Bế tắc đầu ra: Ngân hàng có tránh khỏi “cái chết”?

  • Bắt đầu Bắt đầu casino
  • Ngày bắt đầu Ngày bắt đầu

casino

Thành viên tích cực
Người đời nói không sai: vào bất cứ lúc nào ngân hàng phải kêu gào cầu cứu thì chính đó là thời điểm nền kinh tế thực sự nguy kịch. Nếu lãi suất cho vay không được thực giảm ngay lập tức, doanh nghiệp còn lâu mới biết “vay vốn để làm gì”, và giới ngân hàng càng không thể có lý do để tránh thoát, “cái chết” hầu như sẽ đến.

1/3
Mặc dù Ngân hàng nhà nước và Chính phủ báo cáo trước Quốc hội về tín dụng đã phần nào “khởi sắc”, nhưng thực tế dường như không biến chuyển.
Thực tế đó có thể được cân đong đo đếm một cách rõ rệt nhất theo lượng vốn tín dụng thoát khỏi kênh ngân hàng. Song khi nửa đầu năm nay đã gần trôi qua, dòng tiền vẫn được mô tả là bị “chôn” gần như nguyên vẹn trong két sắt ngân hàng.

Những tin tức mới nhất đến đầu tháng 6/2013 cho thấy lượng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng đã tăng thêm xấp xỉ 200,000 tỷ đồng, trong khi lượng tiền cho vay ra chỉ tăng thêm khoảng 70,000 tỷ đồng. Tỷ lệ 1/3 giữa mức tăng tín dụng cho vay và tín dụng thu hút không thể phản ánh hệ quả gì khác hơn là sức ì suy thoái vẫn còn nguyên mối đe dọa của nó.

Cũng không thể nói khác hơn là “cái chết” của khối ngân hàng thương mại cũng vì thế đang dần đến. Ngoài một số ngân hàng lớn như BIDV, Vietcombank (VCB), Eximbank (EIB),… có thể nhiều ngân hàng còn lại sẽ khó mà trụ nổi trước cơn cuồng phong của suy thoái kinh tế.

Agribank là một tiêu biểu cho tâm chấn ấy. Cho dù là một trong những địa chỉ thu hút lượng tiền gửi lớn nhất trong dân và doanh nghiệp, nhưng nổi danh kỷ lục với số vụ quan chức bị đưa vào vòng lao lý do tham nhũng và những hành vi tiêu cực khác, ngân hàng này đã không làm sao tránh thoát dư luận về tỷ lệ nợ xấu tăng cao, trong đó không thể không nói đến nợ xấu bất động sản.

Trong khi nợ xấu bất động sản hoàn toàn chưa được giải quyết và còn có phần tăng thêm, các ngân hàng thương mại vẫn phải chạy đôn đáo tìm khách hàng để cho vay. Hiện tại, có vẻ như khách hàng đang trở lại ngôi vị thượng đế - điều khác hẳn đoạn cuối năm 2011.



Cần nhìn lại, 96% là tỷ lệ sụt giảm lợi nhuận của các ngân hàng trên địa bàn TpHCM trong năm 2012 so với năm trước đó. Còn với toàn bộ khối ngân hàng trên toàn quốc, tỷ lệ lợi nhuận đã sụt giảm đến hơn phân nửa. Sự công bố khủng khiếp này - đến từ chính Ngân hàng nhà nước chi nhánh tại TpHCM - đã lần đầu tiên xác nhận cái được gọi là nguy cơ: sẽ có nhiều ngân hàng phải ra đi vào cuối năm 2013 nếu không tự giải quyết được “món nợ xương máu” từ thị trường bất động sản. Hơn thế nữa, sự ra đi có tính dây chuyền của các ngân hàng lại có thể dẫn đến sự sụp đổ của nền kinh tế, vốn chỉ còn chân đứng rất mong manh.

Nợ xấu bất động sản cũng là nguồn cơn kinh hoàng nhấn chìm khối ngân hàng trong cơn đại hồng thủy mà chính ngân hàng là một tác nhân quan yếu gây ra. Cho đến tận giờ này, sau khi gói kích thích 30,000 tỷ đồng được tung ra, những con số về nợ xấu bất động sản vẫn nhảy múa không ngớt.

Khi ngân hàng kêu thét!

Người đời nói không sai: vào bất cứ lúc nào ngân hàng phải kêu gào cầu cứu thì chính đó là thời điểm nền kinh tế thực sự nguy kịch. Không còn cầm giữ được những uẩn khúc trong bóng tối, các ngân hàng đã bắt buộc phải trưng sự thật ra ánh sáng, dù biết làm như thế họ sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ về uy tín và khả năng huy động tiền gửi, cho vay vốn đang tồn ứ và triển khai những dự án, chương trình đặc quyền.

Tình thế hiện giờ đã trở nên khó khăn hơn rất nhiều cho các ngân hàng, thay cho thói quen đủng đỉnh trước đây. Một câu hỏi vẫn luôn quấn chặt não trạng các ông chủ ngân hàng là phải giảm lãi suất đến mức nào thì mới có thể khuyến dụ được doanh nghiệp và cá nhân vay vốn ngân hàng.

Hàng loạt giám đốc ngân hàng đã trần tình trên báo chí về hoàn cảnh “bĩ cực” của họ. Nhưng xem ra, vẫn còn nhiều ngân hàng “chưa thấy quan tài chưa đổ lệ”.

Hiển nhiên ngân hàng không quá lo về xu thế tiền gửi, bởi một thực trạng khá nghịch lý là bất chấp xu hướng trần lãi suất huy động đã giảm đến 6% chỉ trong vòng một năm, lượng tiền gửi từ khu vực người dân vào ngân hàng vẫn không hề giảm sút. Điều đó cũng phản ánh một thực trạng khốn khổ là đang không có bất cứ kênh đầu tư nào có triển vọng và càng khó có kênh đầu tư nào an toàn trong tiềm thức của người dân. Vàng, ngoại tệ, chứng khoán và đặc biệt là bất động sản - tất cả đều hoặc đi ngang hoặc đóng băng.

Nhưng vấn đề còn lại của ngân hàng là phải tiếp tục kéo giảm lãi suất huy động để qua đó có thể bắt đầu một quá trình giảm lãi suất cho vay. Hiện vẫn còn treo cao ở vùng 13-16%, lãi suất cho vay hoàn toàn không tương xứng với “công thức 3%” do Ngân hàng nhà nước đưa ra. Tức thực tế các ngân hàng vẫn “ăn trên đầu trên cổ” của người vay từ 7-8%, thay vì chỉ có 2-3% theo thông lệ quốc tế.

Trong hơn một năm qua, trần lãi suất huy động đã giảm đến 6%, nhưng mặt bằng lãi suất cho vay lại chỉ giảm có vài ba phần trăm - một nghịch lý không thể bao biện cho “cái chết” của giới ngân hàng.

Sau nhiều cuộc bàn thảo quyết liệt, giới chuyên gia ngân hàng đã tạm rút ra một kết luận “phi thường”: mức lãi suất cho vay hợp lý hiện nay là 10%.
Cho đến giữa năm ngoái, vẫn không mấy doanh nghiệp và người dân dám tin tưởng vào sự phi thường ấy.

Nhưng sự phi thường lại xuất hiện trong một hoàn cảnh bất thường. Nếu không giảm lãi suất cho vay, không những thế còn phải giảm “quyết liệt”, các ngân hàng sẽ rơi vào vòng xoáy bởi một phần do chính họ gây ra.

Tiền lệ đã có khi lãi suất cho vay mua nhà xã hội theo tinh thần Nghị quyết 02 của chính phủ chỉ có 6% - một mức không tưởng so với cách đây hai năm. Theo đó, đến lượt khối ngân hàng đang và sẽ phải làm những gì mà giới doanh nghiệp bất động sản đã trì kéo ròng rã trong hơn hai năm qua: giảm giá - đẩy hàng tồn.

Giá căn hộ cao cấp tại một số dự án ở Hà Nội và TpHCM đã giảm đến 40% trong hai năm. Một cách tương ứng, nếu mặt bằng lãi suất cho vay vào năm 2011 bình quân là 18% thì việc giảm về 10% cũng không phải là một ngoại lệ.

Đã có một số ngân hàng đi tiên phong trong việc thiết lập mặt bằng lãi suất 0% cho vay mua nhà, nhưng tất nhiên chỉ dành cho những dự án được chỉ định bởi họ.

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là bất chấp động thái khuyến mãi đầy nhiệt tình của khối ngân hàng, người tiêu dùng vẫn “trơ như đá”. Dòng tiền trong dân cư cũng vì thế đang chuyển động rất chậm chạp.

Nếu lãi suất cho vay không được thực giảm, và hơn nữa không được thực giảm ngay lập tức, doanh nghiệp còn lâu mới biết “vay vốn để làm gì”, và giới ngân hàng càng không thể có lý do để tránh thoát “cái chết” hầu như sẽ đến.

Việt Thắng (Vietstock)
INFONET
http://vietstock.vn/2013/06/be-tac-dau-ra-ngan-hang-co-tranh-khoi-cai-chet-757-301824.htm
 
Chỉnh sửa lần cuối bởi người điều hành:
Back
Bên trên