí đó, có khi bạn lại tự "mua dây buộc mình" bằng sự thiếu hiểu biết về nghiệp vụ của bản thân. Không khó để nhận thấy rất nhiều CV QHKH, Cán bộ tín dụng đã được vinh hạnh "bóc lịch" chỉ vì thiếu hiểu biết, chỉ vì bị khách hàng lừa ...

  • Thứ ba: Ngân hàng có thật sự như bạn tưởng? Bạn cho rằng, kệ, cứ vào cái đã, gắn cái mác, rồi lấy chồng đại gia, lấy vợ nhà giàu ... Xin thưa, cái sự này lỗi mốt rồi. Thời nay, nhân viên Ngân hàng bóng thì có bóng nhưng cũng vất vả trăm đường. Ngoài chỉ tiêu, kế hoạch, còn môi trường, nhân sự , khách khứa với vô số phức tạp đeo bám bạn. Bạn có sẵn sàng đi hàng chục km để chăm sóc khách hàng, đi ngoại tỉnh để thẩm định KH, sẵn sàng nghe KH "mắng chửi" như tát nước vào mặt mặc dù KH mới là người sai mà không dám phản ứng gì? Bạn có sẵn sàng thức đêm thức hôm, lo lắng ngược xuôi mỗi lần Kiểm toán nội bộ xuống kiểm tra chi nhánh ..... còn rất và rất nhiều.

  • Thức tư: Bạn nghĩ gì nếu cả phòng đều "ghét bạn". Tất nhiên rồi, nếu là tôi, vất vả bao công sức tôi mới vào được, đằng này tôi biết bạn "dùng tiền" cạy cửa sau để chui vào phòng. Bạn nghĩ tôi sẽ thoải mái đối xử bình thường với bạn? Không phải nói nhiều, tâm lý người Việt Nam, bạn có sẵn sàng tâm lý "sống trong sợ hãi"?

  • Thứ năm: Đấy là chưa kể, nếu "qua cò" rất có thể bạn sẽ gặp phải tình trạng "đem con bỏ chợ". Ừ thì họ lo cho bạn vào Ngân hàng, nhưng khi vào rồi, trụ lại được hay không là việc của bạn! Vì không phải ai cũng đủ khả năng đỡ đầu cho bạn trước những cái mất từ Thứ nhất đến Thứ tư đã nêu ở trên! Lúc đó thì đúng là tiền mất tật mang! .... Và còn rất nhiều hệ lụy khác mà trong phạm vi bài viết nhỏ, thời gian hạn hẹp nhất thời chưa suy tính tới ....

Có bạn đọc đến đây sẽ hoang mang đặt câu hỏi: Chả lẽ ông này đang dọa mình? Nếu mà phức tạp như thế thì ai mà dám vào làm Ngân hàng chứ nói gì đến chạy vào Ngân hàng?

Các bạn yên tâm, nếu bạn có năng lực thật sự thì Ngân hàng là môi trường tốt để nuôi dưỡng năng lực của bạn. Không phải quá tự hào, nhưng dù gì Ngân hàng vẫn là nơi có môi trường làm việc tương đối chuyên nghiệp, tiên phong trong nhiều lĩnh vực, trong đó có dịch vụ khách hàng (đặc biệt ở các Ngân hàng đã và đang đổi mới mô hình dịch vụ).

Có bạn khác lại hỏi: "Nếu nhà em có người thân, em lại có năng lực, em vẫn thi, nhưng mất một chút kinh phí để chắc ăn, có nên không?" Không ai trả lời được câu hỏi này của bạn ngoại trừ bạn! Theo tôi, đang có một sự mất tự tin trong câu hỏi! Nếu bạn tư tin thật sự, thì ngại gì thử thách! Còn nếu, thật sự bạn không quá tự tin, bạn có thể dùng "tuyệt chiêu" của gia đình để dễ dàng hơn về đầu vào, nhưng tuyệt đối không được ỉ lại vào nó và phải chuẩn bị tâm lý thật tốt đối với một số cái Mất mà tôi đã nêu ở trên!

Cuối cùng, Lời khuyên tôi muốn nói với các FBs đang chinh phục lĩnh vực Ngân hàng là: Hãy tự tin, đi bằng đôi chân của mình! Tôi tin các bạn làm được! Hành động thế nào - tùy bạn. Tuy nhiên, trước khi hành động hãy cân nhắc kỹ giữa cái Được và cái Mất, biết mình đang ở đâu, đang muốn gì. Đừng để những "lời đường mật" khuất phục để rồi Tiền mất tật mang.

P/s: Đối với những bạn tự ti về bằng cấp hoặc Thi mãi không đỗ thì nên tham khảo bài Học dân lập & Cơ hội làm việc trong ngành NH! Chúc các bạn thành công!
 
Chỉnh sửa lần cuối bởi người điều hành:
Nghe những điều anh nói thì Future Bankers có thêm tự tin và động lực để bước vào cánh cửa ngân hàng sắp tới. Thanks anh nhiều.
 
một bài viết rất hữu ích cho tất cả mọi người, mỗi người cần xác đinh lại động cơ và tâm lý của chính mình trước khi đặt những viên gạch đầu tiên trên con đường sự nghiệp :)
 
Back
Bên trên