Sinh nghề - Vinh nhục nghiệp - Làm QHKH ở NH trong nước và NH nước ngoài độ nhục khác nhau thế nào?

cocghe266

Administrator
Chia sẻ từ FB Hien Phi.

Đệ của mình suốt ngày bảo sống tiết kiệm thôi để dành phắn sớm đi, chứ thấy làm nghề này nhiều khi nhục quá! Việc chi mà phải khổ quá vì tiền. Có biết đâu mình lại muốn làm nghề này đến năm 80 tuổi. Mới hơn 30 tuổi thì khả năng chịu nhục còn tốt. Thử ngồi suy nghĩ làm quan hệ khách hàng ở Ngân hàng trong nước với ở Ngân hàng nước ngoài độ nhục nó khác nhau thế nào.

Ngân hàng trong nước

Không kém RM ngân hàng nước ngoài, RM trong nước cũng quần là áo lượt, đồng phục xinh tươi. Chỉ có điều đi lại có thể bằng nhiều phương tiện từ đi bộ, xe máy đến ô tô tới gặp khách hàng. Mục tiêu đa dạng hoá đối tượng, chính sách linh hoạt nên chỉ tiêu kinh doanh cũng là gánh nặng, bị thúc hàng tuần chứ đừng nói hàng tháng. Thế là phải ngồi nghĩ ra chiêu trò tiếp cận đối tượng. Gọi điện thoại xin gặp không được vì không qua nổi cửa con tổng đài, di động trực tiếp thì bị từ chối cuộc gọi vì tưởng là mấy đứa bán bảo hiểm. Thế là phải tìm cách lân la, mon men canh trước Công ty, xông thẳng vào hang cọp, ráng tán cô kế toán xem anh CFO thuộc e gì, ông chủ ra sao,... Lần mò ra email của anh thì phải ngồi động não viết một bức thư ấn tượng để anh để ý mà muốn gặp em. May mắn gặp anh xong về phải đu theo không tới tấp thì cũng có chu kỳ để anh không quên em là ai. Bây giờ cũng phải đỡ ngu hơn lúc trước. Biết anh quan tâm đến tỷ giá, mỗi tuần ráng nghe bập bõm thông tin thị trường, nhắn vài tin tư vấn anh xu hướng. Thấy anh trăn trở về Công ty cũng phải ráng tìm hiểu ngành nghề để thêm lời cho anh. A B C D cho đến ngày anh không thể sống thiếu em và anh mở tài khoản đây.

Có được anh rồi, phải ngồi ôm anh thật chặt không đứa khác nó lấy mất. Các bọn ngân hàng trong nước khác bây giờ kinh lắm. Nay rủ anh đi nhậu; mai mời anh đi hội thảo, cuối tuần đi đánh Golf. Anh có vướng mắc gì trong giao dịch phải xốc vác ngay kẻo anh giận. Cũng không quên o bế các em kế toán, xuất nhập khẩu để các em ấy ủng hộ, không đâm chọc bậy bạ. Luôn nghe ngóng tình hình để nhảy vào hốt deals, không bị ngân hàng khác cướp mất.

Được cái nhục là thế, nhưng gặp khách hàng tốt, được sếp chống lưng thì hồ sơ đi nhanh như chớp. Mấy em vận hành đố dám làm khó, sếp đập te tua. Công cụ bán hàng cứ thế là tung. Lâu lâu khách chỉ cho vài thông tin nội bộ tha hồ mà buôn cổ phiếu. Kiếm tiền hợp pháp, chả mang tiếng là ăn uống, gian lận.

Chỉ sợ mỗi thằng sếp tham lam, chỉ đạo làm hồ sơ bậy bạ láo lếu thì chết không kịp ngáp. Cái nhục này nặng ngàn kg!

Thi thoảng mấy ông Thanh tra Ngân hàng đến viếng là lo ngay ngáy xem hồ sơ đã làm đúng quy chế chưa. Lộn xộn ổng bắt cho cái tội Cố ý làm trái thì đứt cước.

Ngân hàng nước ngoài

Cái nhục của nghề RM ở đây không đến từ khách hàng mà đến từ những nguyên tắc nội bộ. Một hệ thống kiểm soát quá bài bản dẫn đến cứng nhắc và tạo cho khối vận hành trí tưởng tượng về rủi ro một cách thái quá và cực đoan. Đôi khi tưởng là tốt nhưng lại làm hại Ngân hàng và làm mất hình ảnh trong mắt khách hàng về một định chế tài chính thông minh và chuyên nghiệp.

Để một giao dịch được thực hiện trơn tru, người Giám đốc quan hệ khách hàng phải can thiệp vào từ vận hành, kiểm soát đến quay lại thuyết phục khách hàng nếu có vướng mắc không thể chiến đấu được với nội bộ. Email qua lại tới lui nhiều khi chỉ vì một cái giao dịch không phải là to tát nhưng phải cố vì khách hàng, vì uy tín. Những vấn đề liên quan đến pháp lý, RM phải đọc luật, cố hiểu luật, cố tìm ra mối liên hệ bản chất giữa các chứng từ và các quy định để tranh luận với ban Pháp chế/ Tuân thủ để giao dịch được đi.

Các vấn đề về Phòng chống rửa tiền và Hiểu Khách Hàng KYC mới là nhức mình cho RM. Ai mà không muốn biết doanh nghiệp từ đâu mà có, ông chủ vì sao mà giàu. Nhưng để hiểu được câu chuyện đó ở đất nước Việt Nam này đâu đơn giản. Phải lượn lờ vòng vo, kết nối nhiều sự kiện để ra câu chuyện khởi nghiệp của anh! Hỏi không khéo anh chửi cho mốc mặt! Nhục vì thấy mình không giống ai.

Vụ giao dịch xong xuôi, chứng từ còn thiếu phải yêu cầu khách bổ sung cũng ác mộng không kém. Những thứ chứng từ vài ngày có thể bổ sung ngay thì không sao. Những thứ để cả mấy tháng, khách làm biếng không thèm gửi. Giục giã lẫn năn nỉ cũng chả đưa. Nói quá thì sợ ảnh hưởng quan hệ vì mấy chú Ngân hàng trong nước đâu có đòi hỏi nhiêu khê thế. Mà để nợ chứng từ lâu quá thì chết với mấy ông bà Giám đốc Vận hành lẫn Quản lý rủi ro. Nào là cho là thế nọ thế kia. Có biết đâu là kể cả lấy được chứng từ về rồi, nhân viên của các ông các bà lấy lý do bận quá không kiểm tra được để xoá nợ hoặc là kiểm tra xong, xác nhận với mình là hết nợ rồi. Vài tháng sau vẫn nằm chình ình ở trên pending list. Quay lại đòi khách nữa họ đập cho chết. Còn nữa, sợ nhất là nhận lại khách hàng của những ông bà đã nghỉ việc để lại danh sách nợ chứng từ 1-2 năm không đòi được thì thật là đau khổ cho RM. Không giải quyết được thì các giao dịch hiện tại sẽ bị tắc mà giải quyết thì đau thương. Vận hành, pháp chế lẫn rủi ro đều phủi tay. Không ai phê duyệt cho xoá nợ chứng từ cả cho đến khi RM vật vã lạy lục khách hàng bổ sung cho bằng được.

Nói về chính sách tín dụng, xét duyệt cho vay và hiệu lực hoá hạn mức thì ở ngân hàng nước ngoài cũng ác mộng cho RM lắm. Sự thận trọng khiến cung đường xét duyệt có thể lâu hàng tháng, thậm chí cả nửa năm. Đến khi xong xuôi thì khách có khi cũng chẳng cần nữa. Sau khi được phê duyệt xong thì phải mất thêm cả tháng qua lại với bộ phận hỗ trợ tín dụng mới có được nổi hạn mức. Thủ tục rườm rà, quan điểm phức tạp. Sự thận trọng có thể khiến mình phải bỏ chạy nhanh dù bom có thể không nổ và phải chịu tai tiếng với khách là đối tác không trung thành. Ngân hàng trong nước sẽ không quá lạnh lùng khi khách gặp khó nhưng có lối ra nhưng với Ngân hàng nước ngoài thà chạy lầm còn hơn chết ngốc. Có những sự hy sinh thật đau đớn và ám ảnh nhưng không có lựa chọn nào khác.

RM của Ngân hàng nước ngoài không được phép kinh doanh cổ phiếu của khách hàng mình đang quản lý. Dù biết mười mươi thời điểm nào mua sẽ giàu to nhưng cũng chỉ biết liếm môi câm nín.

Có cái vinh của RM Ngân hàng nước ngoài đó là Danh tiếng của Ngân hàng là công cụ bán hàng tối thượng. Vì luôn đặt an toàn là trên hết nên RM luôn cảm thấy tự tin khi thuyết phục khách hàng giao chìa khoá cho Ngân hàng mình. Sự tin tưởng đó khiến RM có thể thuyết phục khách đáp ứng những đòi hỏi khó và khác của Ngân hàng trong ưng thuận. Chưa kể kinh nghiệm toàn cầu của Ngân hàng làm cho lời tư vấn của RM khi đại diện cho Ngân hàng trở nên giá trị và đáng tin cậy trong mắt khách hàng.

Nỗi nhục nào cũng có giá của nó. Nhục để có Vinh. Có những lúc trong nhục, tôi muốn bỏ chạy nhưng nghĩ đến lợi nhuận tăng vùn vụt cho Ngân hàng, nghĩ đến những cảm xúc vui buồn cùng khách, nghĩ đến tầm nhìn rộng mở qua nhiều loại hình khách hàng khác nhau, tôi mỉm cười với vinh và nhục của nghề này. Mỗi ngày là một học hỏi và trải nghiệm khác nhau. Một nghề không bao giờ cũ. Một nghề không bao giờ ngừng học. Một nghề phải bình thản trước mọi lời khen chê, không ảnh hưởng bởi cảm xúc của người khác. Yêu khách hàng bằng con tim nhưng làm việc cho Ngân hàng bằng lý chí! Tất cả là thử thách!
 
Ko biết bạn đã làm bank ngoại chưa, chứ ko có chuyện nhận nợ từ người cũ nhé!
 

Tin tuyển dụng mới nhất

Thống kê MXH

Tổng số chủ đề
34,574
Số bình luận
528,077
Tổng số thành viên
351,222
Thành viên mới nhất
milfnutlife
Back
Bên trên