Những vướng mắc trong khởi kiện thu hồi nợ của TCTD Kỳ 1

haiduytran

Thành viên tích cực
Thực tiễn xử lý nợ cho thấy TCTD phải sử dụng nhiều giải pháp để xử lý nợ, nhưng nếu không đem lại hiệu quả thì khởi kiện ra Tòa án để thu hồi nợ sẽ là giải pháp cuối cùng. Tuy nhiên, việc khởi kiện thu hồi nợ của TCTD trên thực tế gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc.

Thu hồi nợ là một trong những hoạt động thường xuyên của TCTD đối với khách hàng vay vốn đến hạn trả nợ (gốc và lãi) và những khách hàng do TCTD quyết định chấm dứt Hợp đồng tín dụng và thu hồi nợ trước hạn do vi phạm nghĩa vụ trả nợ, sử dụng vốn không đúng mục đích…

Thực tiễn xử lý nợ cho thấy TCTD phải sử dụng nhiều giải pháp để xử lý nợ, nhưng nếu không đem lại hiệu quả thì khởi kiện ra Tòa án để thu hồi nợ sẽ là giải pháp cuối cùng. Tuy nhiên, việc khởi kiện thu hồi nợ của TCTD trên thực tế gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc.

Bài viết này phân tích những quy định của pháp luật, việc áp dụng pháp luật của các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc khởi kiện, những khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến việc thu hồi nợ của TCTD.

50b6fbf0a7c3e_medium.png

Các TCTD đang gặp nhiều vướng mắc trong việc thu hồi nợ do thủ tục nhiêu khê. (Ảnh: PV)

Thứ nhất, về việc xác định địa chỉ của người bị kiện và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Tại tiết 8.5 điểm 8 mục I Nghị quyết số 02/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân (TAND) Tối cao hướng dẫn: Trường hợp trong đơn khởi kiện không ghi đầy đủ cụ thể hoặc ghi không đúng tên, địa chỉ của người bị kiện; tên, địa chỉ của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, thì Toà án yêu cầu người khởi kiện ghi đầy đủ và đúng tên, địa chỉ của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Nếu người khởi kiện không thực hiện, thì Toà án căn cứ vào khoản 2 Điều 169 của Bộ luật tố tụng Dân sự (BLTTDS) trả lại đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo cho họ mà không được thụ lý vụ án. Việc Toà án thụ lý vụ án để sau đó ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án với lý do “chưa tìm được địa chỉ của bị đơn” là không đúng quy định của BLTTDS. Toà án cũng không được tự mình tiến hành thông báo tìm người bị kiện, vì đây là nghĩa vụ của đương sự.

Tại Công văn số 109/KHXX ngày 30/6/2006, TAND Tối cao cũng hướng dẫn tương tự như Nghị quyết số 02/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao.

Theo quy định tại khoản 9 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTDS thì các tranh chấp theo quy định tại khoản 1 Điều 29 BLTTDS thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND cấp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

Như vậy, có thể nói hầu hết các tranh chấp Hợp đồng tín dụng trước kia thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nay theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTDS đều do TAND cấp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh giải quyết.

Mặc dù Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao và Công văn số 109/KHXX ngày 30/6/2006 của TAND Tối cao chỉ quy định đơn khởi kiện phải ghi đầy đủ địa chỉ của người bị kiện và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, nhưng thực tế các Tòa án cấp huyện, quận đều yêu cầu TCTD phải cung cấp xác nhận địa chỉ của bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Nếu TCTD không cung cấp được xác nhận địa chỉ nêu trên thì Tòa án sẽ trả lại đơn khởi kiện không thụ lý vụ án.

Chúng tôi cho rằng yêu cầu (có xác nhận của chính quyền địa phương) của Tòa án là không có căn cứ bởi lẽ: Đơn khởi kiện của TCTD đã ghi đúng và đầy đủ tên, địa chỉ của người bị kiện và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án (kèm theo tài liệu chứng minh tên, địa chỉ của họ) theo quy định của BLTTDS.

Mặt khác, BLTTDS, Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao không quy định người khởi kiện trong trường hợp này phải xuất trình thêm văn bản xác nhận của chính quyền địa phương về tên, địa chỉ của người bị kiện và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Việc Toà án tự đặt ra yêu cầu trên và buộc người khởi kiện phải thực hiện đã gây nhiều khó khăn cho họ trong việc khởi kiện. Trên thực tế TCTD có văn bản gửi UBND xã, phường, thị trấn hoặc công an xã, phường, thị trấn nơi người bị kiện và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cư trú và đề nghị các cơ quan này xác nhận địa chỉ của những đối tượng này, nhưng các cơ quan này đã từ chối với lý do TCTD không có quyền yêu cầu xác nhận địa chỉ mà chỉ cơ quan công an mới có thẩm quyền.

Ths. Luật Nguyễn Hoàng Hưng (Văn phòng Luật sư An Phát Phạm)
 

Tin tuyển dụng mới nhất

Thống kê MXH

Tổng số chủ đề
34,577
Số bình luận
528,088
Tổng số thành viên
351,528
Thành viên mới nhất
caiwinvn
Back
Bên trên