Khi chọn ngành học, có nhất thiết phải tính trước sau này kiếm được bao nhiêu tiền?

The Banker

Super Moderator
Super Mod
Để chọn được một ngành học đúng chuẩn, học sinh chuyển cấp cần lưu ý các yếu tố sau đây.

Đối với rất nhiều học sinh, trong quá trình tìm hiểu chương trình học ở đại học, họ thường tính toán xem con đường nào là ngắn nhất dẫn tới một công việc ổn định, song sâu bên trong lại mong muốn có những cánh cửa rộng mở hơn với niềm đam mê của bản thân. Và bạn biết đó, công cuộc chọn ra một định hướng giữa hai lối đi đầy hứa hẹn ấy chưa bao giờ là dễ dàng.

“Mình có thật sự yêu thích ngành học này không?”

Giờ ta sẽ cùng gặp gỡ cô bạn Morgan McArthur - 21 tuổi, hiện đang là sinh viên Ngoại ngữ của trường Đại học Sheffield, Anh Quốc - vậy mà suýt nữa đã trở thành một bác sĩ nha khoa. Theo học chuyên môn khoa học suốt những năm tháng cấp 3 và lo lắng đến mất ăn mất ngủ về con đường sự nghiệp phía trước, ban đầu Morgan đã đăng kí vào chuyên ngành Nha khoa và Sinh học. Song khi kết quả nhận được thấp hơn so với kì vọng, thay vì buồn bã, Morgan bỗng có cảm giác nhẹ nhõm và điều đó làm cô bạn không khỏi ngạc nhiên: "Hóa ra mình cũng chẳng thích sinh học đến vậy".

Và giữa ngày trả kết quả đầy "hỗn loạn" ấy, Morgan chợt nhớ ra mình đã yêu thích môn Tiếng Pháp đến nhường nào - đó là môn học duy nhất ở cấp 3 mà cô được "rời xa" thế giới khoa học và tính toán. "Đó như là một lối thoát cho tôi. Cứ hình dung việc được học tiếng Pháp khi lên đại học là tôi lại thấy thật tuyệt vời". Như vậy, Morgan đổi sang chuyên ngành Ngoại ngữ - học tiếng Pháp, tiếng Nga và tiếng Tây Ban Nha. "Tôi thật may mắn khi được theo học một thứ cởi mở hơn như bây giờ, 16 tuổi quả là quá trẻ để quyết định mình sẽ làm gì trong cả cuộc đời phía trước. Tôi đang được sống theo một cách hoàn toàn khác trước đây”.

banker-1.png

Trường hợp của Morgan McArthur như một sự khai sáng cho học sinh cuối cấp ở thời buổi hiện tại, bởi các yếu tố khách quan dường như đang đè quá nặng lên quyết định của đa số học sinh. Cũng như nhiều sinh viên đang lo lắng về tác động của dịch COVID-19 lên nền kinh tế, cộng thêm cuộc bỏ phiếu Brexit đã diễn ra vào năm học cuối của cô, Morgan chọn ngành Nha khoa bởi "thế giới đang trải qua từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, nên điều đầu tiên tôi hướng đến là sự an toàn, bảo đảm", Morgan nhớ lại.

Bạn nên nhớ, thời thế luôn thay đổi, bạn chẳng thể nào mãi chạy theo tình hình xã hội mà gạt đi mong muốn của bản thân khi chọn ngành.

Hãy bước ra khỏi vùng an toàn trong suy nghĩ, thế giới này còn rộng lớn hơn bạn tưởng nhiều!


Thậm chí có những trường hợp còn phức tạp hơn như cô bạn V.B.C. - cựu học sinh trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam. Bạn tâm sự: “Trước đây mình rất phân vân giữa ngành Quản lý giáo dục hoặc Tâm lý giáo dục và Thiết kế đa phương tiện. Mới nghe thì rõ ràng giáo dục là một nước đi có vẻ ổn định hơn, nhưng vẫn có một thứ gì đó trong thâm tâm mình mách bảo hãy theo ngành còn lại”. Không chỉ lưỡng lự về ngành học, trước đó, V.B.C. còn “đau đầu” với câu hỏi “Có nên học đại học hay không?”, và một quyết định liều lĩnh đã được thực hiện - cô bạn hiện đang theo học tại Học viện Thiết kế thay vì chọn con đường an toàn như bao bạn bè đồng trang lứa.

Khi được hỏi về dự định trong tương lai với quyết định “khác người” của bản thân, V.B.C. chia sẻ “Ngành Thiết kế đa phương tiện cho mình rất nhiều sự lựa chọn về nghề nghiệp nên mình cũng chưa thể chọn ra một nghề cụ thể. Trước đó, mình cũng nghĩ tới một hướng đi rộng hơn để mình có thể quay lại học về giáo dục trong trường hợp không hợp ngành Thiết kế. Nhưng mình gạt bỏ luôn vì mình không muốn phải bắt đầu lại từ đầu, thay vào đó mình sẽ dồn hết tâm huyết vào một con đường duy nhất - học thiết kế chuyên sâu.”

banker-2.png

Dù sự nghiệp trong tương lai là rất đáng để suy ngẫm, lo lắng, nhưng các chuyên gia vẫn khuyên sinh viên không nên chọn chuyên ngành chỉ dựa trên ước mơ “làm giàu” hay sẽ kiếm được bao nhiêu tiền sau này.

"Môn học của bạn không quan trọng bằng việc bạn sẽ đạt được một tấm bằng hạng cao ở cuối khóa. Bạn sẽ có động lực học hơn và học tốt hơn đối với những kiến thức mà bạn cảm thấy hứng thú, yêu thích. Như vậy sẽ tốt hơn nhiều so với việc học những thứ mà chỉ cho bạn cảm giác rằng mai sau sẽ dễ tìm việc, kiếm được nhiều tiền hay lương cao", theo Charlie Ball - chuyên gia nghề nghiệp tại Prospects.

Phát triển nhiều kĩ năng để có thể áp dụng ở môi trường rộng mở hơn

Để trở nên nổi bật giữa một dàn ứng viên nặng kí, chuyên gia Charlie Ball khuyên bạn nên tìm những khóa học với kiến thức rộng hoặc phát triển thêm các kĩ năng để có những lựa chọn việc làm đa dạng hơn sau này. Ví dụ bạn đang học ngành Khoa học, hãy cố gắng cải thiện cả kĩ năng giao tiếp, hoặc thử tìm hiểu về phân tích dữ liệu ngay cả khi bạn học chuyên ngành Nhân văn. Vì việc học tập chưa bao giờ là thừa thãi cả.

banker-3.png

Tất nhiên là lời khuyên này chỉ mang tính chất tương đối để bạn tham khảo, chứ chẳng dễ áp dụng chút nào nếu bạn đã có sẵn sự tự tin vào lựa chọn của mình - như trường hợp của cô bạn V.B.C. nêu trên, và đặc biệt cho những ngành nghề chỉ có một con đường cố định như bác sĩ hay y tá. Còn nếu bạn đang lưỡng lự về lĩnh vực có khả năng mang lại nhiều cơ hội việc làm nhất, thì "có khá nhiều nghề về chăm sóc sức khỏe mà bạn có thể tính đến" - chuyên gia Ball gợi ý, bao gồm các loại trị liệu, hộ sinh, chuyên gia X-quang,… Ngoài ra cũng có rất nhiều vị trí tuyển dụng khác trong ngành Giáo dục, Công nghệ thông tin, Kỹ sư hoặc Marketing.

Trò chuyện cùng cố vấn nghề nghiệp để tìm hiểu về các ngành nghề

Dù việc bạn không biết mình muốn làm nghề gì từ khi còn đi học là chuyện hết sức bình thường, và trên thế giới này tồn tại rất nhiều nghề mà bạn thậm chí chưa bao giờ nghe tới - song nhà tư vấn nghề nghiệp Samantha Adam tại trường Đại học Brunel, Anh Quốc vẫn khuyên rằng bạn nên gặp gỡ các cố vấn nghề nghiệp để có thể đưa ra quyết định tốt nhất cho chuyên ngành đại học của mình. “Sẽ chẳng bao giờ là vô ích khi tìm hiểu về một khóa học, nên nếu bạn đã có một con đường sự nghiệp tương đối cụ thể trong đầu, bạn nên nghiên cứu và tìm cách tốt nhất để đạt được nó", Samantha nói.

banker-4.png

Để chọn được chuyên ngành phù hợp, việc khám phá sở thích của mình khi còn ở trường học là một bước khởi đầu chuẩn không cần chỉnh. "Nhưng bạn vẫn phải suy nghĩ thật sáng suốt về những niềm yêu thích ấy", Samantha nhấn mạnh. Ví dụ, nếu bạn thích đọc báo, bạn có thể sẽ phù hợp với ngành Chính trị hoặc Báo chí. "Mọi người thường bị kẹt lại với những gì họ sẵn biết và tự giới hạn một số lượng nhỏ ngành nghề cho mình, nhưng thật ra điều ấy chỉ là một mảnh ghép nhỏ so với thế giới rộng lớn ngoài kia". Quan trọng không kém, bạn cần "xào nấu" kĩ nội dung khóa học ở các trường đại học khác nhau vì "chẳng có bằng cấp nào là giống nhau", Samantha bổ sung.

Chẳng bao giờ là quá sớm hay quá muộn để trải nghiệm

Nếu bạn vẫn lo lắng về việc bằng cấp của mình sẽ dẫn đến lợi ích gì, hãy nhớ rằng lựa chọn chuyên ngành đại học chỉ là một hạt cát ngoài đại dương mênh mông mà thôi! Nikki Shure, một nhà nghiên cứu thị trường lao động ở Học viện Giáo dục UCL, nói rằng "Cách tốt nhất để lọt vào mắt xanh của nhà tuyển dụng là cố gắng tham gia các kì thực tập để tích lũy kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực liên quan, tham dự các sự kiện để mở rộng quan hệ, kể cả những diễn đàn trên mạng, trò chuyện với những người có nghề nghiệp khiến bạn hứng thú. Và vẫn phải tập trung học tốt nhất có thể ở trường".

Đây cũng là một cơ hội để bạn tranh thủ “kiểm tra” lại xem mình có thật sự hứng thú, say mê với ngành hay không. Nếu chưa yêu thích ngành học đến vậy, bạn sẽ sớm nhận ra ngay sau một vài cuộc trò chuyện đầu tiên thôi.

Như vậy, việc lựa chọn ngành học chỉ là một yếu tố nhỏ và chẳng thể quyết định cả tương lai của bạn đâu. Điều quan trọng nhất là bạn có sự đầu tư công sức và nhiệt huyết vào chuyên môn mà mình có hứng thú và cố gắng phát triển đa dạng các kĩ năng, chẳng còn gì có thể làm khó bạn!

HIỀN MINH - Pháp luật và Bạn đọc (Link gốc)
 

Tin tuyển dụng mới nhất

Thống kê MXH

Tổng số chủ đề
34,575
Số bình luận
528,080
Tổng số thành viên
351,407
Thành viên mới nhất
Jettwings
Back
Bên trên