Trong thời gian vừa qua, tại các Ngân hàng liên tục xảy ra các vụ việc mất tiền liên quan đến hoạt động kế toán, thanh toán, kho quỹ và tiếp quỹ tại các máy ATM (máy rút tiền tự động).
Đó là những giao dịch viên, những cán bộ tại các bộ phận kế toán và các bộ phận có liên quan tại Ngân hàng khi phát hành sổ tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi cho khách hàng nhưng không nộp vào quỹ hoặc nộp vào quỹ ít hơn số tiền khách hàng thực gửi để chiếm đoạt.
Đó là những người quản lý Ngân hàng về mặt nào đó đã quản lý chưa tốt đặt biệt là việc quản lý ấn chỉ không chặt chẽ dẫn đến các cán bộ lợi dụng đã sử dụng ấn chỉ trắng phát hành cho khách hàng gửi tiền nhưng lại không hạch toán hoặc đóng sớm, tất toán sổ tiết kiệm nộp tiền vào tài khoản của khách hàng chưa lấy thẻ ATM sau đó thì rút tiền tại các điểm giao dịch khác rồi lập các chứng từ khống, lấy cắp mật khẩu của kiểm soát viên, người phê duyệt để rút khống sổ tiết kiệm của khách hàng.
Đó có thể là việc thực hiện hạch toán và chuyển tiền từ tài khoản của khách hàng sang tài khoản khác do cán bộ vi phạm mở trong thời gian ngắn dùng để chiếm đoạt tiền, tự động rút tiền của khách hàng sau một thời gian mới trả lại cho khách hàng, giả chữ ký của khách hàng, lập hồ sơ giả để rút tiền, tự động thay đổi số điện thoại của khách hàng đã đăng ký trên hệ thống dịch vụ để khách hàng không biết được sự biến động tài khoản chiếm đoạt tiền.
Đó là khi tiếp quỹ tại các máy rút tiền tự động ATM, vì sự tin tưởng những người quản lý đã buông lỏng và giao cho một người thực hiện quản lý tất cả các chìa khóa, mã số dẫn đến cá nhân lấy tiền mặt trong khi tiến hành thủ tục tiếp quỹ, thực hiện việc tiếp quỹ không đúng quy trình, không đúng quy định...
Các giao dịch viên, những cán bộ có chức trách nhiệm vụ trong quá trình giao dịch và xử lý nghiệp vụ vì lòng tham nên đã lợi dụng sự sơ hở của những người quản lý, sự sơ hở của nghiệp vụ chiếm đoạt tiền theo những cách khác nhau. Việc chiếm đoạt tiền đã để lại hậu quả vô cùng to lớn đối với hoạt động của Ngân hàng vì những người chiếm đoạt tiền ngoài việc phải đối mặt với bản án của Tòa án nhân dân có thẩm quyền vì việc làm và hành động của họ thì những người quản lý, những người đứng đầu các Ngân hàng còn bị liên đới chịu trách nhiệm vì từ những việc làm sai trái đó và đã gây ra thiệt hại vô cùng lớn về tiền, tài sản cho nhà nước vì suy cho cùng thì Ngân hàng cũng chỉ là đại diện có trách nhiệm quản lý phần vốn mà nhà nước đã giao.
Lợi dụng sơ hở để chiếm đoạt tiền
Ngày 08/10 Ban Giám đốc Ngân hàng B lập Tổ kiểm tra 04 máy ATM của Ngân hàng, qua kiểm tra phát hiện có sự chênh lệch giữa số tiền tồn quỹ trên thực tế và số tiền được ghi trên sổ sách kế toán. Tổng số tiền qua kiểm tra bị thiếu hụt gần 25 tỷ đồng. Sau khi tra soát trên hệ thống mạng nội bộ thì phát hiện ra việc thiếu tiền là do quá trình tiếp quỹ ATM gây ra, vì số lượng tiền mất tương đối lớn, Giám đốc Ngân hàng B đã báo cáo sự việc lên Ngân hàng quản lý cấp trên, sau khi Ngân hàng cấp trên thành đoàn kiểm tra và chuyển vụ việc cho Cơ quan cảnh sát điều tra xử lý thì sau hơn 3 tháng, Cơ quan cảnh sát điều tra đã xác định Nguyễn Văn H – Phó phòng dịch vụ Maketing đã lợi dụng nhiệm vụ tiếp quỹ tại các máy ATM để chiếm đoạt số tiền thiếu hụt nói trên.
Tại Cơ quan cảnh sát điều tra, Nguyễn Văn H đã thừa nhận trong quá trình vận chuyển, H đã lợi dụng lúc không có người trong thang máy hoặc tầng trệt nơi để xe, H đã mở hộp đựng tiền lấy đi số lượng tiền có mệnh giá 500.000đ cho vào túi nilông đen chuẩn bị sẵn và tiếp tục vận chuyển tiền đến máy ATM. Khi đưa các hộp tiền này vào máy, H vẫn nhập số tiền tiếp quỹ theo đúng số lượng tiền mà H đã nhận từ thủ quỹ. Việc làm này của H cứ diễn ra liên tục hơn 2 tháng thì bị phát hiện. Theo lời khai của H tại Cơ quan cảnh sát điều tra thì toàn bộ số tiền H chiếm đoạt từ việc tiếp quỹ ATM H dùng vào việc đánh bài và cá độ bóng đá và đến thời điểm bị Cơ quan cảnh sát điều tra truy tố và bắt tạm giam thì H không còn một đồng nào từ 25 tỷ đồng chiếm đoạt.
Về nguyên tắc trong hoạt động Ngân hàng khi tiếp quỹ tại các máy rút tiền tự động ATM được thực hiện rất chặt chẽ và qua rất nhiều khâu và thông thường thì khi tiếp quỹ ATM các Ngân hàng thường có ban quản lý tiếp quỹ và thành viên tối thiểu có thể là ba người 01 Trưởng Ban (giữ mã két) và 02 thành viên (thành viên 1 giữ mã két; thành viên 2 giữ chìa khóa kỹ thuật) quy định như thế để đảm bảo khách quan, đảm bảo không có tư lợi khi thực hiện tiếp quỹ ATM. Quy định thì chặt chẽ nhưng vụ việc nói trên của Ngân hàng B đã không thực hiện đúng quy định, đúng quy trình, tất cả mọi việc từ nhận tiền, từ mở khóa, chốt số dư đều do H làm và tất cả các thành viên không biết. Tại bản án sơ thẩm số 201 của Tòa án nhân dân đã kết tội H 20 năm tù giam về hành vi trộm cắp tài sản và phải bồi thường thiệt hại số tiền 25 tỷ đã chiếm đoạt. Giám đốc, Phó Giám đốc, Trưởng phòng kế toán và thủ quỹ Ngân hàng B đều bị truy tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và chịu các mức án khác nhau, người cao nhất 5 năm tù giam và người thấp nhất là 2 năm tù giam.
Tại Ngân hàng X, trong quá trình điều chuyển tiền từ Trụ sở đến phòng giao dịch, Trần Văn G – nhân viên tín dụng cùng với 2 người nữa thực hiện việc chuyển tiền tiếp quỹ đối với máy ATM tại phòng giao dịch trực thuộc Ngân hàng. G nhận nhiệm vụ đi nhận tiền từ quỹ mặc dù không phải là thành phần tiếp quỹ theo quy định. Khi đã lấy được tiền từ quỹ với số tiền 12 tỷ đồng, G cho vào túi nilong và không cho vào túi chuyên dụng như đúng quy định tại Ngân hàng, G lên xe chuyên dùng cùng với 2 người và 1 cảnh vệ đi cùng đến phòng giao dịch đã hẹn trước để tiến hành các thủ tục tiếp quỹ ATM. Trên đường đi G thông báo sẽ qua một Ngân hàng khác trên địa bàn và có việc cần giao dịch ở đây một chút khoảng 15p sau đó sẽ tiếp tục hành trình như đã định để tiếp quỹ. Khi xuống xe G lấy 02 túi nilong trong đó đựng sẵn số tiền 12 tỷ đi vào thẳng Ngân hàng.
Sau gần 30 phút không thấy G ra, 2 người còn lại đi cùng tiếp quỹ với G gọi điện nhưng máy không liên lạc được. Thấy có vẻ bất ổn, họ xuống xe kiểm tra túi đựng tiền tiếp quỹ thì phát hiện tiền không có. Lập tức họ chạy vào Ngân hàng nơi G bảo vào để giao dịch thì mới biết được G không hề giao dịch. Tại Cơ quan cảnh sát điều tra đã xác định G đã chiếm đoạt số tiền 12 tỷ và ra lệnh truy nã G trên toàn quốc vì sau khi chiếm đoạt tiền, G đã bỏ trốn. Toàn bộ những người trong thành phần đi tiếp quỹ với G đã bị Cơ quan điều tra khởi tố và bắt tạm giam về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng khi để mất tiền trong quá trình đi tiếp quỹ ATM.
Việc áp giải tiền từ Trụ sở Ngân hàng đi Phòng Giao dịch, Ngân hàng X đã không thực hiện đúng theo quy định, quy trình áp giải tiền của Ngân hàng, của pháp luật khi để G trong thành phần áp giải tiền trong khi G không phải là 1 trong những thành phần áp giải; rồi sử dụng túi cá nhân đựng tiền trong khi quy định là sử dụng túi theo quy định; trong quá trình áp giải tiền thì xe áp giải đã đi sai tuyến đường theo chỉ đạo của G. Tất cả các việc đó đã tạo điều kiện dẫn đến việc G tham ô và chiếm đoạt 12 tỷ đồng. Hiện tại vụ việc vẫn đang được Cơ quan cảnh sát điều tra làm rõ hành vi của những bị can và những người có liên quan, riêng đối với cá nhân G vẫn đang trốn và bị Cơ quan công an truy nã.
Tại Ngân hàng Y vừa xảy ra sự việc đau lòng và sẽ là bài học cảnh tỉnh cho những người quản lý những người có trách nhiệm khi để xảy ra việc mất tiền tại quỹ. Đinh Văn K, Nguyễn Văn T, Đoàn Trần C là 3 cán bộ thuộc biên chế của Ngân hàng Y vì đam mê và chơi cá độ bóng đá qua mạng. Trong quá trình chơi, 3 cán bộ trên đã thua độ và không có tiền thanh toán cho những người cung cấp mạng cá độ bóng đá. Lợi dụng nhiệm vụ được giao và sự buông lỏng quản lý của lãnh đạo Ngân hàng Y, nhóm người trên đã câu kết với nhau "thụt két", chiếm đoạt tiền của chính ngân hàng này bằng cách lập khống chứng từ để che giấu đồng nghiệp và cấp trên.
Thủ đoạn được nhóm người này sử dụng là ghi khống giấy nộp tiền mặt vào tài khoản rồi yêu cầu các giao dịch viên chuyển tiền mặt đến tài khoản (do những người tổ chức đánh bạc cung cấp) ghi trong giấy nộp tiền. Khi đưa giấy nộp tiền, nhóm người này nói là tiền đã được thu nên các giao dịch viên thực hiện theo lệnh miệng. Cùng với việc lập khống giấy nộp tiền, nhóm người này còn tự vào kho quỹ lấy tiền nhờ người chuyển vào tài khoản đã cung cấp sẵn. Với cách trên, trong khoảng thời gian hơn 3 tháng họ đã lập gần 300 hồ sơ, chứng từ chiếm đoạt tiền của Ngân hàng Y hơn 20 tỷ đồng. Ngoài số tiền trên, nhóm người này còn chiếm đoạt tiền gửi tiết kiệm của khách hàng hơn 2 tỉ đồng. Tổng cộng họ đã chiếm đoạt số tiền hơn 22 tỷ đồng.
Khi sự việc bị phát hiện được Cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố và truy tố thì ngoài 3 bi cáo là người trực tiếp thực hiện hành vi thì ban lãnh đạo (Giám đốc, Phó Giám đốc) tại Ngân hàng Y với trách nhiệm là những người đứng đầu đã buông lỏng quản lý, không thực hiện kiểm tra, kiểm soát hoạt động tài chính của ngân hàng, gây thất thoát số tiền đặc biệt lớn cũng chịu trách nhiệm. Tại bản án sơ thẩm số 113 của Tòa án nhân dân có thẩm quyền đã tuyên phạt 3 bị cáo K, T, C mức án tù chung thân còn các bị cáo nguyên là Giám đốc, Phó Giám đốc Ngân hàng Y chịu mức án 5 năm tù về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Tại Ngân hàng Z, giao dịch viên Nguyễn Thu T đã lợi dụng sự sơ hở của khách hàng cùng với sự thơ ơ trong khâu kiểm tra kiểm soát của Ngân hàng để thực hiện hành vi chiếm đoạt tiền hết sức tinh vi. Theo thông báo của Ngân hàng Z thì lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm đang dao động từ 4 đến 7%/năm nhưng T đã mời chào khách hàng lãi suất rất hấp dẫn từ 8 đến 13%/năm. Khi đã mời chào được khách hàng, T đã nảy sinh ý định chiếm đoạt tiền của khách hàng bằng các thủ đoạn gian dối như làm hồ sơ khống, giả mạo chữ ký khách hàng; tự viết tay những yêu cầu về nội dung khách hàng cần rút hoặc chuyển bao nhiêu tiền. Khi mới bắt đầu thực hiện hành vi của mình, T luôn trả lãi suất chênh lệch đầy đủ, đúng thời gian nên khách hàng rất tin tưởng. Sau một thời gian dài chiếm đoạt tiền, T dùng tiền vào các mục đích cá nhân như mua nhà, mua xe, đi du lịch tại những nơi đắt đỏ nhất.
Tuy nhiên, sau một thời gian không trả lãi cho khách hàng, khách hàng bắt đầu đến Ngân hàng để khiếu nại thì sự việc của T mới được đưa ra ánh sáng công lý. Tại Cơ quan cảnh sát điều tra, T đã khai nhận hành vi của mình trong thời gian gần 1 năm thực hiện hành vi phạm tội, T đã chiếm đoạt hơn 50 tỷ đồng của khách hàng và qua mặt luôn những người lãnh đạo và bộ phận kiểm tra, kiểm soát tại Ngân hàng. Ngoài việc bị truy tố và xét xử theo quy định thì hành vi của T còn kéo theo Ban Giám đốc, Trưởng phòng kế toán bị trách nhiệm pháp lý khi bị Cơ quan cảnh sát điều tra truy tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Tương tự là trường hợp tại Ngân hàng V, trong vòng gần 5 tháng, 3 đối tượng gồm Trưởng phòng kế toán, Giao dịch viên và thủ quỹ đã lợi dụng nhiệm vụ được giao cùng nhau bàn bạc tiến hành rút sổ tiết kiệm của khách hàng. Nhóm người này đã tất toán sổ tiết kiệm khống trước hạn bằng cách hạch toán trên hệ thống mạng nội bộ của Ngân hàng này, Giao dịch viên ký giả chữ ký của khách hàng trên chứng từ, sau đó chuyển lại cho Trưởng phòng kế toán duyệt khống sổ tiết kiệm để chiếm đoạt tiền. Khi khách hàng mang sổ tiết kiệm đến thì sổ đã bị tất toán nên đã khiếu nại lên Ngân hàng, sau khi Ngân hàng tiến hành kiểm tra thì phát hiện nhóm người này đã chiếm đoạt hơn 4 tỷ đồng từ hơn 40 sổ tiết kiệm của khách hàng.
Ngoài hành vi trên, nhóm người này còn tiến hành hạch toán số tiền khách hàng gửi vào hệ thống mạng nội bộ ít hơn số tiền khách hàng thực gửi để chiếm đoạt tiền. Khi giao dịch với khách hàng, Giao dịch viên hướng dẫn khách hàng viết giấy gửi tiền rồi giữ lại giấy gửi tiền để theo dõi và Giao dịch viên tiến hành viết giấy gửi tiền giả, ghi số tiền ít hơn số tiền khách thực gửi, ký giả chữ ký khách hàng hoặc yêu cầu khách hàng ký vào giấy gửi tiền song không có nội dung (nội dung sẽ do mình ghi sau), khớp với số tiền đã hạch toán vào máy rồi đăng ký vào hệ thống mạng nội bộ. Khi thực hiện xong, Giao dịch viên vẫn in phát hành sổ tiết kiệm, với số tiền ghi trên sổ tiết kiệm đúng với số tiền khách hàng thực gửi.
Tại bản án số 114 của Tòa án nhân dân đã tuyên phạt 3 nhóm người trên mức án 20 năm tù và chịu trách nhiệm bồi thường toàn bộ số tiền mà mình đã chiếm đoạt, liên quan đến vụ việc thì Giám đốc, Phó Giám đốc tại Ngân hàng cũng bị Tòa án tuyên phạt mỗi người 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Hãy cùng nhìn nhận một cách khách quan và cụ thể đối với những vụ việc mất tiền nói trên và tự đặt câu hỏi là tại sao hoạt động của Ngân hàng lại có phần sơ hở có phần lỏng lẻo trong khâu quản lý, trong khâu kiểm tra để cho các cán bộ vì lòng tham bất chấp hậu quả pháp lý mà lợi dụng chiếm đoạt tiền và sau đó là kéo theo rất nhiều người bị liên lụy. Nếu đánh giá đúng bản chất của sự việc thì chúng ta có thể thấy, tại sao Ngân hàng lại để cho các cán bộ của mình có được cơ hội để lòng tham trong người chỗi dậy và đánh mất lý trí, đánh mất bản thân để rồi khi nhìn lại thì thấy mình đang phải thụ án trong trại giam mà không biết khi nào mới được tự do.
Bài học kinh nghiệp và các giải pháp phòng ngừa, ngặn chặn rủi ro
Có những sự việc đau lòng đã xảy ra và có những sự việc nếu những người đứng đầu các Ngân hàng sát sao hơn, quan tâm hơn để chỉ đạo cấp dưới thực hiện theo đúng những gì quy trình nội bộ tại các Ngân hàng đã quy định trên cơ sở quy định của Ngân hàng Nhà nước và pháp Luật có liên quan thì những sự việc đau lòng về con người về tiền và tài sản đã không xảy ra.
Từ những sự việc đã nêu trên, chúng tôi xin đề xuất những bài học kinh nghiệm, những giải pháp phòng ngừa, ngặn chặn rủi ro để chia sẻ cho những người đang là quản lý, điều hành tại các Ngân hàng, những cán bộ trong các khâu nghiệp vụ đang trực tiếp tiếp xúc với tiền, giao dịch với khách hàng tại Ngân hàng được biết với mong muốn hạn chế rủi ro trong hoạt động kinh doanh tại Ngân hàng.
Thứ nhất: Hãy giao nhiệm vụ cho bộ phận hậu kiểm và bộ phận kiểm tra kiểm soát nội bộ thường xuyên, liên tục kiểm tra, giám sát quá trình giao dịch của các giao dịch viên, thủ quỹ, kế toán, tiến hành đối chiếu các chứng từ giao dịch đã được hạch toán với những chứng từ giao dịch trên máy tại mạng nội bộ của các Ngân hàng, đồng thời, Ngân hàng phải thường xuyên, liên tục tập huấn các kiến thức nghiệp vụ, phổ biến các quy trình, quy chế kiểm soát nội bộ đến toàn thể mọi người nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của từng cá nhân, từng bộ phận.
Thứ hai: Hãy làm đúng quy trình, từng khâu, từng nghiệp vụ đã được quy định tại nội bộ các Ngân hàng. Kiện toàn bộ máy, đội ngũ làm công tác kiểm tra, kiểm soát đảm bảo hiệu quả và an toàn trong quá trình hoạt động kinh doanh. Nên nhớ đừng bao giờ làm tắt quy trình nếu không muốn vướng vòng lao lý.
Thứ ba: Thường xuyên cập nhập thông tin khách hàng đặc biệt là thông báo số dư biến động tài khoản của khách hàng được mở tại Ngân hàng để kịp thời phản ánh các bất thường về tài khoản của khách hàng để ngăn chặn các hành vi chiếm dụng tiền gửi hoặc một phần tiền gửi của khách hàng trên tài khoản. Hãy thông báo và ghi rõ tại các quầy giao dịch của Giao dịch viên số điện thoại đường dây nóng của Ngân hàng để khi có sự cố hay có vụ việc liên quan, khách hàng biết và phản ánh kịp thời.
Thứ tư: Khi bộ phận kiểm soát ký phát hành sổ tiết kiệm thì trước khi ký và phát hành, người có trách nhiệm ký phát hành phải kiểm tra đầy đủ chứng từ, số tiền thực tế và đối chiếu trên hệ thống mạng nội bộ để xem có khớp đúng với số tiền mà Giao dịch viên đã hạch toán.
Thứ năm: Trường hợp những người có trách nhiệm duyệt, quản lý nghỉ phép thì khi nghỉ phải báo ngay cho bộ phận tin học tại Ngân hàng, bộ phận tin học sau khi được thông báo phải báo cáo ngay cho lãnh đạo Ngân hàng biết để tránh trường hợp người phê duyệt nghỉ nhưng người khác vẫn sử dụng được mật khẩu để duyệt phát hành sổ tiết kiệm.
Thứ sáu: Đối với trường hợp tiếp quỹ ATM hãy nhớ trong quá trình tiếp quỹ, vận chuyển tiền phải đảm bảo đầy đủ các thành phần theo quy định, mọi khâu từ lấy tiền từ quỹ đến mở hộp đựng tiền, chốt số dư…phải đảm bảo đúng quy trình không được làm tắt.
Thứ bảy: Các Ngân hàng hãy tiến hành kiểm tra đột xuất việc giao dịch, hạch toán đối với các bộ phận như giao dịch viên, thủ quỹ, kế toán, tiếp quỹ …, kiểm tra phải đi đôi với chấn chỉnh, xử lý, chỉnh sửa kịp thời những tồn tại, sai phạm, không được để một người kiêm nhiệm nhiều việc, thực hiện nhiều khâu, phải tách biệt rõ chức năng, nhiệm vụ của từng cán bộ, từng bộ phận.
Đinh Hải Sơn
(Theo Trí thức trẻ)
(Theo Trí thức trẻ)