Bỏ tiền mua nợ xấu

tranthithuha124

Thành viên
Nợ xấu lắm khi là nỗi thống khổ của người này lại trở thành nguồn tài sản sinh lợi của người khác. Thế giới đã chứng kiến không ít nền kinh tế được bảo vệ bằng những thương vụ mua - bán nợ xấu. Ví như KAMCO - Công ty quản lý tài sản Hàn Quốc đã bảo vệ nền kinh tế bằng việc mua lại các khoản nợ xấu nhằm hỗ trợ tái cơ cấu DN, khôi phục tín dụng cá nhân và thực hiện một số nhiệm vụ khác được Chính phủ giao. KAMCO đã tập trung vào phát triển tài sản nhằm gia tăng giá trị tài sản Nhà nước và gia tăng dòng tiền mặt.
0f0money.jpg
Thành tựu lớn mà KAMCO đã tạo nên là sau các cuộc khủng hoảng tài chính ở châu Á năm 1997 và cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008 đứng ra mua và xử lý nợ xấu, để ổn định tài chính nâng cao sức mạnh tài chính cho các định chế tài chính cũng như ngăn chặn sự lan truyền bất ổn tới thị trường tài chính. Young Chul Chang - Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Công ty quản lý tài sản Hàn Quốc cho biết, trong khủng hoảng châu Á, KAMCO đã bỏ 12.000 tỷ won để mua lại nợ xấu của DN và NHTM. KAMCO đã chuyển số nợ này thành cổ phần, phát hành trái phiếu… và đã thu về 45.700 tỷ won. Có thể dẫn ra ví dụ từ trường hợp Daewoo. Năm 1999, đứng trước nguy cơ phá sản, Tập đoàn đa quốc gia Daewoo bắt đầu tái cấu trúc bằng việc chia thành 3 DN và bán nợ, hoán đổi chủ sở hữu. Năm 2010, KAMCO mua lại nợ xấu từ các chủ sở hữu, rồi bán bớt cổ phần ở Daewoo cho Possco, cho Doosan, nâng mức vốn ban đầu lên 2,2 lần và Daewoo sau 10 năm tái cơ cấu trở thành một điểm sáng về DN năng lượng trên thế giới. Với Việt Nam, xử lý dứt điểm nợ xấu trước năm 2015 là một điểm nhấn quan trọng trong đề án tái cơ cấu DNNN. Trụ cột để ra xử lý nợ xấu là Công ty mua bán nợ DATC thuộc Bộ Tài chính được thành lập năm 2003. DATC có nhiệm vụ xử lý các khoản nợ tồn đọng và tài sản không cần dùng, chờ thanh lý, vật tư ứ đọng kém, mất phẩm chất, góp phần lành mạnh hóa tình hình tài chính DN, thúc đẩy quá trình sắp xếp và chuyển đổi DNNN. DATC đã thực hiện mua lại phần lớn số nợ từ các chủ nợ của một DN khách nợ; sau đó với vai trò chủ nợ chính, DATC thực hiện các biện pháp thích hợp giúp DN khách nợ tái cơ cấu lại để xử lý triệt để những khó khăn, tồn tại, tiến tới ổn định và phát triển hoạt động. Với hành trình hoạt động của mình, đã có 42 DN được DATC thực hiện tái cơ cấu như: Công ty mía đường Sơn La, Công ty mía đường Kon Tum, Công ty công trình giao thông 677… Sau khi DATC thực hiện các biện pháp tái cơ cấu, nhiều DN đã bắt đầu có lãi và đã có nguồn trả nợ cho DATC, một vài DN còn lỗ, nhưng mức lỗ đã giảm rất nhiều so với trước khi thực hiện tái cơ cấu. Tính đến nay, DATC đã mua được gần 7.000 tỷ đồng nợ tồn đọng, trong đó hơn 90% là nợ được mua từ các NHTM Nhà nước và khoảng 92% được mua từ năm 2007 đến nay là gắn với tái cơ cấu DN khách nợ. Hoạt động mua bán nợ gắn với tái cơ cấu lại các DN khách nợ do Công ty thực hiện trong những năm qua đã giúp đẩy mạnh hoạt động mua bán nợ với các ngân hàng, qua đó đã giúp các NHTM Nhà nước xử lý nhanh một khối lượng lớn nợ tồn đọng, góp phần cải thiện và nâng cao năng lực tài chính. Ngoài ra Việt Nam còn có khoảng 20 công ty quản lý nợ và khai thác tài sản (AMC) trực thuộc các TCTD và NHTM có chức năng tiếp nhận và xử lý nợ xấu cho các ngân hàng mẹ. Vẫn biết, phát triển thị trường mua bán nợ là một giải pháp hiệu quả cho nền kinh tế hiện nay. Đã có những nhà đầu tư nước ngoài, công ty tư nhân sẵn sàng tham gia thị trường. Tuy nhiên, khuôn khổ pháp lý cho hoạt động mua bán nợ gắn với tái cơ cấu DN cần sớm được hoàn thiện theo hướng tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho DATC và các DN mua bán nợ trên cơ sở nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm, đảm bảo hiệu quả kinh tế.
Theo Thời báo Ngân hàng
 

Tin tuyển dụng mới nhất

Thống kê MXH

Tổng số chủ đề
34,577
Số bình luận
528,092
Tổng số thành viên
351,696
Thành viên mới nhất
gbdt886com
Back
Bên trên