HOT Tuyển tập bộ câu hỏi phỏng vấn và trả lời dành cho team ứng viên (Phần 1)

  • Bắt đầu Bắt đầu The Banker
  • Ngày bắt đầu Ngày bắt đầu

The Banker

Super Moderator
Super Mod

1.Nói cho tôi biết thông tin về bạn?
Các bước để trả lời câu hỏi phỏng vấn:

Bước 1: Bạn có thể giới thiệu ngắn gọn về bản thân như sau:

Ví dụ, bạn có thể nói: Tôi là Nguyễn Mạnh Việt. Tôi tốt nghiệp cử nhân kinh doanh trường đại học Kinh tế quốc dân. Sau 5 năm làm Giám đốc kinh doanh, tôi đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong việc đào tạo, quản lý và thúc đẩy nhân viên để đạt được mục tiêu của công ty.

Bước 2: Chia sẻ về kinh nghiệm mà bạn có được ở vị trí gần đây nhất.

Bạn hãy trình bày kinh nghiệm mà bạn có được khi làm việc trong 2-3 công ty gần đây nhất và những kinh nghiệm đó có ích gì cho công việc mới của bạn.

Ví dụ: Tôi hiện là Giám đốc kinh doanh khu vực Đông Bắc của Công ty ABC. Với kinh nghiệm tích lũy được từ các khóa huấn luyện, tôi đã triển khai nhiều chiến dịch kinh doanh, phát triển được hệ thống khách hàng mới và duy trì các khách hàng hiện tại. Sau 6 tháng, tôi đã chiếm lĩnh được thị trường và đẩy doanh thu tăng 37%.

Bước 3: Trình bày những tố chất có thể đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng

Đừng bao giờ nghĩ rằng nhà tuyển dụng sẽ tự tìm xem bạn có tố chất gì phù hợp với công việc của họ, bạn hãy nói cho nhà tuyển dụng biết bạn có tố chất gì mà họ đang mong đợi.

Bước 4: Phỏng vấn nhà tuyển dụng

Bạn sẽ có thể “kiểm soát” buổi phỏng vấn và thu thập thêm thông tin về Công ty mình đang muốn làm việc nếu biết cách đặt ra các câu hỏi thể hiện được sự thông minh, có chiều sâu kiến thức. Với cách này, bạn có thể giảm bớt căng thẳng khi tham gia phỏng vấn và khiến nhà tuyển dụng phải “vị nể” và đánh giá đúng vị thế của bạn.

Một số mẹo khi trả lời câu hỏi:

Mẹo số 1: Cơ sở tham chiếu thông tin

Khi bạn trình bày các thông tin về mình, đừng quên đưa ra các thông tin làm cơ sở tham chiếu để nhà tuyển dụng có thể tìm hiểu thêm về bạn.

Mẹo số 2: Thông tin trung thực

Nếu bạn được tuyển dụng, thông tin của bạn sẽ được lưu giữ lại. Và nhà tuyển dụng có rất nhiều cách để tìm hiểu xem thông tin bạn đưa ra là đúng hay sai. Chính vì vậy, hãy trung thực khi cung cấp thông tin cho nhà tuyển dụng.


Mẹo số 3: Luyện tập trước


Trước khi phỏng vấn, bạn hãy tập luyện ở nhà với người thân, bạn bè của mình hoặc tự tập trong phòng riêng. Khi tập luyện như thế, bạn sẽ tạo được cách trả lời trôi chảy, ngắn gọn, xúc tích, có sức thuyết phục đối với nhà tuyển dụng trong thời gian ngắn nhất có thể. Tránh việc đưa ra các thông tin không liên quan và không cần thiết.

2. Thế mạnh của bạn là gì?
Câu hỏi này giúp cho bạn đưa ra những điểm mạnh mà bạn thấy nhà tuyển dụng đang cần ở ứng viên.

Các bước để trả lời câu hỏi này:

a) Xác định điểm mạnh của bạn là gì?
• Kiến thức
• Kinh nghiệm
• Kỹ năng
• Năng lực

b) Chuẩn bị danh sách điểm mạnh của bạn
Bạn nên chuẩn bị liệt kê cho mình những điểm mạnh, nổi bật nhất của mình, và một đến hai ví dụ từ những thành tích gần đây nhất cho thấy bạn đã thành công với những điểm mạnh ấy để minh họa.

c) Xem kỹ yêu cầu của nhà tuyển dụng
Bạn nên xem xét thật kỹ những yêu cầu của nhà tuyển dụng để có thể chọn trong danh sách đã “soạn sẵn” của mình những điểm mạnh phù hợp nhất với yêu cầu.

Nhìn chung, các nhà tuyển dụng đều có xu hướng muốn nhìn thấy ở nhân viên mình các điểm mạnh chính sau:

• Kỹ năng giao tiếp tốt
• Có khả năng thích nghi với sự thay đổi về văn hóa công ty
• Linh hoạt trong giải quyết vấn đề
• Chăm chỉ
• Biết cách rút kinh nghiệm từ những sai lầm
3. Điểm yếu nhất của bạn là gì?
a. Các cách trả lời:
Cách thứ 1: Nói dối

Hầu hết các ứng viên sẽ nhanh chóng trả lời không thật. Ví dụ: “Tôi là người nghiện công việc” hoặc “Điểm yếu của tôi là tôi không bao giờ cảm thấy hài lòng cho đến khi mọi công việc hoàn thành một cách hiệu quả và trơn tru”

Kiểu trả lời này khiến nhà tuyển dụng thấy đó không phải là điểm yếu và bạn đang nói dối họ.

Cách thứ 2: Đánh lạc hướng
Coi điểm mạnh của bạn cũng chính là điểm yếu.

Ví dụ: Tôi là người cầu toàn chính vì vậy tôi thường nghĩ rằng không ai có thể thực hiện các công việc tốt như chính tôi làm. Và kết quả là, tôi sợ không dám giao các nhiệm vụ quan trọng cho người khác.

Kiểu trả lời này có điểm yếu là, nếu như bạn không khôn khéo, người tuyển dụng có thể nghĩ rằng bạn đang lừa họ.

Cách thứ 3: Thành thật
Hãy nói thật một phần điểm yếu của bạn, và cách bạn đã khắc phục nó. Tốt nhất là bạn trình bày một điểm nào đó mà trước đây từng là điểm yếu của bạn nhưng giờ bạn đã khắc phục được nó.

Ví dụ: Tôi là người cầu toàn, vì vậy tôi không muốn giao việc cho người khác. Nhưng tôi nhận ra rằng, để phát triển một nhóm, từng cá nhân trong nhóm đó cần phải thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau và điều đó rất tốt để tạo thành một nhóm làm việc hiệu quả.

b. Các mẹo trả lời cho câu hỏi phỏng vấn về “điểm yếu”:
• Đây là câu hỏi rất phổ biến trong các buổi phỏng vấn, vì vậy đừng cố tránh để không phải trả lời chúng.
• Không nên nói về những điểm yếu có liên quan tới các yêu cầu quan trọng của công việc.
• Đừng cố gắng “tô vẽ” thêm cho điểm yếu
• Đừng nói rằng bạn không có điểm yếu. Không ai là hoàn hảo, vì vậy, bạn không nên nói bạn chẳng có điểm yếu nào cả.

4. Mục tiêu nghề nghiệp của bạn là gì?

a.Mục đích của câu hỏi này nhằm:

• Kiểm tra khả năng và tham vọng của bạn cũng nhưng khả năng lập kế hoạch cho tương lai
• Nhà tuyển dụng muốn xác định mục tiêu nghề nghiệp của bạn có phù hợp với những mục tiêu, chiến lược lâu dài hoặc nhu cầu nhân sự trước mắt của công ty hay không.

b.Các cấp độ của mục tiêu nghề nghiệp

Chưa chắc chắn về mục tiêu của mình: Hiện tại tôi đang tập trung vào nhiệm vụ và mục tiêu của công ty nên tôi chưa có mục tiêu dài hạn cho riêng mình.
Mục tiêu trước mắt: Tôi muốn tìm được công việc phù hợp và có thể đi làm ngay.
Mục tiêu ngắn hạn (1 – 2 năm): Tôi sẽ học lấy bằng BMA hoặc một loại bằng nào đấy…
Mục tiêu trung hạn (3 – 5 năm tới): Trở thành trưởng phòng / trưởng nhóm hoặc chuyên gia trong lĩnh vực đang làm.
Mục tiêu dài hạn (5 – 10 năm tới): Trở thành giám đốc kinh doanh khu vực trong 2 năm tới và bạn muốn trở thành giám đốc kinh doanh vùng trong 5 năm tiếp theo.
c.Xác định mục tiêu phù hợp:
• Những mục tiêu này có phù hợp với công việc mà bạn đang xin hay không?
• Những mục tiêu này có giúp ích cho công việc hiện tại của bạn hay không?
• Những mục tiêu này có giúp công việc của bạn phát triển trong 3-5 năm tới không?
d.Làm thế nào để đạt được mục tiêu?
• Thiết lập danh sách những việc bạn cần phải làm để đạt được mục tiêu.
• Đảm bảo danh sách của mình rõ ràng, hợp lý và có tính khả thi.
• Sắp xếp chúng theo thứ tự ưu tiên và thực hiện chúng hàng ngày.

5. Tại sao bạn lại bỏ việc?
a. Bạn có thể chuẩn bị trước một số câu trả lời cho những câu hỏi như thế này:
• Tôi luôn sẵn sàng đối mặt với các thách thức mới để có cơ hội thăng tiến.
• Công ty đã thu hẹp lĩnh vực đầu tư và không còn tập trung vào lĩnh vực mà tôi đang làm. Tôi phải chuyển qua một công việc mới mà tôi hoàn toàn không có kinh nghiệm và khả năng đảm trách. Vì vậy tôi ra đi để công ty tuyển dụng người khác phù hợp hơn.
• Công ty chuyển địa điểm quá xa chỗ ở của tôi.
b.Những điều bạn không nên nói:
• Than phiền về sếp cũ hoặc đồng nghiệp cũ
• Tôi đã không hoàn thành công việc của mình.
• Tôi sẽ ngồi vào vị trí của nhà tuyển dụng trong 5 năm tới

6. Tại sao bạn lại muốn làm việc cho công ty chúng tôi?

a. Mục đích của câu hỏi này nhằm:

Người phỏng vấn mong đợi một câu trả lời cho thấy bạn đã cân nhắc kỹ lưỡng về công ty mình muốn làm việc chứ không phải là bạn đã gửi đi bao nhiêu hồ sơ xin việc và chờ đợi người ta gọi điện tới.

b. Để trả lời tốt câu hỏi này, bạn nên chuẩn bị trước theo những gợi ý sau:
• Tìm hiểu về công ty mà bạn xin tuyển dụng và đọc kỹ về vị trí mà bạn mong muốn.
• Chuẩn bị sẵn 2 – 3 lý do bạn muốn làm việc cho công ty

c. Một số câu trả lời mẫu:
• Công việc này là một thách thức mới và là kinh nghiệm quý giá để giúp tôi phát triển
• Tôi được biết rằng công ty có chính sách tốt về đào tạo và phát triển. Đây thực sự là cơ hội tốt cho tôi để phát triển sự nghiệp.
• Đây là một lĩnh vực mới tại Việt Nam. Tôi đã có kiến thức và kinh nghiệm về ngành này, và mong muốn được trở thành một chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực này. Vì vậy, tôi mong muốn có được cơ hội để phát nghề nghiệp tại đây.

7. Bạn nghĩ bạn có thể hợp tác với chúng tôi trong bao lâu, nếu bạn được tuyển dụng vào công ty

a. Một vài gợi ý cho câu trả lời

• Không nhất thiết phải trả lời chính xác khoảng thời gian, nếu không bạn sẽ khiến cho nhà tuyển dụng nghĩ rằng bạn sẽ không làm việc lâu dài
• Đưa ra con số chính xác trong trường hợp này không phải là 1 ý kiến hay, và câu trả lời bạn có thể sử dụng là “Tôi muốn hợp tác lâu dài” hoặc “Tôi sẽ còn hợp tác, miễn là công ty cảm thấy hài lòng về hiệu quả công việc tôi mang lại”
b. Một vài câu trả lời mẫu
• Tôi mong muốn có thể làm việc lâu dài tại công ty, và bản thân tôi tự tin rằng tôi làm việc hiệu quả.
• Tôi đã từng làm việc với công ty trước trong vòng…. năm. Qua đó, công ty cũng thấy rằng tôi là người trung thành trong công việc. Vì thế, chỉ cần công việc tốt, có cơ hội phát triển, tôi sẽ rất vinh dự được hợp tác lâu dài.
• Sở dĩ tôi ứng cử vào vị trí này là ngay từ đầu tôi đã có hứng thú với nó. Tôi có đủ khả năng làm tốt được công việc trên vì tôi được đào tạo đúng chuyên ngành, có niềm đam mê và có thể bắt tay ngay vào để làm việc. Hơn nữa, nếu như quý công ty luôn tạo điều kiện tốt cho công việc của tôi thì không có lý do gì tôi phải từ bỏ nó cả.

8. Tại sao bạn nghĩ rằng bạn sẽ làm tốt công việc này?

Bạn hãy đưa ra một số lý do kèm theo các kỹ năng, kinh nghiệm và sự đam mê trong công việc.

1. Tôi là người học hỏi nhanh và làm việc tốt trong môi trường công việc áp lực. Khi làm việc trong một nhóm, tôi có thể truyển cảm hứng và động lực cho các thành viên khác hoàn thành công việc đáp ứng những mục tiêu chung của công ty.

2. Tôi tự tin hoàn thành tốt công việc của vị trí mà công ty yêu cầu nhờ kinh nghiệm làm việc tôi đã đúc kết được từ các công việc trước. Với sự đam mê học hỏi những điều mới mẻ và những kỹ năng được cải thiện, tôi tin mình sẽ thành công từ công việc này.

3. Tôi có kỹ năng, kinh nghiệm, động lực, sự đam mê và mục tiêu rõ ràng là đạt được thành công với công việc này. Vì vậy, tôi tin tưởng mình sẽ hoàn thành tốt công việc nếu được tuyển dụng.

9. Đồng nghiệp hay bạn bè đánh giá bạn là người như thế nào?
Mẫu 1:

Bạn cần chuẩn bị một hoặc hai đoạn trích dẫn lời nhận xét, đánh giá từ đồng nghiệp, một bản trình bày cụ thể hoặc một đoạn diễn giải. Hãy diễn giải như thể đồng nghiệp của bạn đang trả lời phỏng vấn vậy.

Thí dụ: “Anh Nguyễn Thành Nam, một đồng nghiệp làm việc cho Công ty Ngọn lửa Việt, đã nhận xét tôi là một trong những nhân viên chăm chỉ nhất mà anh ấy từng biết đến”

Mẫu 2

Đồng nghiệp của tôi luôn đánh giá tôi một thành viên nhóm xuất sắc khi đưa ra những lời khuyên thuyết phục, đúng thời điểm và luôn biết cân bằng được những áp lực trong công việc.

Mẫu 3
Tôi luôn được tôn trọng cao khi làm việc cùng những đồng nghiệp trẻ, và được nhận xét là một thành viên nhóm hài hước, biết cách tổ chức, sắp xếp công việc, hướng dẫn tận tâm cho những bạn đồng nghiệp còn non kinh nghiệm và luôn được mọi người trong công ty tin tưởng.

10. Bạn biết gì về công ty của chúng tôi?


Hiểu biết về nhà tuyển dụng sẽ giúp bạn vững vàng hơn khi trả lời các câu hỏi do nhà tuyển dụng đặt ra. Vì vậy bạn nên tìm hiểu chi tiết các thông tin như lịch sử hình thành, sản phẩm thương hiệu, tầm nhìn, định hướng chiến lược hay cơ cấu tổ chức, thành tựu đạt được qua website của công ty.

Một số câu trả lời mẫu:
1. Một công ty tốt phải có sự quản lý tốt. Nếu tôi được tuyển dụng, tôi sẽ được làm việc trong một môi trường làm việc tốt cũng như có thêm những kiến thức quí báu.

2. Theo tôi, đây là một trong những công ty có môi trường làm việc tốt, đem lại công việc phù hợp cho nhân viên, mang một tiềm năng phát triển lâu bền trong thời đại công nghệ thông tin hiện nay. Công ty bạn là một tổ chức hội tụ đầy đủ các yếu tổ như môi trường làm việc, các kỹ năng phát triển cho nhân viên.


11. Bạn có những kinh nghiệm gì trong lĩnh vực này? Bạn đã có kinh nghiệm làm việc thực tế hay chưa?

a. Một số gợi ý cho câu trả lời

• Nếu bạn chỉ có kiến thức từ quá trình học tập phù hợp với yêu cầu của công ty tuyển dụng, hãy giải thích bạn đã học những gì và bạn sẽ áp dụng kiến thức đó vào công ty như thế nào.
• Nếu bạn có kinh nghiệm, hãy kể cụ thể cho họ nghe về các công việc bạn từng làm, những kinh nghiệm đã có được trong quá khứ, và thành quả bạn đã đạt được trong các công việc trước đó.

b. Một vài câu trả lời mẫu
Tôi bắt đầu làm những công việc liên quan đến máy tính từ năm 2001, đến nay tôi đã có 15 năm kinh nghiệm về lĩnh vực này, trong đó có khoảng thời gian tôi đã từng làm việc cho Công ty Dell. Tôi cũng có chứng chỉ về sửa chữa máy tính và hỗ trợ hệ thống mạng. Bản thân tôi đã tự thiết kế 3 máy tính gần nhất theo ý mình.

12. Bạn mong muốn mức lương như thế nào?
a. Hướng dẫn trả lời:


Đây là một câu hỏi “bẫy”. Được xem như trò chơi mà bạn có thể thua cuộc nếu không chơi thông minh. Vì vậy, hãy đừng trả lời thẳng câu hỏi này. Thay vào đó, hãy nói hỏi thêm về quy mô, khối lượng của vị trí công việc này. Trong hầu hết các trường hợp, người phỏng vấn sẽ trả lời câu hỏi này của bạn. Có trường hợp thì tuỳ thuộc vào chi tiết từng vị trí công việc.

b.Mẫu trả lời
1. Với tôi tiền lương là nhu cầu quan trọng nhưng không phải là quan trọng nhất. Điều quan trọng nhất là tôi có thể mang lại hiệu quả gì trong công việc. Tôi luôn muốn cống hiến cho công việc trong một môi trường làm việc tốt.

2. Là một nhân viên kinh doanh, điều quan trọng với tôi là có thu nhập theo khả năng. Tôi sẽ cố gắng nỗ lực hết sức trong công việc nhưng cũng mong muốn nhận được mức thu nhập xứng đáng. Công ty có thể cho tôi biết lương cơ bản cho vị trí này, và doanh số được tính như thế nào? Hiện nay với những người cùng làm công việc như tôi, thu nhập bình quân mỗi tháng của họ là bao nhiêu?

13. Điều gì khiến bạn khó chịu với đồng nghiệp?
a. Gợi ý trả lời:

• Đây là một câu hỏi bẫy. Cho dù nghĩ kỹ thì bạn vẫn không thể nghĩ ra điều gì khiến bạn khó chịu. Chỉ cần nói ngắn gọn rằng có vẻ như bạn vẫn ăn ý với đồng nghiệp của mình là quá tốt rồi.
• Hãy tỏ ra chuyên nghiệp. Nói xấu ai đó hay tiết lộ những bí mật không hay chẳng bao giờ dành được sự tin tưởng cả. Nói tiêu cực chỉ chứng tỏ bạn, chứ không phải họ, có nhân cách không tốt. Hãy để mọi sự ghanh ghét biến mất và trả lời về việc bạn và đồng nghiệp đã hợp tác tốt và ăn ý như thế nào.

b. Trả lời mẫu:

• Nếu đồng nghiệp bắt đầu tán gẫu trong giờ làm việc, điều đó khiến tôi khó chịu và anh ta cũng không thể hoàn thành được công việc mà tôi giao cho.
• Tôi tin rằng việc luôn luôn chuyên nghiệp có ý nghĩa tối quan trọng, đặc biệt là trong môi trường làm việc. Chúng ta đều có những khác biệt về chính kiến, nhưng chúng ta là người lớn, chẳng có gì mà không thể cùng bàn bạc và đi đến một thỏa thuận thân tình cả.

14. Bạn có nghĩ rằng bạn đã thành công?
a. Mẹo trả lời:

Hãy luôn trả lời rằng bạn có nghĩ như vậy nhưng nhớ kèm theo lời giải thích ngắn gọn. Bạn phải trình bày chính xác tại sao bạn nghĩ rằng bạn đã thành công, ví dụ, bạn có thể nói rằng bạn là người luôn làm theo mục tiêu đã định sẵn và bạn đã đạt được mục tiêu bạn đề ra.

b. Câu trả lời mẫu:

“Tôi nghĩ rằng mình đã thành công. Tôi đã thành công trong những việc mà tôi từng làm. Điều đó không có nghĩa là tôi chưa từng mắc sai lầm, nhưng cuối cùng, tôi tích lũy được kinh nghiệm và kỹ năng để có thể vượt qua trở ngại và hoàn thành mục tiêu. Nếu tôi có cơ hội, tôi sẽ chứng minh tôi có thể giành được thành công ở vị trí mà tôi được giao”

15. Hãy nói về đạo đức nghề nghiệp của bạn?

a. Mẹo trả lời:

Hãy nhấn mạnh những lợi ích mà bạn có thể mang lại cho công ty. Ví dụ như, luôn hoàn thành công việc, làm việc rất chăm chỉ và bạn cũng tìm thấy niềm vui trong đó. Hãy đưa ra các ví dụ và miêu tả ngắn gọn những thói quen làm việc của bạn. Hãy tự đặt ra các câu hỏi rồi tự mình trả lời: Bạn có thể giải quyết nhiều dự án cùng một lúc không? Bạn mất bao lâu để hoàn thành chúng? Bạn có phải là người biết sắp xếp công việc không?

b. Câu trả lời mẫu:
1. Tôi rất trung thực trong công việc. Tôi chưa bao giờ làm khách hàng của mình thất vọng. Tôi rất cẩn thận và tôi không bao giờ đi tắt trong công việc.

2. Tôi luôn thể hiện đạo đức nghề nghiệp bằng cách làm việc đúng giờ và hoàn thành tất cả các nhiệm vụ được giao. Tôi là một người làm việc chăm chỉ và điều đó được thể hiện qua kết quả công việc.




 
Back
Bên trên