Phân loại tài sản cố định

Do TSCĐ trong doanh nghiệp có nhiều loại, với nhiều hình thái biểu hiện, tính chất đầu tư, công dụng và tình hình sử dụng khác nhau…nên để thuận lợi cho quản lý và hạch toán TSCĐ, cần sắp xếp TSCĐ vào từng nhóm theo những đặc trưng nhất định như phân theo hình thái biểu hiện, theo quyền sở hữu, theo dặc trưng kỹ thuật, …Mỗi cách phân loại có các tác dụng khác nhau đối với công tác hạch toán và quản lý.

a.Phân loại TSCĐ theo hình thái biểu hiện.

Theo cách phân loại này, TSCĐ trong doanh nghiệp bao gồm TSCĐ hữu hình và TSCĐ vô hình.
TSCĐ hữu hình: Là những TSCĐ có hình thái hiện vật cụ thể như nhà xưởng, máy móc thiết bị, phương tiện vận tải, vật kiến trúc…

TSCĐ vô hình: Là những TSCĐ không có thực thể hữu hình nhưng đại diện cho một quyền hợp pháp nào đó và người chủ sở hữu được hưởng quyền lợi kinh tế.
Các ví dụ về TSCĐ vô hình là: Chi phí thành lập doanh nghiệp, chi phí nghiên cứu và phát triển, bằng sáng chế, phát minh…

Phân loại TSCĐ theo hình thái biểu hiện giúp cho người quản lý có một cách nhìn tổng thể về cơ cấu đầu tư của doanh nghiệp. Đây là một căn cứ quan trọng để xây dựng các quyết định đầu tư hoặc điều chỉnh phương hướng đầu tư phù hợp với tình hình thực tế. Ngoài ra, các phân loại này còn giúp doanh nghiệp có các biện pháp quản lý tài sản, tính toán khấu hao khoa học và hợp lý đối với từng loại tài sản.

b. Phân loại tài sản cố định theo quyền sở hữu.

Căn cứ quyền sở hữu, TSCĐ của doanh nghiệp được chia thành hai loại: TSCĐ tự có và TSCĐ thuê ngoài.
– TSCĐ tự có là các TSCĐ được xây dựng, mua sắm và hình thành từ nguồn vốn ngân sách cấp hoặc cấp trên cấp, nguồn vốn vay, nguồn vốn liên doanh, các quỹ của doanh nghiệp và các TSCĐ được biếu, tặng.. Đây là những TSCĐ thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp và được phản ánh trên Bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp.
– TSCĐ thuê ngoài là TSCĐ đi thuê để sư dụng trong một thời gian nhất định theo hợp đồng thuê tài sản. Tuỳ theo điều khoản của hợp đồng thuê mà TSCĐ đi thuê được chia thành TSCĐ thuê tài chính và TSCĐ thuê hoạt động.
– TSCĐ thuê tài chính: Là các TSCĐ đi thuê nhưng doanh nghiệp có quyền kiểm soát và sử dụng lâu dài theo các điều khoản của hợp đồng thuê nhà. Theo thông lệ Quốc tế, các TSCĐ được gọi là thuê tài chính nếu thoả mãn một trong các điều kiện sau đây:

+ Quyền sở hữu TSCĐ thuê được chuyển cho bên kia thuê khi hết hạn hợp đồng.
+ Hợp đồng cho phép bên đi thuê được lựa chọn mua TSCĐ thuê với giá thấp hơn giá trị thực tế của TSCĐ thuê tại thời điểm mua lại.
+ Thời hạn thuê theo hợp đồng ít nhất phải bằng 3/4 (75%) thời gian hữu dụng của TSCĐ thuê.
+ Giá trị hiện tại của khoản chi theo hoạt động ít nhất phải bằng 90% giá trị của TSCĐ thuê. TSCĐ thuê tài chính cũng được coi như TSCĐ của doanh nghiệp, được phản ánh trên Bảng cân đối kế toán và doanh nghiệp có trách nhiệm quản lý, sử dụng và trích khấu hao như các TSCĐ tự có của doanh nghiệp.
+ TSCĐ thuê hoạt động: là TSCĐ thuê không thoả mãn bất cứ điều khoản nào của hợp đồng thuê tài chính. Bên đi thuê chỉ được quản lý, sư dụng trong thời hạn hợp đồng và phải hoàn trả cho bên cho thuê khi kết thúc hợp đồng.
Phân loại TSCĐ theo quyền sử hữu giúp cho việc quản lý và tổ chức hạch toán phù hợp theo từng loại TSCĐ, góp phần sử dụng hợp lý và có hiệu quả TSCĐ ở doanh nghiệp.

c. Phân loại TSCĐ theo đặc trưng kỹ thuật.

Theo đặc trưng kỹ thuật, từng loại TSCĐ hữu hình và TSCĐ vô hình được phân loại, sắp xếp một cách chi tiết, cụ thể hơn.

– Đối với TSCĐ hữu hình gồm:
+ Nhà cửa, vật kiến trúc: Gồm nhà làm việc, nhà ở, nhà kho, xưởng sản xuất, cửa hàng, gara
để xe, chuồng trại chăn nuôi, giếng khoan, bể chứa, sân phơi, cầu cống, đường sá, hàng rào…
+ Máy móc, thiết bị: Gồm các máy móc thiết bị động lực, máy móc thiết bị công tác và các loại máy móc thiết bị khá dùng trong sản xuất kinh doanh.
+ Phương tiện vận tải, truyền dẫn: ô tô, máy kéo, tàu truyền ca nô dùng trong vận chuyển; hệ thống đường ống dẫn nước, dẫn hơi, ôxy, khí nén, hệ thống đường dây dẫn diện, hệ thống truyền thanh… thuộc TSCĐ của doanh nghiệp.
+ Thiết bị dụng cụ quản lý: Gồm các thiết bị sử dụng trong quản lý kinh doanh, quản lý hành chính, dụng cụ đo lường, thí nghiệm.
+ Cây lâu năm, gia súc cơ bản.
+ TSCĐ khác: Gồm các loại TSCĐ chưa được xếp vào các loại TSCĐ nói trên (tác phẩm nghệ thuật, sách báo chuyên môn kỹ thuật…).
– Đối với TSCĐ vô hình, gồm:
+ Quyền sử dụng đất: Là giá trị đất, mặt nước, mặt biển hình thành do phải chi phí để mua,
đền bù, san lấp, cải tạo nhằm mục đích có được mặt bằng SXKD.
+ Chi phí thành lập doanh nghiệp: Là các chi phí phát sinh để thành lập doanh nghiệp như chi phí thăm dò, lập dự án đầu tư, chi phí huy động vốn ban đầu, chi phí hội họp… nếu những người tham gia thành lập doanh nghiệp xem xét, đồng ý coi như một phần vốn góp của mỗi bên và được ghi trong vốn điều lệ của doanh nghiệp.
+ Bằng phát minh sáng chế: Giá trị bằng phát sinh sáng chế là các chi phí doanh nghiệp phải trả cho các công trình nghiên cứu, sản xuất thử được Nhà nước cấp bằng phát minh, sáng chế hoặc số tiền doanh nghiệp mua lại bản quyền bằng sáng chế, phát minh.
+ Chi phí nghiên cứu, phát triển: Là các chi phí doanh nghiệp tự thực hiện hoặc thuê ngoài thực hiện các công trình có quy mô lớn về nghiên cứu, lập các đề án, kế hoạch, dự án đầu tư phát triển nhằm đem lại lợi ích lâu dài cho doanh nghiệp.
+ TSCĐ vô hình khác: Gồm quyền đặc nhượng, quyền thuê ngoài, bản quyền tác giả (tác quyền), quyền sử dụng hợp đồng, độc quyền nhãn hiệu và tên hiệu… Quyền đặc nhượng là các chi phí mà doanh nghiệp phải bỏ ra để có được đặc quyền thực hiện khai thác các nghiệp vụ quan trọng hoặc độc quyền về thị trường, độc quyền sản xuất một loại sản phẩm theo các hoạt động đặc nhượng ký kết với Nhà nước hoặc một đơn vị nhượng quyền.

Quyền thuê nhà là các chi phí sang nhượng, chuyển quyền mà doanh nghiệp nhận cho tác giả độc quyền phát hành và bán các tác phẩm của mình.
Độc quyền về nhãn hiệu và tên hiệu là chi phí phải trả cho việc mua lại nhãn hiệu hàng hoá hoặc tên hiệu doanh nghiệp nào đó.
Phân loại TSCĐ theo đặc trưng kỹ thuật giúp cho việc quản lý và hạch toán chi tiết, cụ thể theo từng loại, nhóm TSCĐ và phương pháp khấu hao thích hợp đối với từng loại, nhóm TSCĐ.

Ngoài các cách phân loại nói trên, trong kế toán quản trị còn có các cách phân loại TSCĐ khác nhằm đáp ứng các yêu cầu quản trị cụ thể của doanh nghiệp như phân loại TSCĐ theo công dụng kinh tế, phân loại TSCĐ theo tình hình sử dụng…
 

Tin tuyển dụng mới nhất

Thống kê MXH

Tổng số chủ đề
34,574
Số bình luận
528,077
Tổng số thành viên
351,224
Thành viên mới nhất
A Cursive Memor
Back
Bên trên