Các phương thức thanh toán quốc tế, lợi ích và rủi ro

Anth

Adm
Trong hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế, thu chi tiền hàng là quyền lợi và nghĩa vụ cơ bản của hai bên mua (nhập khẩu) và bán (xuất khẩu). Vì vậy, khi đàm phán về phương thức thanh toán, các bên đều nỗ lực thỏa thuận điều kiện thanh toán có lợi cho mình. Không đề cập đến đồng tiền thanh toán, công cụ thanh toán, hay các thủ tục và quy trình thanh toán, mà bài viết này chỉ tập trung phân tích một số vấn đề liên quan đến lợi ích và rủi ro mà mỗi phương thức thanh toán mang lại cho nhà nhập khẩu hoặc nhà xuất khẩu và các gợi ý cân bằng lợi ích giữa hai bên để tham khảo.

1./ Phương thức chuyển tiền
Trong giao dịch mua bán hàng hóa quốc tế, theo phương thức này, nhà nhập khẩu yêu cầu ngân hàng của mình chuyển một số tiền nhất định cho nhà xuất khẩu (người hưởng lợi) ở một địa điểm nhất định bằng phương tiện chuyển tiền do nhà nhập khẩu quy định.
Phương thức chuyển tiền có thể là bộ phận của phương thức thanh toán khác như phương thức nhờ thu, tín dụng dự phòng, tín dụng chứng từ... nhưng cũng có thể là một phương thức thanh toán độc lập.

Thực tế, nhiều trường hợp, nhà nhập khẩu sẽ không chuyển tiền hàng cho nhà xuất khẩu cho đến khi nhận đầy đủ hàng. Đây là một lợi thế của nhà nhập khẩu nhưng lại là rủi ro của nhà xuất khẩu khi hàng hóa đã được chuyển giao nhưng tiền hàng không được thanh toán, bị chậm trễ thanh toán hoặc thanh toán không đầy đủ. Tuy vậy, bên nhập khẩu cũng có thể gánh chịu rủi ro, đặc biệt trong trường hợp chuyển tiền trước khi giao hàng như: nhận toàn bộ tiền hàng trước khi giao hàng, đặt cọc, tạm ứng... Trong trường hợp này nhà nhập khẩu có thể sẽ phải gánh chịu rủi ro nếu tiền đã chuyển mà hàng không được giao đúng thời hạn, đúng chất lượng hoặc số lượng...
Để phòng ngừa rủi ro các bên nên:
- Xây dựng rõ lộ trình chuyển tiền:
Ví dụ: chuyển trước bao nhiêu % tại thời điểm nào?; Thanh toán nốt phần còn lại tại thời điểm nào?...
- Thỏa thuận thời điểm chuyển tiền trùng với thời điểm giao hàng.
- Quy định rõ về phương tiện chuyển tiền, chi phí chuyển tiền ai chịu?

2./ Phương thức ghi sổ
Đây thực chất là một hình thức mua bán chịu. Phương thức này áp dụng trong mua bán hàng hóa quốc tế như sau: Nhà xuất khẩu (người ghi sổ) sau khi hoàn thành nghĩa vụ của mình (thường là nghĩa vụ giao hàng) quy định trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (hợp đồng cơ sở) sẽ mở một quyển sổ nợ để ghi nợ. Nhà nhập khẩu (người được ghi sổ), bằng một đơn vị tiền tệ nhất định và đến từng định kỳ nhất định do hai bên thỏa thuận, sử dụng phương thức chuyển tiền thanh toán cho người ghi sổ.

Phương thức này hoàn toàn có lợi cho nhà nhập khẩu (người được ghi sổ). Nhà xuất khẩu sẽ phải gánh chịu rủi ro khi bên nhập khẩu không thanh toán hoặc chậm trễ thanh toán hoặc thanh toán không đầy đủ.
Để hạn chế rủi ro, chỉ áp dụng phương thức này khi cả hai bên là các bạn hàng có mối quan hệ làm ăn lâu dài, thực sự tin cậy lẫn nhau. Để bảo đảm an toàn cho nhà xuất khẩu, các bên có thể áp dụng biện pháp bảo đảm như thư bảo lãnh ngân hàng, thư tín dụng dự phòng, đặt cọc...

3./ Phương thức nhờ thu
Phương thức nhờ thu là phương thức thanh toán mà bên có các khoản tiền từ các công cụ thanh toán (chủ nợ) ủy thác cho ngân hàng thu hộ tiền ghi trên công cụ thanh toán đó từ phía người nợ.
Các công cụ thanh toán quốc tế thường gồm: Hối phiếu (bill of exchange); kỳ phiếu thương mại (Promissory Note), séc quốc tế (International cheque), hóa đơn thu tiền (Financial Invoice).
Bài viết này đề cập đến phương thức thanh toán trong hợp đồng mua bán quốc tế nên, chủ nợ là nhà xuất khẩu và người nợ là nhà nhập khẩu. Có hai phương thức nhờ thu là nhờ thu trơn và nhờ thu kèm chứng từ.

4./ Phương thức ủy thác mua hàng
A/P là một phương thức thanh toán áp dụng trong hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế, theo đó Ngân hàng của nhà nhập khẩu, theo yêu cầu của nhà nhập khẩu, ra văn bản yêu cầu ngân hàng đại lý ở nước xuất khẩu phát hành một A/P cam kết sẽ mua hối phiếu của nhà xuất khẩu ký phiếu với điều kiện chứng từ xuất trình phù hợp với các điều kiện đặt ra trong A/P và phải được đại diện của nhà nhập khẩu xác nhận thanh toán.
Phương thức này áp dụng chủ yếu trong các hợp đồng mua bán máy móc, thiết bị, các sản phẩm có hàm lượng kỹ thuật và công nghệ cao. Bản chất của phương thức này là nhà nhập khẩu thông qua ngân hàng của mình ở nước nhập khẩu chuyển tiền sang một ngân hàng ở nước xuất khẩu để ủy thác cho ngân hàng này trả tiền hối phiếu của nhà xuất khẩu ký phát.
Có hai cách thức chuyển tiền sang ngân hàng của nước xuất khẩu để mua hàng:
Một là, nhà nhập khẩu thông qua ngân hàng của mình chuyển tiền đặt cọc 100% sang ngân hàng nước xuất khẩu để ngân hàng này phát hành A/P.
Hai là, nhà nhập khẩu yêu cầu ngân hàng của mình phát hành A/P cho ngân hàng đại lý ở nước xuất khẩu hưởng và đặt cọc 100% trị giá của A/P. Trên cơ sở A/P đó, ngân hàng nước xuất khẩu phát hành một A/P đối ứng cho người thụ hưởng là nhà xuất khẩu.
Về điều kiện chứng từ của nhà xuất khẩu gồm có:
- Hối phiếu hoặc hóa đơn của nhà xuất khẩu xuất trình phải được đại diện của nhà nhập khẩu tại nước xuất khẩu đồng ý thanh toán.
- Các chứng từ xuất trình phải phù hợp với Hợp đồng mua bán hàng hóa mà hai bên đã ký kết.
Phương thức thanh toán này khá an toàn cho nhà xuất khẩu nhưng ngược lại sẽ có nhiều bất lợi cho nhà nhập khẩu khi mà tiền đã xuất ra nhưng chưa chắc đã nhận được hàng hoặc nhận được hàng kém chất lượng hoặc bị giao hàng chậm trễ. Để hạn chế rủi ro cho mình, nhà nhập khẩu cần đưa ra những điều kiện cụ thể, nội dung, quy trình thanh toán chi tiết nếu áp dụng phương thức A/P để tránh bất lợi cho mình sau này.

5./ Phương thức tín dụng chứng từ
Theo phương thức này thì một ngân hàng (ngân hàng mở thư tín dụng), theo yêu cầu của khách hàng (bên yêu cầu mở thư tín dụng) sẽ trả một số tiền nhất định cho một người khác (người hưởng lợi số tiền của thư tín dụng) hoặc chấp nhận hối phiếu do người này ký phát trong phạm vi số tiền đó khi người này xuất trình cho ngân hàng một bộ chứng từ thanh toán phù hợp với những qui định của thư tín dụng.

5.1. Bản chất pháp lý của thư tín dụng (L/C)
Thực chất trong hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế, phương thức thanh toán thư tín dụng đã chuyển trách nhiệm thanh toán từ nhà nhập khẩu sang ngân hàng bảo đảm nhà xuất khẩu giao hàng và nhận tiền hàng an toàn, nhanh chóng, nhà nhập khẩu nhận được hóa đơn vận chuyển hàng đúng hạn. Vì vậy, ở một mức độ nhất định, L/C là phương thức thanh toán cân bằng được lợi ích của cả hai bên xuất khẩu và nhập khẩu và giải quyết được mâu thuẫn không tín nhiệm nhau của cả hai bên. Vì vậy, phương thức này được sử dụng phổ biến trong hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế.

Đây là một phương thức thanh toán khá an toàn, tuy nhiên, trong quá trình áp dụng các bên cần lưu ý các đặc điểm pháp lý sau đây của thư tín dụng để tránh áp dụng sai, gây thiệt hại cho chính bản thân mình.
(1). L/C là một khế ước độc lập với hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (hợp đồng cơ sở)
L/C được hình thành trên cơ sở hợp đồng cơ sở (hợp đồng mua bán hàng hóa, hợp đồng dịch vụ,...) nhưng khi được phát hành nó hoàn toàn độc lập với hợp đồng cơ sở. Ngân hàng mở thư tín dụng và các ngân hàng khác tham dự vào nghiệp vụ thư tín dụng chỉ làm theo quy định của thư tín dụng.
(2). Thư tín dụng là một "kiểu mua bán chứng từ"
Theo Điều 5 của UPC600 thì: "Các ngân hàng giao dịch trên cơ sở các chứng từ chứ không phải bằng hàng hóa, dịch vụ hoặc các thực hiện khác mà các chứng từ có liên quan".
Như vậy Ngân hàng có nghĩa vụ thanh toán cho nhà xuất khẩu khi họ xuất trình được các chứng từ phù hợp với các điều kiện và điều khoản qui định trong L/C. Ngân hàng không được phép lấy lý do bên mua chưa nhận hàng để từ chối thanh toán nếu chứng từ mà bên bán xuất trình phù hợp với các điều kiện và điều khoản quy định trong L/C.

5.2. Những vấn đề lưu ý khi sử dụng L/C
Thanh toán bằng L/C là một phương thức tương đối an toàn cho cả nhà nhập khẩu và nhà xuất khẩu. Tuy nhiên, để sử dụng hiệu quả L/C, đồng thời để bảo đảm lợi ích của mình khi sử dụng L/C như là một phương thức thanh toán, các bên nên lưu ý một số vấn đề được nêu sau đây.
Đối với nhà nhập khẩu thì phải làm thủ tục soạn và nộp đơn yêu cầu phát hành thư tín dụng. Thực ra đơn yêu cầu phát hành thư tín dụng theo mẫu chuẩn quốc tế (Standafo, Standaci) nên nhà nhập khẩu chỉ phải điền nội dung cần thiết vào chỗ trống và xóa đi những thông tin không cần thiết. Để bảo đảm tính chính xác của đơn và sau này là thư tín dụng (L/C), nhà nhập khẩu phải dựa trên cơ sở các nội dung của Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế để lập đơn, tránh mọi sự sai khác.

Đặc biệt lưu ý đối với nhà xuất khẩu (người thụ hưởng trong L/C), cần phải kiểm tra kỹ lưỡng thư tín dụng. Bởi vì nếu có sự không phù hợp giữa L/C và hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế mà nhà xuất khẩu không phát hiện ra được mà cứ tiếp tục giao hàng thì nhà xuất khẩu sẽ khó đòi được tiền hoặc ngược lại nếu từ chối giao hàng thì vi phạm hợp đồng.

Cơ sở để kiểm tra L/C là hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (hợp đồng cơ sở). L/C phải phù hợp với hợp đồng cơ sở và không được trái với các nội dung của hợp đồng cơ sở. Đối với các hợp đồng có các sửa đổi, bổ sung thì cần cẩn trọng kiểm tra nội dung của hợp đồng gốc và hợp đồng sửa đổi, bổ sung. Ngoài ra cơ sở pháp lý điều chỉnh L/C thông thường là UCP 600, ISBP 681, eUCP 1.1 và URR 525 1995. Do vậy cần đánh giá hình thức và nội dung của L/C trên cơ sở luật áp dụng.

Về mặt nội dung của L/C, cần kiểm tra kỹ lưỡng các nội dung sau: số tiền của L/C; ngày hết hạn hiệu lực của L/C; địa điểm hết hạn hiệu lực của L/C; loại L/C (thông thường là thư tín dụng không hủy ngang (Đối với nhà xuất khẩu thì nên chọn L/C không hủy ngang cùng với điều kiện miễn truy đòi và nếu được xác nhận thì càng tốt)); thời hạn giao hàng; cách thức giao hàng; cách vận tải; chứng từ thương mại; hóa đơn; vận đơn; đơn bảo hiểm.

Khi phát hiện ra nội dung của L/C không phù hợp với hợp đồng cơ sở hoặc trái với luật áp dụng hoặc không có khả năng thực hiện, nhà xuất khẩu phải yêu cầu nhà nhập khẩu làm thủ tục sửa đổi, bổ sung L/C. Trong trường hợp sự sai sót trong L/C không quá nghiêm trọng thì nhà xuất khẩu và ngân hàng có thể phối hợp tìm hướng giải quyết như nhà xuất khẩu soạn thư bảo đảm chịu trách nhiệm về bộ chứng từ thanh toán gửi ngân hàng phát hành L/C, hoặc thông qua đại diện của nhà nhập khẩu xin chấp nhận thanh toán và gửi ngân hàng phát hành L/C... hoặc chuyển sang phương thức thanh toán khác như phương thức nhờ thu hoặc đòi và hoàn trả tiền bằng điện...
Nói tóm lại L/C với nội dung phù hợp với hợp đồng cơ sở và không trái luật áp dụng sẽ bảo đảm quyền lợi cho cả nhà nhập khẩu và nhà xuất khẩu.

6./ Bảo lãnh và Tín dụng dự phòng
Thực chất bảo lãnh và tín dụng dự phòng là các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng.
Bảo lãnh là việc người thứ a (người bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (người nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (người được bảo lãnh) nếu khi đến thời hạn mà người được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ. Trong giao dịch xuất nhập khẩu thường có các bảo lãnh: bảo lãnh thực hiện hợp đồng; bảo lãnh hoàn trả tiền ứng trước (hoặc tiền đặt cọc); bảo lãnh bảo hành máy móc, thiết bị; bảo lãnh nhận hàng chưa có vận đơn gốc; bảo lãnh thanh toán

Thư tín dụng dự phòng là cam kết không hủy ngang, độc lập, bằng văn bản và ràng buộc khi được phát hành. Trong đó người phát hành cam kết với người thụ hưởng thanh toán chứng từ xuất trình trên bề mặt phù hợp với các điều khoản và điều kiện của thư tín dụng dự phòng theo đúng quy tắc. Người phát hành phải thanh toán chứng từ xuất trình bằng việc chuyển số tiền theo phương thức trả tiền ngay, hoặc chấp nhận hối phiếu của người thụ hưởng hoặc cam kết trả tiền sau hoặc chiết khấu....

Bảo lãnh hoặc thư tín dụng dự phòng được sử dụng kết hợp với các phương thức thanh toán khác để tăng độ an toàn cho các bên. Do vậy, trong các giao dịch mua bán hàng hóa quốc tế, đặc biệt đối với các hàng hóa có giá trị lớn như máy móc, thiết bị các bên cũng nên xem xét và áp dụng các biện pháp bảo lãnh hoặc thư tín dụng dự phòng.
 

Tin tuyển dụng mới nhất

Thống kê MXH

Tổng số chủ đề
34,574
Số bình luận
528,077
Tổng số thành viên
351,223
Thành viên mới nhất
Suga Sean Merch
Back
Bên trên