5 nguyên tắc vàng trong công sở

5 Nguyên Tắc Vàng Trong Giao Tiếp Nơi Công Sở Cho Sinh Viên Thực Tập
Giao tiếp là một việc diễn ra hằng ngày, tưởng chừng có vẻ đơn giản nhưng thực chất để giao tiếp hiệu quả lại không hề dễ dàng, đặc biệt là trong một môi trường phức tạp như chốn công sở. Trong một ngày làm việc, ngoài sếp và các đồng nghiệp, bạn còn phải giao tiếp với khách hàng, thật không dễ để đảm bảo việc giao tiếp của bạn có thể làm hài lòng tất cả mọi người. Đối với sinh viên thực tập, lần đầu bước vào môi trường công sở chắc chắn còn nhiều bỡ ngỡ và thiếu sót. Do đó, hãy lưu ý 5 nguyên tắc vàng trong văn hóa giao tiếp nơi công sở sau đây nhé!

1. Tôn trọng đồng nghiệp

Đây là nguyên tắc cần lưu ý hàng đầu, không chỉ môi trường công sở mà cả trong cuộc sống hằng ngày, hãy tôn trọng người khác nếu bạn muốn nhận được sự tôn trọng từ họ.
Đồng nghiệp giống như người “hàng xóm” của bạn, và người thường xuyên tiếp xúc, chỉ dạy cho bạn chính là anh chị hướng dẫn của bạn. Do đó, hãy luôn cởi mở và tôn trọng những đồng nghiệp, đặc biệt là người hướng dẫn. “Tôn trọng” không có nghĩa là bạn phải tỏ ra sợ sệt hay “nịnh nọt”, mà chỉ đơn giản là lời chào đầu ngày hay đối đáp một cách lễ phép. Ngoài ra, nên tránh suy nghĩ ganh đua với người đồng cấp để không làm ảnh hưởng đến kết quả công việc cũng như tinh thần làm việc của bạn. “Quá tự tin” hay “tự ti” đều là những trạng thái tiêu cực sẽ làm làm mất khá nhiều năng lượng của bạn đấy! Hãy xem đồng nghiệp như những người bạn đồng hành cùng chia sẻ công việc và niềm vui với bạn.

2. Hạn chế “tán gẫu” quá nhiều

Đối với tâm hồn “thoải mái vô tư” như sinh viên mà nói, nếu đi làm mà chỉ đầu óc chỉ biết làm việc như một cái máy mà thiếu sự giao tiếp thì cũng thật nhàm chán, thế nhưng bạn chỉ nên trò chuyện khi cần thiết hoặc trong giờ nghỉ thôi nhé! Vì có khi những cuộc trò chuyện trong lúc rảnh rỗi của bạn lại khiến công hàng tá công việc của người khác bị chậm trễ. Việc “tán gẫu” quá nhiều có thể khiến sếp cho rằng bạn làm việc không nghiêm túc và khiến đồng nghiệp ngán ngẩm. Vậy nên đừng để bản thân trở thành một “bà tám” của công ty nhé!

3. Nói “KHÔNG” với những đề nghị từ bên ngoài

Nghệ thuật nói “KHÔNG” trong môi trường công sở đóng vai trò vô cùng quan trọng. Một ngày bạn chỉ có 8 tiếng để làm việc, vì thế đừng “ôm đồm” quá nhiều việc vào mình và nhận lời giúp đỡ từ các đồng nghiệp một cách “vô tư”. Do các bạn sinh viên thường ngại từ chối khi một anh chị trong công ty nhờ giúp đỡ. Tuy nhiên cũng cần nhớ, khi nhận được một lời đề nghị nào đó, bạn không nên trả lời ngay lập tức mà hãy kiểm tra lại lịch công việc mà người hướng dẫn giao cho và chỉ nhận lời giúp đỡ khi có khả năng. Ngoài ra, những buổi tiệc tùng hay những lời mời ăn uống sau giờ làm cũng sẽ khiến bạn cạn kiệt sức lực nếu bạn cứ nhận lời vì sợ mất lòng. Những buổi tiệc sẽ là khoảng thời gian để bạn thư giãn, tạo thêm nhiều mối quan hệ khi bạn cân bằng giữa chúng và thời gian nghỉ ngơi của mình. Vì thế, hãy hạn chế những bữa tiệc vô bổ. Nếu bạn cảm thấy khó khăn khi phải từ chối một ai đó, hãy tham khảo Nghệ Thuật Nói “Không” Để Quản Lý Thời Gian Cá Nhân.

4. Lắng nghe trước khi đưa ra đánh giá

Chúng ta thường đánh giá một vấn đề dựa trên những kinh nghiệm đã tích lũy từ trước. Rất nhiều sinh viên khi bước vào công việc thường đánh giá các hoạt động của công ty dựa trên lý thuyết được học ở trường. Hãy nhớ rằng, thực tế không giống như lý thuyết. Việc bạn cố gắng đưa ra ý kiến cá nhân để thay đổi công ty sẽ khiến mọi người cho rằng bạn đang muốn “thể hiện” chứ không thật sự có thiện chí. Đừng vội đánh giá, quyết định hay đưa ra kết luận, bạn có thể thảo luận và hỏi ý kiến người hướng dẫn trước khi đề xuất một giải pháp. Khi trình bày một ý kiến hoặc kết luận về một vấn đề, hãy dẫn chứng cụ thể từ những tài liệu của công ty, thể hiện rằng bạn thực sự có mong muốn được cống hiến. Và nếu ý kiến của bạn không được chấp nhận thì cũng đừng lo lắng, vì đó là cơ hội để bạn được “lắng nghe” các anh chị hướng dẫn và nhận xét.

5. Tắt chuông điện thoại


Rất nhiều người mắc phải lỗi “quên tắt chuông” khi làm việc nơi công sở. Sẽ thật khiếm nhã khi bạn làm việc với khách hàng mà chuông điện thoại cứ reo ầm ĩ hoặc tiếng tin nhắn “ting ting” cứ vang liên tục trong công ty sẽ khiến đồng nghiệp không tập trung làm việc. Trên thực tế, nhiều nhà tuyển dụng phàn nàn rằng các ứng viên cứ “vô tư” để chuông điện thoại reo giữa buổi phỏng vấn, và tất nhiên sẽ khó có cơ hội cho những ứng viên đó. Vì vậy, hãy giữ chiếc điện thoại của bạn luôn thông minh chứ đừng khiến chúng trở nên “vô duyên” nhé!
Hy vọng những chia sẻ trên sẽ giúp bạn tự tin hơn về khả năng giao tiếp của mình cũng như xây dựng được những môi quan hệ tốt tại công sở.
 

Tin tuyển dụng mới nhất

Thống kê MXH

Tổng số chủ đề
34,577
Số bình luận
528,084
Tổng số thành viên
351,446
Thành viên mới nhất
leeyuutyio46
Back
Bên trên