Review Lý do ngân hàng tuyển bạn! Và câu chuyện tuyển người sai, có hay không?

kenfntnkg

Super Moderator
Super Mod
23451


Rất nhiều bạn chia sẻ với anh:
- Bằng cấp em đầy đủ, trường TOP mà sao ngân hàng không nhận?
- Em vào phỏng vấn tốt lắm, hội đồng hỏi rất nhiều và em đều trả lời tốt. Hội đồng đánh giá rất cao nhưng cuối cùng thông báo rớt.
- Em kinh nghiệm được vài bank trong khi trong danh sách đa số là sinh viên mới ra trường. Nhưng không hiểu sao em lại không được chọn mặc dù tuổi của chưa 30?
...

Có thể nói rất nhiều bạn tự đánh giá mình rất tốt nên ấm ức tại sao mình không được nhận? Mình đã sai cái gì? Thà lúc phỏng vấn nói luôn cho đỡ ấm ức. Chứ bao nhiêu hy vọng tràn trề thì nhận được mail rất tiếc bạn chưa phù hợp. Hay như chơi trò im lặng tháng này qua tháng nọ.

Ở góc nhìn của anh, nó có nhiều lý do sau đây:
1. Cần người về Phòng Giao dịch huyện: Đây là lý do rất thực tế, bank cần người địa phương tại địa bàn hơn là phải tuyển 1 người ở xa về đó công tác. Vì đa số làm 1 thời gian rồi sẽ xin về nhà hoặc lại xin nghỉ vì lý do xa nhà, xa vợ xa chồng xa con. Nên nếu hôm đó danh sách có 1 hoặc 2 người ở tại PGD huyện thì ngân hàng sẽ ưu tiên hơn mặc dù lợi thế không bằng những người còn lại.
2. Cần người có ngoại hình đẹp: Chi nhánh đang cần cải thiện mặt tiền, nên đợt tuyển dụng này sẽ cần những bạn có bề ngoài đẹp, bằng cấp vừa đủ là oke, không cần cao. Nên những ai lỡ như có bằng Thạc sĩ đi nữa mà không đúng yêu cầu của ngân hàng thì họ sẽ cân nhắc người phù hợp hơn.
3. Cần người năng động và biết ngoại giao: Làm ngân hàng là phải đi ngoại giao, nên việc nhà tuyển dụng tại thời điểm đó cần các bạn có điểm mạnh này. Nên khi phỏng vấn họ sẽ tập trung vào vấn đề này nhiều hơn hỏi nghiệp vụ. Câu nói khá nổi tiếng khi đi phỏng vấn ngân hàng là "Em uống được bao nhiêu chai" được lưu truyền đến tận bây giờ. Rất nhiều ngân hàng hạn chế hỏi câu này nhưng vẫn sẽ có cách khéo léo để hỏi bạn. Nhiều nhà tuyển sẽ cộng điểm ở yếu tố ngoại hình cho mục này.
4. Cần người có cây cao bóng cả sau lưng (bao gồm COCC và có thế lực tại địa phương): Ngân hàng là nơi kinh doanh, họ cần doanh số và lợi nhuận, nên tuyển người đôi khi là một chiến thuật nào đó cần thiết trong giai đoạn kinh doanh. Việc tuyển người đó vì gia đình có thế lực tại địa bàn, có số tiền vay tiền gửi lớn ở đơn vị khác nên cần phải có điểm mấu chốt gì đó để xây dựng quan hệ, cú hích nào đó cho việc này. Đây là câu chuyện thực tế mà nhiều bạn ấm ức đến mức ca thán, nhưng anh thấy đôi khi chúng ta phải chấp nhận số phận.
Chưa nói, nhà tuyển dụng nhiều khi họ cũng không thích thú với đối tượng này nếu nhân sự, doanh số đang ổn định. Nhưng vì áp lực nào đó họ phải chấp nhận tuyển dụng. Nên hên xui cho bạn rơi vào ngay đợt định biên chỉ tuyển 2 người mà đến 10 20 thi tuyển.
5. Cần người có kinh nghiệm: Ngân hàng đang cạnh tranh khốc liệt, nên tuyển người có kinh nghiệm bank khác và có lượng khách hàng riêng của mình là một giải pháp tối ưu. Sinh viên mới ra trường thường không có lợi thế này dù có trình bày em đi bán hàng online, phát tờ rơi, làm quán ăn, quán cafe, tiếp thị Sim số. Nhiều khi đơn vị đang thiếu người trầm trọng, cần người nhận bào giao hồ sơ của người cũ, mà định biên tuyển dụng mỗi lần khó nên rất cần người biết việc rồi để vào làm luôn, không qua đào tạo quá nhiều.
6. Cần tuyển sinh viên mới ra trường: Đối với các cấp quản lý như anh, việc tuyển người có kinh nghiệm là tình huống giải pháp nhất thời cho việc chạy số, hoàn thành kế hoạch kinh doanh. Tuy nhiên, nếu những áp lực này tại thời điểm tuyển dụng không quá cao, thì sinh viên mới ra trường nếu được đánh giá có năng lực, năng động, gương mặt sáng sủa thì sẽ là ưu tiên hàng đầu. Vì đây là những nhân viên được ví như tờ giấy trắng. Dễ sai bảo và chỉ dạy mặc dù khá mất thời gian ban đầu. Còn người có kinh nghiệm thường dễ bất đồng ý kiến vì có thể phong cách làm việc và quy trình quy chế bank cũ khác bank hiện tại. Chưa nói lãnh đạo có khi trẻ tuổi hơn nhân viên cũng dễ xung đột với đối tượng người có kinh nghiệm. Và nhiều lý do khác sẽ bàn sau.
7. Cần người ngoan ngoãn nghe lời: Đây là một thực tế mà nhiều bạn có cá tính mạnh gặp phải, kể cả Nam và Nữ. Nhiều bạn vào phỏng vấn có khả năng ứng biến rất tốt nhưng kèm theo là 1 cá tính quá mạnh, có khi đánh bật cả hội đồng phỏng vấn. Khiến hội đồng phỏng vấn nhiều phen đổ mồ hôi hột. Trong khi họ đang cần một người dễ sai, dễ bảo, ngoan ngoãn nghe lời hơn là một con ngựa hoang ngựa chứng. Hoặc cần một người trung hòa cho đơn vị hiện tại.
8. Cần nhân tố đặc biệt: Đó lạ những con ngựa hoang con ngựa chứng như anh nói. Họ cần ai đó khác biệt, lăn xả hơn nữa so với tình hình nhân sự hiện nay. Và quá ấn tượng với ứng cử viên này nên họ nhận để xem như thế nào, có xử lý những công việc khó mà nhân sự hiện tại không đáp ứng được.
9. Thiếu người quá, đang cần gấp nên thấy ổn thì nhận luôn: Nhiều bạn cứ nghĩ bank lúc nào cũng dư người. Nhưng thực tế đôi khi nghịch lại. Bank nhỏ bank lớn lúc nào nguồn nhân lực biến động rất lớn, nhất là các vị trí sale (GDV và Tín dụng). Chưa kể các bank nhỏ tìm người mãi không ra. Nên nhiều khi bạn chưa có bằng, đi nộp hồ sơ chơi chơi hay được ai đó giới thiệu, chỉ cần nói chuyện vài ba câu là oke, bạn được nhận rồi đó. Dễ như không tưởng nhỉ?
10. Nhiều lý do khác

Tuyển người như là MỘT CƠ HỘI ĐẦU TƯ SINH LỜI. Nhà tuyển dụng, nhất là ngân hàng luôn mong muốn tuyển đúng người mà tỷ lệ sinh lời: tiếp vụ công việc nhanh, hoàn thành tốt công việc, KPIs số má hoàn thành ngon lành hoặc giải quyết được các vấn đề CẦN NÊU TRÊN. Tuy nhiên, đã gọi là ĐẦU TƯ thì sẽ có LỖ và có khi TRẮNG TAY khi tuyển sai người.

Đứng trên vai người đi xin việc, chúng tao hay than thở và trách móc nhà tuyển dụng họ không tuyển mình. Hay tuyển tào lao khiến cho mình ức chế. Nhưng thực tế, nhà tuyển dụng nhiều khi vẫn tuyển sai, có khi rơi vào thế khó xử:

1. Tuyển để thế người sắp nghỉ: nhưng người sắp nghỉ không nghỉ nữa, tuyển vào thì dư. Nên thôi bảo chờ vậy!
2. Tuyển người để mở rộng mạng lưới: nhu cầu mở Phòng Giao dịch, phòng ban thêm. Tuyển xong thì không mở được PGD, phòng ban đó thế là nhân sự tuyển không cần thiết. Nếu chưa kêu đi làm thì báo chờ định biên hay dịp khác. Còn nếu nhận vào làm rồi phải xử lý n cách với số lượng nhân sự này.
3. Cần người làm được việc nhưng tuyển nhầm kẻ giỏi chém gió: Chỉ 1 buổi phỏng vấn ngắn ngủi, cao tay nhất là hơn 1 tiếng đồng hồ trao đổi thì giữa nhà tuyển dụng và ứng cử viên không thể hiểu nhau. Đôi khi chính bạn sống cuộc đời này 20 30 mấy năm mà vẫn chưa biết mình thích gì, đam mê gì và có khi nhiều lúc buồn mà chẳng biết vì sao tôi buồn mà!
Thế là lúc phỏng vấn, ứng cử viên chém gió thần phong, nào là em có số lượng khách hàng cực khủng, em quen ông này bà nọ, em giỏi cái này hồi đi học,... Nói chung hỏi gì cũng trả lời ngon. Nhưng tới nhận vào làm rồi thì thất vọng vô cùng. Tiếp thu công việc chậm, giao việc thì cù cưa có khi cả tháng không làm, chuyên làm việc riêng, hay ngồi than thở, chuyên đi chém gió và nhắc nhỏ không bao giờ nghe.
4. Tưởng ngoan nhưng ngoan không tưởng: Đoàn kết nội bộ là vấn đề đau đầu nhà quản lý, nên khi tuyển thì họ cũng hay cân nhắc việc này. Tưởng tuyển một người oke nhưng ai dè khi tuyển vào đó là lại nhân tố làm mất đoàn kết nội bộ nhất. Lãnh đạo phải điêu đứng bao nhiêu phiên để đứng ra hòa giải, xử lý những chuyện không đâu.
5. Người phỏng vấn không phải là người sử dụng bạn: Thường người phỏng vấn bạn sẽ là một hội đồng hoặc Giám đốc chi nhánh. Nhưng người tiếp nhận và quản lý bạn lại là Trưởng phòng, Trưởng bộ phận hoặc Giám đốc đội. Người mà không được tham dự hội đồng vì lý do nào đó. Thế là lúc phỏng vấn rất hợp nhưng về với phòng thì lại không hợp, có thể do mình hoặc do quản lý phòng. Thế là sai cứ sai, không hợp rồi thì cũng đủ câu chuyện xảy ra.
6. Tuyển lộn người người có cây cao bóng cả sau lưng (bao gồm COCC và có thế lực tại địa phương): đây là câu chuyện nhiều khi cười ra nước mắt với nhà quản lý, đôi khi tính quá cuối cùng lại bị bể kèo. Vì người được tuyển có rất ít quan hệ (bà con xa quá xa) hoặc quan hệ không đủ tầm với nhân vật quyền lực mà nhà tuyển dụng cần tiếp xúc. Có thể do sai số ở đâu đó. Hên thì Ứng cử viên này làm việc tốt, xui thì chỉ biết méo mặt vì chả được lợi điều gì cả.
Không phủ nhận COCC hiện nay nhiều bạn rất giỏi và cực giỏi vì nền tảng gia đình có sẵn nên đi con đường khá tốt. Nhưng cũng nhiều bạn ỷ thế gia đình, vào không lo làm việc mà lo gây sự kiếm chuyện với đơn vị của mình.
7. Nhanh chán mau nản, bị sốc môi trường, bị tâm lý: Đây là vấn đề nhức nhối hiện nay với các bank và cả chính các em cũng đang vướng phải. Vào bank mới 1 tuần 1 tháng vài tháng bị sốc vì số vì nghiệp vụ vì quan hệ đồng nghiệp và sếp. Thế là cả cơ thể căng cứng, tinh thần suốt ngày bị xì trét đến mức sáng thức dậy không muốn đi làm, đầu óc không sáng lên mà ngày càng tối hù... Với tinh thần như vậy rõ ràng không thể nào tập trung và hoàn thành tốt công việc nữa. Vì trong đầu lúc nào cũng muốn nghỉ và nghỉ. Nên nhiều bank tưởng tuyển vào sẽ ổn rồi nhưng quay qua quay lại thấy xin nghỉ. Thế là phải lên kế hoạch tuyển dụng tiếp. Có lẻ vì lý do này nhiều Hội đồng không còn thích câu "em sẽ làm việc với bank này suốt đời, trung thành bla bla gì đó". Vì nói rất hay nhưng vào làm đã thấy biến mất tiêu.
8. Còn nhiều nữa.

Lạm bàn với ý nhiều đây để nói rằng, chúng ta quen điểm 9 10 hoàn hảo. Mà nên nhìn cuộc đời này không có gì hoàn hảo cả. Không đậu bank này thì cũng đừng ấm ức. Bỏ qua và đi thi tiếp. Nếu phát hiện sai thiếu gì thì mình sửa ngay, nhất là các bạn thi 10 lần mà vẫn rớt thì lý do không phải ở bank mà nó nằm ở bạn.

MinSU
 
Chỉnh sửa lần cuối bởi người điều hành:

Tin tuyển dụng mới nhất

Thống kê MXH

Tổng số chủ đề
34,574
Số bình luận
528,077
Tổng số thành viên
351,229
Thành viên mới nhất
dkdagasv388
Back
Bên trên